Thấm thoát mà đã tròn 3 năm ngày tôi theo con tàu HQ-571 chở cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) rời cảng Cam Ranh ra làm nhiệm vụ tại Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Mỗi khi có ai nhắc về quần đảo thiêng liêng này của Tổ quốc, ký ức trong tôi lại cựa quậy, cồn cào. Nhớ Trường Sa, bởi ở đó có bao người lính đã, đang hy sinh tuổi xuân và hạnh phúc riêng của mình để giữ yên biển trời đất mẹ…
Hiên ngang người lính biển
Nhớ hôm đến điểm đảo Thuyền Chài B, tôi rất xúc động khi nhìn thấy lá thư con trai thiếu tá Lưu Quang Sắc gửi ra từ đất liền. Dòng chữ nguệch ngoạc: “Con nhớ bố lắm! Tặng bố bông hoa” cùng bức tranh vẽ một bông hoa tô màu còn lem nhem của cậu nhóc 5 tuổi, đơn sơ nhưng lại trở thành món quà vô giá đối với người cha đang xa nhà, ngày đêm canh giữ biển khơi. Chính trị viên điểm đảo này đã mang món quà tinh thần từ đất liền khoe với tất cả đồng đội trong ánh mắt rạng ngời thương yêu và tự hào.
Tôi cũng không thể nào quên hình ảnh chiến sĩ Lê Ngọc Hưng trên đảo Đá Đông A, trưa không ngủ, ngồi tỉ mẩn dán cho xong trái tim bằng que tăm tre để kịp gửi theo thuyền về đất liền, tặng người yêu. Hưng chia sẻ rằng trong những lá thư gửi cho người yêu, ngoài những lời yêu thương, anh chỉ kể những chuyện vui trong sinh hoạt văn nghệ, chuyện trồng được nhiều rau xanh… của lính mà không hề nói đến những nỗi vất vả ở nơi đầu sóng ngọn gió. Bởi như những người lính đảo khác, Hưng luôn nhận gian khổ về mình để đất liền được yên ấm, an vui.
Trường Sa trong tôi còn là hình ảnh những người lính trẻ bồng súng đứng gác bên cột mốc chủ quyền thiêng liêng. Và khó lòng quên được hình ảnh một tân binh đang làm nhiệm vụ gác đêm lúc 2 giờ sáng trong cái lạnh bủa vây trên đảo Đá Lát, những ngọn đèn lấp lánh sáng của các anh lính tuần tra đêm trên đảo Trường Sa Đông. Ký ức về Trường Sa còn là những phút lặng đi khi dâng nén hương tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh, lấy thân mình làm nên những “cột mốc chủ quyền” của đất nước. Trong tiếng sóng rì rào, khói hương làm nhiều người trào nước mắt, bỗng nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: “Có nơi nào như đất nước chúng ta/ Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ/ Khi giặc đến vạn người con quyết tử/Cho một lần Tổ quốc được sinh ra…”.
Trọn niềm tin với đảo xa
Nếu trước kia từng nghĩ những hòn đảo ở huyện Trường Sa là mảnh đất hoang vu, vắng vẻ thì sau khi đặt chân đến nơi này, tôi đã rất ngỡ ngàng với những hàng cây đu đủ nặng trĩu quả, những luống rau xanh mơn mởn hay giàn bầu, giàn mướp, những đàn gà, đàn heo được quân dân nơi đây vun trồng, chăm bẵm mỗi ngày. Cho dù là cái nắng chói chang, gay gắt hay là những cơn mưa nặng hạt, gió quất rát mặt thì Trường Sa vẫn mang vẻ đẹp riêng của mình, “ngấm ngầm” khắc ghi vào tâm trí của bất cứ ai đã đến với nơi đây. Thi thoảng tôi vẫn giở các bức ảnh chụp những vuông rau xanh sát bên mép nước biển ở Trường Sa mà tự hào thay cho sức sống nơi đây. Cây phong ba, cây bàng vuông luôn xanh tốt, vững chãi trước gió giông bão táp, như ý chí, quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo. Và phía trên cột cờ cao vút, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới. Giữa tiếng sóng biển dạt dào, tôi lại nghe được tiếng chuông chùa ngân vang, lẫn đâu đó là tiếng trẻ thơ ê a học chữ. Trong những ngôi nhà trên đảo Trường Sa Lớn, các hộ dân quây quần bên mâm cơm nóng hổi… và tôi trở về đất liền với niềm tin chắc chắn: Trường Sa đời đời là một phần máu thịt của Việt Nam.
Có hòa vào cuộc sống bình yên nơi đảo xa mới cảm nhận hết được giá trị của những cống hiến thầm lặng mà quân và dân Trường Sa dành cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Để rồi một lần đến, mãi không bao giờ quên những ấn tượng sâu sắc về Trường Sa và mong mỏi có ngày quay trở lại nơi đây, với vùng biển đảo mà hàng triệu triệu con tim người dân Việt đang đau đáu dõi theo với niềm yêu thương vô bờ.
HÀ MY