Tôi sinh ra và lớn lên trên dải đất nhiều nắng gió, cuộc sống gắn liền với những kỷ niệm bên bờ cát, bên những con sóng đôi lúc hiền hòa, nhưng cũng lắm khi giận dữ của biển miền Trung.
Ngày còn là học sinh phổ thông, chúng tôi thường có những giờ hoạt động ngoại khóa, chơi đùa trên bờ biển Đông Tác. Ngày đó, lũ trẻ con chúng tôi chỉ nhảy nhót trên bờ cát, hoặc chơi trò chạy sóng, không để sóng đánh ướt quần áo; cùng lắm là tắm bọt biển vì ba mẹ căn dặn không được tắm biển khi không có người lớn đi cùng. Chỉ một vài bạn là dân biển thứ thiệt thì mới biểu diễn những màn nhảy sóng “ngoạn mục”, được bạn bè tán thưởng; nhưng cũng có lần có bạn bị trẹo cổ, phải mất cả tuần mới bình phục. Lớn hơn chút, nhóm bạn tôi thường tổ chức những đêm lửa trại bên bờ biển thuộc phường Phú Thạnh, mà ngày ấy nhiều người vẫn gọi là “biển phi trường” (vì gần sân bay). Đó là những đêm trăng tròn, ánh trăng dát lên mặt biển những dải vàng lấp lánh. Đâu đó ngoài khơi xa, những con tàu đang cần mẫn thức cùng biển cả. Ngày đó, muốn đến “biển phi trường” phải đi qua một nghĩa địa quạnh quẽ mênh mông, đường có nhiều đoạn cát lún phải dắt bộ. Lúc đi thì không vấn đề nhưng đến khi về thì hầu như ai cũng lo lắng, nhất là các bạn nữ. Thế là chúng tôi cùng nhau hát vang, khuấy động không gian tĩnh lặng để át đi nỗi sợ vô hình đang mỗi lúc một nhiều lên. “Nhà mình có cái ống bơm, ai vô lấy mất lấy chi mà bơm xe, lấy gì mà bơm xe/ Nhà mình có má có ba, ai vô lấy má lấy chi…”. Tiếng hát cùng những tràng cười thoải mái là những kỷ niệm đẹp đã nuôi dưỡng tình bạn của chúng tôi ngày ấy cho mãi đến bây giờ.
Rồi xa nhà đi học, trước mặt trường tôi cũng là biển. Biển bãi Dương Nha Trang quanh năm thường lặng sóng, chỉ mùa biển động thì những con sóng mới được dịp nhảy bổ lên đường Trần Phú tung bọt trắng xóa. Ở thành phố này, chiều đến, biển đông nghịt người, người tắm, người hóng mát, thanh niên đá banh, trẻ em được ba mẹ đưa ra biển chơi với cát và làm quen với sóng. Còn những buổi tối sáng trăng, nhiều bạn trẻ đi dạo trên bờ cát mịn màng, hay ngồi trên bờ kè nhìn ra biển đón những đợt gió mang theo vị mặn mòi của đại dương, dưới chân sóng vỗ ì ầm và cũng có lúc biển ru bờ êm ả an nhiên.
Khi con trai tôi sinh ra, biển là một quà tặng vô giá. Từ lúc lên ba, cu nhóc được cho ra ngụp lặn ở bãi biển Tuy Hòa. Lần đầu tiên ấy là sự choáng ngợp trước một thứ gì đó quá rộng lớn, nhóc hết nhìn biển rồi nhìn ba mẹ. Sau đó, nhóc nhanh chóng rời khỏi vòng tay mẹ, sờ vào những hạt cát dưới chân. Chừng như thích thú, chừng như lạ lẫm, nhóc bốc ngay một nắm ùm vào miệng. Cũng may, bàn tay và cái miệng nhỏ xíu nên cát hầu như tuột hết ra ngoài. Tôi thực sự bất ngờ trước phản ứng của con, không kịp xử lý, hoảng, nhưng sau đó thì cười lắc lẻo trước sự hồn nhiên của con trẻ. Rồi nhóc nhanh chân chạy đi nghịch nước. Sau này mỗi lần xuống biển lần nào cu cậu cũng muốn nán lại thêm. Nhìn con hồn nhiên thỏa thích trong làn nước mát, tôi mong con sẽ mãi có được biển cả yên bình để nuôi dưỡng tâm hồn và chắp cánh cho những ước mơ bay xa, bay xa…
KIM ÁI