Một trong những cảm xúc khó quên của các thành viên Đoàn công tác số 15 trong chuyến ra thăm huyện đảo Trường Sa cuối tháng 5/2014 vừa rồi là được dự lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh tại thềm lục địa phía Nam.
ẤN TƯỢNG LỄ DÂNG HƯƠNG
DK1 là tên gọi của cụm kỹ thuật - khoa học - dịch vụ được xây dựng tại khu vực thềm lục địa phía Nam thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với những nhà giàn dựng trên mặt biển. Nhiệm vụ của các nhà giàn là lập các đèn biển để thông báo cho tàu thuyền đánh cá và vận tải hàng hải đi lại trong vùng; đặt trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn; làm nơi trú tránh bão và ứng cứu ngư dân... Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của DK1 là chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên từ thềm lục địa như dầu khí, thủy hải sản... |
6 giờ 30 sáng 5/6, tiếng loa phóng thanh thông báo Tàu HQ-561 sắp buông neo tại Nhà giàn DK1/12 (Tư Chính) để chuẩn bị cho lễ tưởng niệm khiến không khí trên tàu chộn rộn và xôn xao hẳn lên. Một chiến sĩ nói to: Nhà giàn kìa, các thủ trưởng ơi. Mọi người ùa hết lên boong tàu, nhìn theo hướng tay anh. Cách tàu khoảng vài trăm mét, Nhà giàn DK1/12 như một vọng gác mọc lên giữa đại dương mênh mông chập chùng sóng vỗ. Trên đỉnh nhà giàn là lá cờ Tổ quốc phần phật bay trong nắng mai, khẳng định hùng hồn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thông báo của đại úy Phạm Hồng Phú, Chính trị viên Tàu HQ-561: “Sau khi làm lễ xong, toàn đoàn sẽ lần lượt lên thăm nhà giàn” càng khiến chúng tôi thêm háo hức. Đúng 7 giờ, một bàn thờ với đủ hương, hoa được các chiến sĩ nhanh chóng lập trên boong, ngay dưới câu khẩu hiệu có dòng chữ màu đỏ “Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam” đã được treo nghiêm ngắn từ chiều hôm trước. Sau khi hoàn tất việc chuẩn bị, cán bộ, chiến sĩ Tàu HQ-561 và các thành viên Đoàn công tác số 15 trang phục chỉnh tề đứng thành hàng ngang trước bàn thờ để mặc niệm các anh hùng liệt sĩ. Trong không gian trầm lắng hương khói rưng rưng, Chuẩn đô đốc Nguyễn Đức Nho, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, Phó trưởng Đoàn công tác số 15, đọc phát biểu tưởng niệm mà giọng như nghẹn lại: “Lúc này đây, các thành viên đoàn công tác chúng tôi có mặt tại vùng biển Tư Chính. Tất cả chúng tôi đều bùi ngùi xúc động, tưởng nhớ các đồng chí đã anh dũng hy sinh, nằm lại với biển khơi vì sự bình yên và toàn vẹn chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Trong giờ phút thiêng liêng này, với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, đoàn công tác xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã hiến dâng trọn đời mình cho Tổ quốc thân yêu”. Nhiều tiếng sụt sịt bật lên… Bên cạnh tôi, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang Nguyễn Kim Dung và các diễn viên, ca sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Sao Biển cùng nhiều người khác mắt đỏ hoe. Trong tiếng nhạc trầm hùng của bài “Hồn tử sĩ”, từng người, từng người đến trước bàn thờ dâng hương các liệt sĩ. Tiếp đó, Trưởng đoàn công tác số 15 Đào Tấn Lộc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, cùng hai chiến sĩ mang vòng hoa dẫn đầu đoàn người thực hiện nghi lễ thả hoa xuống biển trong niềm xúc động dâng trào…
KHÚC TRÁNG CA GIỮA BIỂN QUÊ HƯƠNG
Trò chuyện với Chuẩn đô đốc Nguyễn Đức Nho và tìm hiểu truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, tôi được biết, trong quá trình xây dựng và bảo vệ nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam 25 năm qua (1989-2014), nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Nhà giàn DK1/12 giữa biển Đông - Ảnh: T.BÍCH |
Vào tháng 12/1990, một cơn bão lớn với gió giật cấp 12 đã đánh sập Nhà giàn DK1/3 (Phúc Tần 3) khiến 3 cán bộ, chiến sĩ Nguyễn Hữu Quảng, Trần Văn Là, Hồ Văn Hiền hy sinh. Đêm 23/12/1990, tại bãi cạn Tư Chính, một trận lốc đánh chìm Tàu HQ-666 bảo vệ nhà giàn, Thuyền phó quân sự Phạm Tảo và Máy trưởng Lê Tiến Cường hy sinh. Bi tráng nhất là trong cơn bão số 8 có tên quốc tế Fathes ngày 12/12/1998, nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị sóng gió vùi dập khốc liệt. Khi cơn bão tung hoành với sức gió ngày càng hung bạo, nhà giàn bị rung lắc dữ dội nhưng đại úy, Trạm trưởng Vũ Quang Chương và 8 cán bộ, chiến sĩ vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy. Với ý chí “còn người, còn nhà trạm, quyết bám trụ đến cùng”, giữa đêm đen mịt mùng, các anh động viên nhau bình tĩnh, kiên cường chống lại những con sóng cao lừng lững. Khoảng 3 giờ ngày 14/12/1998, khi sức mạnh của cơn bão lên đến đỉnh điểm, nhà giàn bị đổ, cả 9 người rời nhà giàn, nhảy xuống biển với áo phao và các vật dụng cần thiết mang theo. Trong đó, Trạm trưởng Vũ Quang Chương mang theo lá cờ Tổ quốc và cuốn sổ vàng truyền thống của đơn vị. Lực lượng cứu hộ của tàu trực cấp cứu đã triển khai nhanh công tác cứu hộ nhưng phải đến 3 ngày sau mới tìm và cứu được 6 người, còn Trạm trưởng Vũ Quang Chương và 2 chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng và Nguyễn Văn An đã vĩnh viễn hóa thân vào lòng biển đất mẹ. Sau đúng 15 năm, ngày 13/12/2013, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đại úy Vũ Quang Chương vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Sự hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam. Đây cũng là lời nhắc nhở toàn lực lượng phải không ngừng ra sức học tập, huấn luyện, xây dựng quân chủng ngày càng phát triển toàn diện, chính quy, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ, giữ gìn vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
THẠCH BÍCH