Thứ Tư, 27/11/2024 16:43 CH
Thiêng liêng cờ Tổ quốc giữa trùng khơi
Chủ Nhật, 29/04/2018 07:15 SA

“Đến với Trường Sa, nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang tung bay ở cột mốc chủ quyền của Tổ quốc cảm xúc dâng trào thật khó tả. Và điều đặc biệt thiêng liêng, để lại ấn tượng sâu sắc là khi được chào cờ Tổ quốc ở Trường Sa, giữa bốn bề sóng vỗ”, đó là tâm sự của trung úy Nguyễn Thị Hải Yến, phóng viên chương trình Vì an ninh Tổ quốc (Công an tỉnh Ninh Thuận) trong lần ra thăm quân dân huyện đảo Trường Sa mới đây.

 

Cờ đỏ sao vàng ở khuôn viên đặt tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở đảo Sơn Ca - Ảnh: XUÂN HIẾU

 

Rực rỡ cờ đỏ sao vàng

 

Không chỉ riêng nữ chiến sĩ Công an nhân dân Nguyễn Thị Hải Yến, hình ảnh cờ đỏ sao vàng hiên ngang tung bay trước gió ở nơi đảo xa cũng đã để lại ấn tượng sâu sắc với mọi người. “Cờ đỏ sao vàng đã thấm sâu vào máu thịt của mỗi người dân Việt Nam. Khi nhìn thấy màu cờ Tổ quốc giữa trùng dương mênh mông, hình ảnh hồn thiêng sông núi nước Việt như hiện lên rất thiêng liêng”, biên tập viên Đài PT-TH Hà Nội Nguyễn Thanh Nam chia sẻ.

 

Còn Đinh Thanh Xuân, phóng viên Báo Phú Thọ cảm nhận: “Trong khi ở đất liền mọi người đang tận hưởng cuộc sống an lành thì ở nơi đảo xa, bao cán bộ, chiến sĩ ngày đêm canh giữ vùng biển, vùng trời vì bình yên và chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Giữa bao la nước biếc, trời xanh và mây trắng, tôi thấy màu cờ đỏ sao vàng như tươi thắm hơn, rực rỡ hơn. Mỗi lá cờ đỏ sao vàng tung bay ở những cột mốc chủ quyền này đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của biết bao thế hệ người Việt Nam giữ đảo”.

 

Theo trung tá Phạm Thế Nhương, Đảo trưởng Sơn Ca, ở đảo xa có nhiều thứ có thể thiếu nhưng cờ Tổ quốc thì không thể. Không chỉ tung bay hiên ngang nơi cột mốc chủ quyền có thể nhìn thấy từ xa, cờ đỏ sao vàng còn hiện diện trên cầu tàu, ở cổng chào, trên đài chỉ huy, trên nóc nhà... Cờ Tổ quốc ở các đảo hầu hết có cùng kích cỡ 0,8 x 1,2m hoặc 1,2 x 1,8m. Riêng đảo Sơn Ca có lá cờ đỏ sao vàng được làm bằng bê tông trong khuôn viên vườn hoa đặt tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt nhất là lá cờ đỏ sao vàng được làm bằng chất liệu gạch men với kích cỡ 12,4 x 25m nằm trên nóc tòa nhà hội trường của đảo Trường Sa Lớn. Lá cờ kỷ lục Việt Nam bằng gạch men này có thể nhìn thấy từ máy bay. Hoặc khi chụp ảnh từ vệ tinh hay search Google Earth, lá cờ Tổ quốc này sẽ xuất hiện ở vị trí trung tâm đảo Trường Sa Lớn. Ngoài ra, trên một số đảo chìm, cờ Tổ quốc cũng được hóa thân vào từng ngôi nhà, những bức tường bê tông kiên cố, trên những tàu cá của ngư dân khi đi đánh bắt hải sản trên biển hoặc vào neo đậu ở các âu tàu…

 

Thượng úy Nguyễn Hữu Son viết chữ tặng Báo Phú Yên lá cờ Tổ quốc đã qua sử dụng - Ảnh: XUÂN HIẾU

 

Quà tặng đặc biệt

 

Khác với ở đất liền, cờ Tổ quốc treo nơi đầu sóng ngọn gió nên rất mau bạc màu và dễ rách. Vì vậy, đảo nào cũng dự trữ hàng trăm lá và chỉ 3-4 ngày là phải thay cờ mới. Đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, cho biết ngoài cờ được cung cấp theo quy định, Quân chủng Hải quân và nhiều địa phương, đơn vị, trường học đã phát động phong trào tặng cờ Tổ quốc cho Trường Sa. Từ phong trào này, nhiều đơn vị đã gửi tặng Trường Sa hàng chục ngàn lá cờ Tổ quốc, như Trường đại học Sư phạm Huế, Tỉnh đoàn Bắc Ninh... Mỗi chuyến tàu từ đất liền ra Trường Sa, một trong những “món quà” không thể thiếu đó là hàng ngàn lá cờ Tổ quốc. Cờ gửi tặng cho các đảo phải là cờ mới và có chất vải tốt. Chỉ như vậy khi treo lên cột cờ ở các điểm đảo, nhà giàn… mới lâu phai màu và kéo dài được tuổi thọ trước thời tiết khắc nghiệt ngoài biển cả. “Trong chuyến hải trình này, các đơn vị đã gửi tặng quân dân Trường Sa hơn 3.000 lá cờ đỏ sao vàng. Những lá cờ Tổ quốc gửi ra Trường Sa đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ, ngư dân yên tâm hơn trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đây còn là một cách thiết thực để giáo dục lòng yêu nước bằng hành động cho thế hệ trẻ”, đại tá Bùi Đình Dương khẳng định.

