Tên tuổi cựu lính Trường Sa Phạm Rùm (chủ Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thủy sản Năm Rùm) đã định danh ở vùng cát Hòa Hiệp, huyện Đông Hòa nhiều năm. Đam mê từ những đồng tôm cát nắng, ông đã tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn hộ nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch.
Ông Phạm Rùm tại buổi gặp mặt tưởng niệm 26 năm sự kiện Gạc Ma - Trường Sa 14/3/2014 - Ảnh: H.PHIÊN |
ĐI LÊN TỪ GIÓ CÁT
Chúng tôi đến nhà khi ông Rùm đi họp chi bộ (ông là Bí thư Chi bộ thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa). Vợ ông, bà Huỳnh Thị Năm tiếp chuyện: “Tôi với anh Rùm cùng sinh năm 1966, học cùng lớp phổ thông, rồi ảnh đi lính Trường Sa từ năm 1985 đến 1988. Ban đầu do gia đình hai bên tác động, cũng có mấy lần biên thư, ra quân là cưới ngay. Tôi buôn bán tôm từ nhỏ, còn ảnh ra quân thì làm công tác ở xã và làm ruộng, hùn hạp nuôi tôm. Khi đó, bỏ tiền triệu ra “đánh bạc” với tôm sú, tôi cũng run nhưng ảnh gan lắm…”.
Năm Rùm về góp chuyện: Anh em lính đảo đâu có dịp tiêu tiền, khi ra quân về đất liền, thằng nào cũng khờ đặc, chẳng biết mệnh giá thay đổi ra sao. Thế rồi lập gia đình, làm ruộng ở xứ cát này chẳng kiếm được bao nhiêu. Vợ chồng bàn nhau mượn vốn góp nuôi tôm, rồi đầu tư thu mua tôm của bà con để cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Cứ thế tích góp, mở rộng quy mô. Đến năm 2010, anh em bên ngành Thuế khuyên lập doanh nghiệp để thuận tiện trong thủ tục, đường hướng làm ăn lớn.Ngày Năm Rùm rời quân ngũ, vùng cát sông Bàn Thạch (hạ lưu sông Ba) bắt đầu được mệnh danh là “dòng sông Dream”, bởi người dân trúng tôm sắm xe Dream rất nhiều. Thế rồi dịch bệnh hoành hành, nhiều đại gia tôm sú phải lên rừng đốt than. Thế nhưng, gia đình Năm Rùm vẫn giữ thăng bằng nhờ cả quyết chuyển hướng nhanh sang nuôi tôm thẻ chân trắng, rồi vận động, đầu tư cho nhiều người cùng nuôi.
“Qua thông tin từ các mối làm ăn, mình nắm bắt được nhiều điểm ưu việt của con tôm thẻ chân trắng, như năng suất cao, ít dịch bệnh. Quan trọng là phải dám đầu tư nuôi theo mô hình khép kín, làm việc rõ ràng với các công ty để có được con giống đảm bảo. Mình phải quyết đoán làm trước, rồi bà con mới “nhìn vào” mà cùng làm. Bà con có nuôi tôm nhiều thì doanh nghiệp mình mới đủ nguồn tôm thương phẩm để cung ứng”, Năm Rùm cho hay.
Ông Trần Hồng, người đang nuôi 1ha tôm tại xã Hòa Hiệp Nam, nói: “Anh Rùm làm ăn rất bài bản, uy tín. Giá cả thu mua tôm luôn thuận mua vừa bán theo thị trường. Là bạn hàng nhiều năm, nhiều hộ nuôi tôm được ảnh ứng vốn không tính lãi; cuộc sống khi thăng, lúc trầm đều luôn gắn bó nhau”.
KHÔNG THỂ “ĐÁNH BẠC VỚI TRỜI”
Cùng với mua bán tôm thương phẩm, cung cấp thức ăn thủy sản, DNTN Năm Rùm đang nuôi 5ha tôm thẻ chân trắng. Ông cho biết, mỗi năm ông thu mua từ 500 đến 700 tấn tôm, riêng các hồ nuôi của gia đình là 70 đến 80 tấn; doanh thu trên 800 tỉ đồng/năm.
Ông Ngô Tận, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nam nhận xét: “Gia đình ông Năm Rùm làm ăn rất căn cơ, tổ chức doanh nghiệp đâu ra đó. Mỗi năm, doanh nghiệp này đều đóng thuế trên 10 tỉ đồng. Điều “đáng giá” nhất của Năm Rùm là tiên phong trong làm kinh tế, tạo khí thế để vực dậy, ổn định vựa tôm ở đây; doanh nghiệp và người nuôi tôm luôn tương hỗ nhau sòng phẳng để phát triển. Ông Năm Rùm cũng tham gia nhiệt tình công tác địa phương, đóng góp lớn cho các công trình phúc lợi, làm từ thiện giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn”.
Năm Rùm tâm sự: Người ta hay nói nghề nuôi tôm là “đánh bạc với trời, giao tiền cho hà bá”, nhưng không phải vậy. Làm ăn phải có gan nhưng không thể chấp nhận kiểu may nhờ, rủi chịu. Từ nuôi tôm đến buôn bán, vợ chồng tôi luôn đào sâu suy nghĩ, không ngừng học hỏi để chọn cách làm chắc chắn nhất. Ví như khi tôm sú bị “sụp”, nhiều người chán nản thì tôi đã “nắm” ngay con tôm thẻ. Ban đầu cũng khó lắm nhưng mình phải hỏi han, đối chiếu thông tin để tìm con nuôi thay thế. Lỗ tôm thì chỉ có tôm bù lại mới ngang bằng.
Ngày 14/3 vừa qua, nhiều người xúc động trước nghĩa khí của người lính - doanh nhân Năm Rùm khi vợ chồng ông mời trên 300 bạn bè cựu binh Trường Sa về dự buổi gặp mặt tưởng niệm 26 năm sự kiện Gạc Ma - Trường Sa. “Chúng tôi liên kết nhau lại để chia sẻ buồn vui, kinh nghiệm làm ăn kinh tế và cảm thấy nhẹ lòng khi được chung tay tương trợ những hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi động viên gia đình các anh em hy sinh ở Trường Sa. Các anh đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, để những đồng đội như chúng tôi hôm nay được yên ổn làm ăn”, Năm Rùm bùi ngùi nói.
HÙNG PHIÊN