Thứ Sáu, 29/11/2024 09:43 SA
Vui mùa lưới cước
Thứ Bảy, 09/01/2016 08:43 SA

Gỡ cá trên bờ biển làng chài Nhơn Hội - Ảnh: Đ.T.TRỰC

Mùa biển động, người dân làng chài các xã An Hải, An Hòa, An Chấn (huyện Tuy An) và An Phú (TP Tuy Hòa) lại khấp khởi đánh cá bằng lưới cước. Đây là nghề thủ công truyền thống nhưng đem lại thu nhập khá ổn định.

 

BIỂN ĐỘNG LÀ MÙA CHÍNH

 

Ngư dân Nguyễn Văn Sâm, thôn Nhơn Hội, xã An Hòa, cho biết: “Tôi làm nghề lưới cước đã gần 20 mùa mưa, kinh nghiệm cho thấy những ngày trời giông gió, mưa to, biển có sóng thì nghề mới ăn nên làm ra được”. Dụng cụ hành nghề chỉ có chiếc thúng chai giá hơn 1 triệu đồng cùng vài trăm mét lưới cước nhiều kích cỡ. Tuy nhiên, ngày nay đa số người đi thúng không ai dùng sức chèo chống nữa mà gắn động cơ bằng máy cule xăng trong thúng rồi làm cánh quạt dưới đầu một cây dài, cây đó được nối từ vành thúng đến mặt nước dưới đế thúng. Khi máy nổ, môtơ quay, chiếc quạt quay theo, thúng chạy nhanh chậm tùy theo ga nổ lớn nhỏ bởi người điều khiển trên chiếc tay lái độ. Làm cách này tốn thêm chừng 1 triệu đồng nữa và mỗi đêm hao một lít xăng nhưng cải tạo được sức lao động đáng kể.

 

Hành trình một chuyến đi biển chừng 3-4 giờ đồng hồ/ngày cho cả đi và về. Khoảng 4 giờ sáng, ngư dân bắt đầu ra biển. Toàn bộ “gia tài” như lưới, đồ ăn, nước uống, đèn pin… đều để trên chiếc thúng đó. Mỗi người một thúng tự lái ra khơi. Anh Sâm kể: “Mình cho thúng chạy ra khoảng vài mươi phút rồi dừng lại, tự thả lưới. Cứ như vậy, thả xong vài trăm mét lưới cũng là lúc trời vừa rạng sáng. Nghỉ ngơi tại chỗ một lát rồi chạy thúng ngược lại, thâu lưới. Lưới thâu đến đâu để lại ngăn nắp trên thúng đến đó. Thời gian thâu lưới gấp đôi thời gian thả lưới, dù cá đóng (dính) nhiều hay ít”.

 

Một người một thúng lưới riêng, ra biển trong đêm, lênh đênh trên sóng nước và dưới trời mưa gió nguy hiểm nhưng bên cạnh lúc nào cũng có “đồng đội” hú hí thăm chừng. Phần lớn các bạn chài không thả lưới xa nhau nên phần nào cũng đỡ lẻ loi.

 

Cứ như vậy, từ giữa tháng mười âm lịch đến nay, sáng nào, những cung biển ở các làng chài Yến, Mỹ Quang, Long Thủy cũng rộn rịp vài trăm người đi lưới kéo. Đây không phải là nghề làm suốt năm mà chỉ mang tính thời vụ, rầm rộ trong mùa đông. Tuy thời gian ngắn nhưng lưới cước được xem gần như nghề gốc của nghề biển và mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể nên ai cũng mong chờ, trông đợi.

 

CÁ TƯƠI, NỤ CƯỜI CŨNG TƯƠI

 

Chừng 6 giờ sáng, người nhà của các bạn chài đứng trong bờ biển nhìn ra xa, quan sát chờ đợi chiếc thúng của người thân mình đã vào hay chưa. Những chấm đen nhỏ tí trên đầu những con sóng cứ tiến sát gần bờ, cũng là lúc người trong bờ chuẩn bị dụng cụ để khiêng lưới, cùng nhau gỡ cá rồi đem đi bán cho kịp buổi chợ mai.

