Thứ Sáu, 29/11/2024 09:33 SA
Trải nghiệm đảo tiền tiêu Nhơn Châu
Thứ Bảy, 23/01/2016 08:00 SA

Cuộc sống thường ngày của người dân xã đảo Nhơn Châu - Ảnh: Đ.T.TRỰC

Xã đảo Nhơn Châu cách TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) 17km, cách xã Xuân Hòa (TX Sông Cầu) 6km đường biển Đông. Để đến được Nhơn Châu, mỗi ngày có một chuyến tàu xuất phát từ cảng Quy Nhơn lúc 12 giờ trưa, hơn hai giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, khách sẽ có mặt trên đảo.

 

Vùng đất này ngày xưa nguyên là đất của tỉnh Phú Yên, sau năm 1975 được sáp nhập về Bình Định và hiện nay được sự quản lý của UBND TP Quy Nhơn. Đảo có các thôn Tây (trung tâm), thôn Trung, thôn Đông với diện tích 365ha bao gồm phần đất liền và núi đá, tổng dân số 2.300 người. Nằm ngoài đảo xa, dù giao thông cách trở nhưng nơi đây vô cùng yên bình, xinh đẹp. Sau một thời gian ngồi trên tàu, chúng tôi tận mắt thấy cảnh đẹp của biển lặng, núi đồi xanh thẳm. Khi đến Nhơn Châu, ập vào mắt du khách là một dãy núi đá cao sừng sững, phía trên đỉnh núi có ngọn hải đăng cao vút. Phía dưới chân núi là bờ biển cát trắng nước trong xanh vỗ vào những trụ bê tông chắn sóng xếp dày đặc thành một vòng cung bên con đường chính của xã; nối biển với đất liền là một chiếc cầu cảng bằng bê tông kiên cố khá dài.

 

Cảm nhận đầu tiên khi đến Nhơn Châu là biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Tuy nhiên lưu luyến nhất là sự đón tiếp nồng nhiệt của lãnh đạo UBND xã và cán bộ biên phòng đóng quân bảo vệ vùng biển quê hương nơi đây. Do không có nhà nghỉ, không khách sạn nên trụ sở UBND xã cũng là nơi thường xuyên đón những đoàn khách tham quan nghỉ lại qua đêm. Một điều đáng ghi nhận nữa là ở đây không có tiếng ồn xe máy. Ở đây hai ngày nhưng dường như chúng tôi thấy chỉ có vài chiếc xe hai bánh, người dân dùng để chở đá lạnh, hải sản, hầu như mọi người đều đi bộ.

 

Dưới sự hướng dẫn của một cán bộ xã, đoàn chúng tôi tản bộ ra bờ biển. Biển cạn, sạch và sóng êm. Khách được trò chuyện với những ngư dân gần cả đời gắn mình với biển, họ sống chân chất với gia đình, biển khơi và cả với những người từ xa đến. Ông Nguyễn Hưng 60 tuổi nhưng có hơn 40 năm làm nghề kéo lưới, cho biết: “Biển êm thì mình đi câu xa bờ, biển động thì đi lưới gần bờ. Năm này qua năm khác cuộc sống vẫn vậy. Chúng tôi cả đời quanh quẩn vào ra và xem biển là nhà. Có việc gì cần thì mới vào Quy Nhơn chứ xa xôi cách trở lắm”. Tạm biệt các ngư dân, chúng tôi đi men theo con đường bê tông, qua những ngõ cua nhỏ có nhiều hàng rào được chất bằng đá san hô rong bám xanh ngắt để lên ngọn hải đăng, một trong năm ngọn hải đăng nổi tiếng nhất Việt Nam. Đỉnh hải đăng Nhơn Châu cao 119m, gồm 3 bộ phận: chân tháp có 32 bậc thang; thân tháp hình trụ, cao 19m, bên trong có một cầu thang hình xoắn ốc 58 bậc và đèn pha chiếu sáng. Qua thời gian, ngọn hải đăng kỳ vĩ này luôn chiếu sáng để hướng dẫn tàu thuyền ra khơi, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Trên ngọn hải đăng, chúng tôi được các cán bộ chiến sĩ giới thiệu về quá trình hình thành giữ biển của các thế hệ đi trước. Cảnh ở đây đẹp, phía đông chân tháp giáp biển là một bãi đá kỳ vĩ tuyệt trần. Đứng ở vị trí này, chúng tôi ngắm được bao quát cảnh biển và cả một vùng trời nước mênh mông.

 

Về đêm, Nhơn Châu chỉ sáng điện đến 21 giờ (vì điện được chạy bằng máy nổ) nhưng cũng đủ để du khách cảm nhận được vẻ đẹp riêng của vùng đất này. Đêm tĩnh lặng, ngồi phía cầu cảng nối bến tàu, nghe được tiếng sóng biển ầm ào, cũng có lúc dịu êm như những bản tình ca êm ái. Những hàng quán trên đảo lung linh ánh đèn với những cô chủ dễ thương, khách chủ yếu là bộ đội và những người từ nơi khác đến tham quan. Quán bán nước và những món hải sản tươi nướng thơm phức, rực lên mùi vị biển đến nao lòng.

 

Sáng thức dậy, khu dân cư trung tâm Nhơn Châu đón bình minh muộn vì cách dãy núi có ngọn hải đăng phía đông. Chúng tôi ra biển chứng kiến cảnh ghe thuyền cập bến, cảnh ngư dân kéo lưới, vận chuyển cá mực vào bờ ướp đá và đưa lên tàu chuyển vào Quy Nhơn tiêu thụ. Buổi sáng ở biển thanh bình, những món ăn mang đậm hương vị biển như bún mực, bánh căn đúc với mực tươi, cháo cá… Món nào cũng ngọt ngào hấp dẫn nhưng giá cả lại rất bình dân.

 

Hai ngày trải nghiệm với nhiều điều hấp dẫn mà không thể nào nói hết. Tạm biệt hòn đảo thân thương này, chúng tôi lên tàu trở lại Quy Nhơn trong sự lưu luyến của những con người thắm tình, mến khách. Tàu chạy xa dần cầu cảng, nhìn lại một vùng đất nơi tiền tiêu Tổ quốc có những con người đang ngày đêm bám biển để sống và giữ gìn vùng trời, vùng biển quê hương, chúng tôi cảm thấy rất vui và tự hào.

 

ĐÀO TẤN TRỰC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hòn Yến vẫy gọi
Thứ Bảy, 16/01/2016 07:43 SA
Vui mùa lưới cước
Thứ Bảy, 09/01/2016 08:43 SA
Lời nói ấm áp
Thứ Bảy, 09/01/2016 08:00 SA
Chuyện ở xóm Nhà Ngòi
Thứ Bảy, 26/12/2015 11:00 SA
Chuyện nhặt ở Trường Sa
Thứ Bảy, 19/12/2015 09:47 SA
Hát ở Trường Sa
Thứ Bảy, 12/12/2015 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek