Bao đời nay, ngư dân luôn tỏ lòng kính nể, biết ơn đối với cá voi - ngư kình khổng lồ ở biển Đông. Tại Phú Yên, dân làng biển luôn trân trọng gọi cá voi là cá Ông, Ngài, Ông Nam Hải… Bởi loài cá này thường giúp đỡ, tương trợ khi tàu thuyền của bà con gặp bão tố…
Theo ông Phan Thuẩn, Phó Ban lạch Phú Câu (TP Tuy Hòa), khi có cá Ông dạt bờ, nếu còn sống thì làng biển tìm mọi cách để chăm sóc vết thương rồi nương nhẹ đưa Ông lại biển nước sâu. Nếu cá Ông chết (còn gọi là Ông lụy), làng chài tổ chức đám tang với nghi lễ trang trọng. Bởi họ cho rằng, Ông chọn về đây an nghỉ là đem điềm lành cho vạn chài.
Theo ông Hồ Ngợi, Trưởng Ban Nghi lễ lạch Phú Câu, ai là người đầu tiên phát hiện Ông lụy thì phải chịu tang như người thân mất. Người này phải đội khăn tang điều (màu đỏ) trong lễ cúng Ông và sau 100 ngày thì mới được xả tang. Quá trình tang lễ luôn có hương khói thành kính, một ban lễ tang được cắt đặt đầy đủ thành phần uy tín trong lạch.
Người dân dùng tre phất giấy điều để làm quan tài an táng Ông. Một khu vực bãi biển sạch sẽ được chọn từ lâu dành để làm “nghĩa trang” Ông. Theo dân biển, có Ông nặng hàng tấn nhưng nhờ khấn vái thành kính nên di chuyển rất nhẹ nhàng… Rồi cả làng tập trung đào một huyệt mộ lớn để đảm bảo thân xác Ông được yên nghỉ nơi sâu kín; điều này nhằm tránh mộ Ông bị đào bới, ảnh hưởng môi trường xung quanh. Tùy vào độ lớn của Ông, sau 3-10 năm thì hài cốt được bốc lên để đưa vào Lăng Ông lưu giữ, thờ tự, hương khói quanh năm.
Cũng theo ông Phan Thuẩn, tại “nghĩa trang” Ông ở Phú Câu, chưa bao giờ xảy ra việc mất mát hài cốt hay có người đến “làm bậy”. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để làng biển tiến hành các nghi lễ tâm linh. Vừa qua, Bảo tàng Phú Yên đề nghị đưa một bộ hài cốt Ông về trưng bày nhưng ban lạch “không dám” thực hiện…
Hành lễ cúng Ông tại Lăng Ông Tuy An |
Một Ngài Nam Hải được đưa vào Lăng Ông Tuy An |
Cá Ông lụy ở bờ biển Phú Yên |
Bộ hài cốt Ông khổng lồ được lưu giữ, thờ phụng hàng trăm năm qua lại Lăng Ông Phú Câu |
HÙNG PHIÊN