 

Một người đi thúng, gần như cả gia đình ra biển tranh thủ gỡ cá. Anh Nguyễn Văn Bình ở thôn Nhơn Hội, vừa kéo chiếc thúng lên bờ, hai vợ chồng khiêng nhả lưới dính đầy cá liệt, cá hố, tôm tít lên trên bờ cát. Anh Bình ăn vội cuốn bánh vợ chuẩn bị cho đỡ đói rồi cùng vợ con gỡ cá. Không những anh Bình, anh Sâm mà hàng trăm gia đình khác ngồi trải dài, căng lưới gỡ cá cần mẫn chăm chỉ dọc một bờ biển dài. Niềm vui rộn rịp đó không chỉ ở An Hòa, An Chấn mà ở bờ biển Long Thủy (xã An Phú) cũng vậy. Ngư dân Phạm Văn Phú từng là tài công câu cá ngừ đại dương, đánh lưới cản xa bờ nhiều năm nhưng khi mùa mưa về thì cũng ở nhà làm nghề lưới cước, tâm sự: “Mần nghề này được ăn cơm nhà, ngủ với vợ con mà thu nhập cũng kha khá. Chỉ tiếc là chỉ làm trong mùa mưa, còn các mùa khác, tôi lại phải đi biển xa”.

 

Do đi gần bờ nên cá đóng lưới cước là cá liệt các loại, cá hố, cá sòng, cá mậu, cá ong… là nhiều nhất. Cá nhỏ nhưng thịt rất tươi ngon. Dù loại cá gì đi nữa thì con nào con nấy đều tươi roi rói. Nhìn bàn tay của nhiều ngư dân gỡ cá thoăn thoắt, say mê vì trúng mùa mà cảm thấy niềm vui rộn lên trên từng nụ cười của họ.

 

Theo bà Nguyễn Thị Chín (xã An Hòa), năm nay nghề lưới cước làm ăn được hơn mấy năm trước. Bình quân, một người đi lưới thu nhập được 300.000-400.000 đồng/đêm. Có người bán được cả triệu đồng. Còn ngư dân Nguyễn Văn Vương chia sẻ: “Một ngư dân đi lưới vào những ngày bình thường có thể đánh bắt trung bình 8-10kg cá, giá cá bình quân các loại từ 30.000-40.000 đồng/kg. Riêng năm nay không ít những đêm bạn chài đi được cá rất nhiều. Nhất là cá ong, cá hố, có giá bán rất cao nên anh em mừng lắm”.

 

Cá tươi từ các làng chài được ngư dân chuyển nhanh vào chợ thuộc các xã lân cận và TP Tuy Hòa. Hôm nào cá nhiều thì có những chuyến xe thồ ứng trực sẵn sàng chở cá lên các xã của huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa bán cho người dân. Được mùa, cá tươi, niềm vui ấy không những hiện lên trên khuôn mặt của những người đi biển và gia đình họ mà cả những người mua được con cá “sạch”, góp phần làm cho bữa cơm gia đình an toàn và ngon hơn rất nhiều…

 

ĐÀO TẤN TRỰC

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chuyện ở xóm Nhà Ngòi
Thứ Bảy, 26/12/2015 11:00 SA
Chuyện nhặt ở Trường Sa
Thứ Bảy, 19/12/2015 09:47 SA
Hát ở Trường Sa
Thứ Bảy, 12/12/2015 11:00 SA
Sức sống ở Trường Sa
Thứ Bảy, 05/12/2015 13:00 CH
Dân ở Trường Sa
Thứ Bảy, 28/11/2015 08:35 SA
Bàng vuông ở Trường Sa
Thứ Bảy, 21/11/2015 08:31 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek