Có những việc làm nhỏ, giản dị nhưng ý nghĩa và hiệu quả lại rất lớn. Những việc mà cô gái Hoàng Phương Thảo, thành viên của đoàn Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, khi ra thăm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) vừa qua khiến nhiều người nể phục.
Hoàng Phương Thảo ghi lại địa chỉ của một người lính trên đảo Đá Đông A - Ảnh: H.ANH |
Trên tàu HQ 996 chở Đoàn công tác số 13 ra thăm và làm việc tại huyện đảo Trường Sa cuối tháng 5 vừa rồi, Hoàng Phương Thảo là một cô gái dáng người nhỏ nhắn chạy đi chạy lại như con thoi. Khi xuống thăm các đảo, tôi thấy em luôn nhanh nhẹn, hoạt bát cùng chiếc máy ảnh nhỏ, một cuốn sổ và cây bút, gặp các anh lính thì hỏi han, hý hoáy ghi chép rồi cẩn thận đưa máy lên ghi hình. Lúc đầu, nhiều người nghĩ em là phóng viên của một tờ báo nào đó nhưng không phải vậy. Trò chuyện, tôi được biết Thảo quê Hà Nội, sinh năm 1991, làm việc ở Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. “Khi được biết lãnh đạo cơ quan tạo điều kiện ra thăm Trường Sa, em mừng lắm. Em nghĩ mình phải làm điều gì đó góp phần tạo niềm vui nho nhỏ cho người lính đảo hoặc người nhà của họ đang ngày đêm mong ngóng những đứa con đang bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, Thảo chia sẻ. Nhìn cuốn sổ trên tay em kín nhiều trang là những dòng địa chỉ gia đình của từng cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở các đảo được đánh dấu theo số thứ tự, tôi thật sự khâm phục sự thông minh, lanh lợi của em. Rồi đây, những tấm ảnh của những người lính đảo sẽ được gửi về gia đình họ.
Chiến sĩ Lâm Quốc Thao, quê TP Hồ Chí Minh, công tác ở đảo Đá Đông A, tâm sự: “Em ra đảo hơn 5 tháng, nỗi nhớ nhà và người thân vẫn còn nhiều lắm. Gặp Thảo, em như được thấy gia đình, bè bạn ở đất liền và càng vững tay súng để bảo vệ Tổ quốc thân yêu”. Còn chiến sĩ Nguyễn Chí Cương, quê Thanh Hóa, nói: “Những người lính xa nhà như chúng em được các đoàn ra thăm đảo quan tâm, động viên nên vui lắm. Riêng những việc làm của Thảo là nguồn động viên rất lớn”. Rồi anh cười và đọc mấy câu thơ mộc mạc nhưng là sự gửi gắm tình cảm không kém phần tinh nghịch đầy chất lính: “Giữa Trường Sa mênh mông/ Anh thấy lòng ấm lại/ Bởi có em gái nhỏ/ San sẻ và yêu thương”.
Hình ảnh của Thảo đã được nhiều phóng viên đi trên chuyến tàu hôm đó ghi lại. Đặc biệt, trong chương trình phát thanh của tàu HQ 996, khi phát thanh viên đọc bài viết về em, nhiều người tự động viên mình trước những cơn say sóng và bảo nhau: Con bé nhỏ nhắn thế mà khỏe lạ! Hỏi em có bí quyết gì không? Thảo cười hiền, trả lời: Em nghĩ rằng các anh lính đảo đang làm nhiệm vụ ở đây và người nhà của các anh khi nhận được những tấm ảnh này sẽ vui lắm. Vì vậy, khi ghi lại thật nhiều hình ảnh cán bộ, chiến sĩ nơi đảo tiền tiêu là em lại “quên” ngay những cơn say sóng.
Khi thực hiện các bài viết về Trường Sa, tôi loay hoay tìm số điện thoại của em hỏi thăm về một số cán bộ, chiến sĩ quê Phú Yên đang công tác tại các đảo thì chuông điện thoại reo lên. Phía đầu dây kia là giọng nói của đại úy Hoàng Văn Giáp, con rể của Phú Yên, đang phục vụ trên đảo Phan Vinh. Anh Giáp cho biết: người nhà của anh vừa nhận được ảnh cùng những lời nhắn do một người có tên là Hoàng Phương Thảo từ Hà Nội gửi. Anh nhờ tôi chuyển lời cảm ơn em.
Thời gian ở trên các đảo nhỏ càng hiếm thì Thảo càng bận rộn. Em muốn gặp, muốn ghi chép và thu vào ống kính nhiều hơn, đầy đủ hơn về cuộc sống, về những công việc thường ngày của người lính Hải quân. Tôi chợt nhớ đến lời bài hát “Không xa đâu Trường Sa ơi”, và nếu ai cũng có những việc làm cùng suy nghĩ như Thảo thì Trường Sa dù rất xa nhưng cũng rất gần…
HÀ ANH