Nhà giàn DK17 nổi lên như một “tổ chim” khổng lồ giữa biển cả mênh mông. Ðó là biểu tượng của bản lĩnh, ý chí, sự gan góc, dạn dày của người Việt Nam. Ai được đến huyện đảo Trường Sa và leo lên nhà giàn, ngắm nhìn biển trời Tổ quốc giữa mênh mông đại dương dù chỉ một lần là hãnh diện lắm rồi.
Ảnh: QUỐC ĐẠT |
Đạo diễn Trần Ngọc Phong, làm việc tại Hãng phim Giải phóng ở TP Hồ Chí Minh, cùng đi với tôi và nhiều cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trên chuyến tàu HQ571 ra thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 trong chương trình “Đến với Trường Sa thân yêu”. Đi đến đâu, dù đảo chìm hay đảo nổi, anh em phóng viên cũng tranh thủ chụp ảnh, quay rất nhiều cảnh để làm tư liệu; đồng thời tranh thủ giao lưu, gặp gỡ chiến sĩ trẻ trên đảo. Đạo diễn Trần Ngọc Phong là người thấp, to khỏe, khuôn mặt chữ điền rắn chắc, bất luận ở đảo nào, từ Song Tử Tây, đến Sơn Ca, Nam Yết... khi xuống tàu để đi ca nô vào đảo, anh đều mặc áo phao và vác máy quay xung phong đi trước. Anh luôn nhanh chân để có góc máy ưng ý nhất.
Khi tàu HQ571 dịch chuyển đến gần nhà giàn DK17, chúng tôi phải chuyển qua tàu kiểm ngư để tiến sát vào nhà giàn, thăm và tặng quà cho các chiến sĩ. Đoàn có gần 30 phóng viên, đủ các binh chủng và 6 diễn viên thuộc đoàn nghệ thuật Quân khu 3 cùng tham gia để biểu diễn phục vụ cho anh em trên nhà giàn DK17. Hệ thống nhà giàn nằm ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, các nhà giàn được đánh số từ nhà giàn DK1, DK2, DK3… Anh Phong tiếc ngẩn ngơ khi không leo lên nhà giàn được do chân phải bị đau. Đứng trên tàu, anh ngắm nhìn nhà giàn và thốt lên: “Ôi, những “tổ chim” kiên trung giữa đại dương mênh mông”!
Các ca sĩ ngồi trên tàu hát cho các chiến sĩ nhà giàn nghe qua hệ thống bộ đàm - Ảnh: QUỐC ĐẠT |
Nhà giàn cách mặt nước biển gần 30m trên cao, giữa đại dương mênh mông, 4 trụ sắt khổng lồ được chôn sâu dưới lòng biển, nặng khoảng vài chục tấn, lên cao bằng thang sắt hình chữ Z. Phần trên cùng của nhà giàn được xây dựng toàn bằng khung thép, lan can thép không rỉ; các phòng bố cục to, nhỏ khác nhau, có phòng ở, phòng họp, chỗ nấu ăn, phòng sinh hoạt. Đặc biệt, xung quanh nhà giàn, giữa mênh mông biển trời, các chiến sĩ cũng tận dụng trồng rau xanh, hành, ớt, tỏi và… nuôi heo. Con heo nặng gần 1 tạ, trắng hồng, khỏe mạnh là thành quả chăm sóc của nhiều chiến sĩ nơi đây. Trên tầng thượng của nhà giàn là những tấm pin mặt trời dùng để thu nắng, biến thành điện năng phục vụ sinh hoạt trên nhà giàn. Nhà giàn có đầy đủ tiện nghi như ti vi, một số nhạc cụ, tủ sách… Nhiệm vụ của các chiến sĩ trên nhà giàn là làm trạm dịch vụ cung ứng xăng dầu, hỗ trợ ngư dân trên biển, tìm hiểu, nghiên cứu khoa học và bảo vệ biển trời của Tổ quốc. 12 con người gan góc, dạn dày, hàng ngày chống chọi với nắng gió nơi đảo xa vẫn luôn lạc quan, vui sống.
Trên cái “tổ chim” treo giữa đại dương quanh năm đầy nắng, gió ấy, sự sống vẫn sinh sôi nảy nở, phát triển. Đó là niềm tin, nghị lực can trường của con người Việt Nam.
Xa rồi lòng thêm nỗi nhớ, ký ức không phai nhạt trong tôi về chuyến đi có một không hai trong đời người cầm bút. Một mùa xuân nữa lại về trên quê hương. Từ đất liền, tôi hướng đến biển xa nơi biên cương của Tổ quốc, nhớ cái vẫy tay của các chiến sĩ nơi nhà giàn DK17, nhớ bài ca các anh cùng hát vang ở nhà giàn “Tổ quốc gọi tên mình”.
HỮU BÌNH