 

Từ đảo nổi cho đến đảo chìm, mỗi đảo đều có hai hộp đựng cờ. Một hộp đựng cờ mới còn hộp kia đựng cờ đã qua sử dụng. Những lá cờ cũ được cất giữ cẩn thận để dành làm quà tặng cho cán bộ, chiến sĩ mỗi lần về đất liền hay những đoàn khách ghé thăm đảo. Đây là món quà tinh thần của đảo mà bất cứ người Việt Nam yêu Tổ quốc nào cũng muốn được nhận. Và thật may mắn, trong chuyến ra thăm quân dân huyện đảo Trường Sa vừa qua, phóng viên Báo Phú Yên vinh dự được cán bộ chiến sĩ đảo Đá Thị gửi tặng báo một lá cờ Tổ quốc đã nhuốm màu thời gian. Thượng úy Nguyễn Hữu Son, Chính trị viên đảo Đá Thị đã tự tay nắn nót viết lên nền ngôi sao vàng dòng chữ: “Cán bộ chiến sĩ đảo Đá Thị tặng cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Phú Yên” và ký tên, đóng dấu mộc của đơn vị. “Lá cờ này đã được treo ở cột mốc chủ quyền đảo Đá Thị tại tọa độ 10o 24’40 vĩ độ Bắc - 114o 34’48 kinh độ Đông. Màu cờ tuy đã bạc vì sóng gió nhưng niềm tin và lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân của những người lính đảo Trường Sa chúng tôi thì không bao giờ phai nhạt. Dù bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi vẫn luôn đoàn kết, kiên trung, quyết tâm bám đảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, thượng úy Nguyễn Hữu Son quả quyết.

 

“Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước...”

 

Ở đất liền vào mỗi sáng thứ hai đầu tuần, đầu tháng hoặc sáng mùng một Tết, cơ quan, địa phương đều tổ chức chào cờ, nhưng khi được tham gia lễ thượng cờ và chào cờ Tổ quốc ở Trường Sa, cảm giác của mọi người về Tổ quốc thiêng liêng rất đặc biệt. Đại tá Bùi Đình Dương cho biết, cứ 5 giờ 30 sáng hàng ngày, lễ thượng cờ Tổ quốc được các đảo tiến hành ngay tại cột mốc chủ quyền. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ hết sức thiêng liêng của những người lính đảo. Còn mỗi tháng, các đảo tổ chức lễ chào cờ Tổ quốc một lần vào sáng thứ hai đầu tiên. Tất cả cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, nhân dân, giáo viên, học sinh, thầy tu... trên đảo đều tham gia hoạt động ý nghĩa này. Người được chọn vào vị trí để làm lễ thượng cờ phải là những chiến sĩ có thành tích xuất sắc trong công việc và rèn luyện. Đây là một trong những cách ghi nhận thành tích cũng như ý chí vươn lên của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Từ trước 7 giờ sáng, quân dân trên đảo quần áo chỉnh tề, đứng ngay ngắn trước cột mốc chủ quyền trên đảo. Cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay trong nắng gió Trường Sa, bốn bề sóng vỗ rì rào. Quốc ca vang lên hùng tráng từ những người lính đảo, át cả tiếng sóng biển: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa, cờ in máu chiến thắng mang hồn nước…”. Tiếp theo là 10 lời thề danh dự của quân nhân, được các cán bộ, chiến sĩ hô vang dõng dạc và trang nghiêm. Tiếp đó, các đơn vị bộ đội với nhiều quân binh chủng diễu hành qua cột mốc chủ quyền và cột cờ Tổ quốc dưới nền nhạc của bài “Tiến bước dưới quân kỳ”. Khí thế hào hùng, tác phong oai phong của những người lính đảo như khẳng định rõ ý chí quyết tâm giữ vững vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Trong suốt hải trình đến với các đảo, được nghe lại câu chuyện giữ lá cờ Tổ quốc và hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa càng làm cho mọi người xúc động hơn khi đứng dưới cờ đỏ sao vàng. Đó là thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, Anh hùng LLVT nhân dân, trong trận hải chiến 30 năm trước, anh đã dũng cảm giành lại lá cờ Tổ quốc khi quân địch xông vào cướp đi. Vì cứu đồng đội và giữ cho ngọn cờ thẳng đứng, anh trúng đạn và để lại câu nói bất hủ trước lúc hy sinh: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc…”. Đó là Trạm trưởng Nhà giàn DK1/6 đại úy Vũ Quang Chương, trong giờ phút sinh tử vào rạng sáng 13/12/1998 trước khi nhà giàn bị đổ sập do bão lớn, anh vẫn bình tĩnh chỉ huy anh em rời nhà giàn; đồng thời anh thu xếp tài liệu, cuốn lá cờ đỏ sao vàng vào lòng rồi rời nhà giàn sau cùng. Hình ảnh liệt sĩ Vũ Quang Chương ôm lá cờ Tổ quốc thanh thản đi vào lòng biển cũng như hình ảnh liệt sĩ Trần Văn Phương giành lại lá cờ Tổ quốc từ tay quân địch trong sự kiện Gạc Ma đã trở thành cột mốc chủ quyền bất tử, hiên ngang giữa biển khơi, tạo thành mạch nguồn sức mạnh to lớn, cổ vũ, động viên, thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục trân trọng, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Mắt biển” Sơn Ca
Thứ Bảy, 21/04/2018 08:23 SA
Hành trang lính đảo Trường Sa
Thứ Bảy, 14/04/2018 08:22 SA
Vì biển đảo quê hương
Thứ Bảy, 07/04/2018 08:16 SA
Tàu HQ 571 - Nối đất liền với Trường Sa
Thứ Bảy, 24/03/2018 09:30 SA
Xanh ngát Trường Sa
Thứ Bảy, 17/03/2018 08:57 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek