Cánh phóng viên tỉnh Phú Yên mà ra công tác ở đảo Trường Sa Lớn (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) là vui nhất. Bởi trên đảo có nhiều chiến sĩ người Phú Yên. Gặp người cùng quê, nghĩa tình mở đầu câu chuyện rồi kết nối những trái tim đồng hương thêm đồng điệu, thêm sâu sắc.
ẤN TƯỢNG CHIẾN SĨ QUÊ PHÚ YÊN
Hễ nói tới lính đảo Trường Sa Lớn người Phú Yên thì ai cũng biết đại úy Trương Công Pháp, người xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa). Trương Công Pháp sinh năm 1984. Anh đã có hai lần được thăng quân hàm trước thời hạn và bấy giờ đảm nhận nhiệm vụ Chính trị viên Trạm Rađa 11, Trung đoàn 292, Sư đoàn 377 (Quân chủng Phòng không - Không quân) trên đảo Trường Sa Lớn. Phóng viên báo chí cả nước chọn anh là gương chiến sĩ tiêu biểu cống hiến nhiệt huyết, tài năng, góp phần bảo vệ biển trời Tổ quốc thiêng liêng. Tôi ấn tượng về anh qua lời anh chia sẻ: “Với nhiệm vụ một chính trị viên, tôi mong muốn lan truyền tình yêu biển đảo, tinh thần trách nhiệm của một người lính đến các chiến sĩ trẻ đang làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa Lớn. Tôi mong các chiến sĩ trẻ vững niềm tin, chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.
Khương Xuân Vũ (SN 1989) và Nguyễn Tấn Trung (SN 1990) đều là người TP Tuy Hòa, là một trong rất ít những chiến sĩ có thâm niên công tác trên đảo Trường Sa Lớn. Ba năm liền, hai chàng trai người Phú Yên này công tác tại Trạm khí tượng Trường Sa Lớn. Vũ cho biết công việc của anh là “đo mưa, đếm gió”. Cụ thể là hàng ngày theo dõi sự thay đổi của nhiệt độ, khí áp, độ ẩm, gió, mây, mưa bằng phương pháp khoa học để dự báo thời tiết trên quần đảo Trường Sa. Anh quan niệm chỉ cần mình làm tốt nhiệm vụ được giao là đã góp phần gìn giữ biển đảo của Tổ quốc. Còn Trung, anh để lại cho người tiếp xúc ấn tượng về sự lạc quan, yêu đời. Bởi yêu biển nên anh bỏ lại sau lưng sự náo nhiệt của đất liền, tự nguyện đăng ký làm việc tại Trường Sa Lớn.
Thượng tá Phạm Quang Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn, cho biết: “Trường Sa là nơi đầu sóng ngọn gió với những hiểm nguy khôn lường. Trung và Vũ là 2 thành viên nhỏ tuổi nhất làm việc tại Trạm khí tượng Trường Sa Lớn. Quân dân trên đảo ai cũng quý mến và trân trọng tinh thần kiên cường, tận tụy công tác của cặp đồng hương Phú Yên này”.
Dù đại úy Pháp, Vũ và Trung nay đã chuyển công tác nhưng vẫn còn những chiến sĩ người Phú Yên khác đang ngày đêm chắc tay súng cùng đồng đội canh giữ, bảo vệ Trường Sa thân yêu.
NGHĨA TÌNH LÍNH ĐẢO
Tôi đã có cuộc gặp “hậu Trường Sa” bất ngờ, đầy thú vị với những người lính hải quân trẻ tuổi Nguyễn Thanh Hưng (xã An Phú, TP Tuy Hòa), Võ Tấn Thụy (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa), Dũng (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) và Thi (người Ninh Thuận). Bây giờ, các anh đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự và trở về đất liền.
Thi là người chủ động liên lạc giúp tôi đến với cuộc hội ngộ này. Qua chuyện trò, tôi được biết, anh đang tiếp quản vườn nho của gia đình. Anh mang nho và táo, lặn lội hơn 200 cây số từ Ninh Thuận ra Phú Yên dự đám giỗ ba của Thụy. Thi nói rằng lính hải quân sống tình cảm lắm, một ngày vác súng cùng nhau canh giữ biển, đảo thì cả đời là anh em với nhau.
Hưng chơi đàn guitar rất giỏi. Chúng tôi đã ca hát say sưa những bản tình ca về người lính đảo. Còn nhớ Hưng là người duy nhất ở Trường Sa Lớn đảm nhận vị trí nhạc công cho tất cả các buổi sinh hoạt văn nghệ quan trọng trên đảo. Hiện anh là công chức xã An Phú. Thụy vẫn hát rất hay và say mê võ thuật. Hồi ở đảo, chiều nào anh cũng cùng đồng đội tập võ. Thụy nói rằng phải khỏe để bảo vệ đất nước. Trong khi đó, Dũng là người ít nói và cho biết anh đã mở một tiệm sửa xe máy. Tôi nhận ra trong ánh mắt của anh niềm vui sướng khi gặp lại những đồng đội cùng nhau giữ đảo năm nào.
Câu chuyện của những người lính trở về từ Trường Sa đầy ắp hoài niệm. Giờ đây, họ trở về với cuộc mưu sinh đời thường. Nhưng tình cảm gắn bó với Trường Sa vẫn nguyên vẹn trong trái tim người lính đảo năm xưa. Và các anh vẫn sẵn sàng lên đường ra đảo khi Tổ quốc cần…
DIỆU ANH