Sinh ra tại làng biển Phú Thọ 3, thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, sau khi lập gia đình, anh Nguyễn Thanh Hiệp (SN 1973) ở nhà vợ tại phường 6, TP Tuy Hòa và tiếp tục nghiệp bám biển. Anh bảo rằng: Ngày xưa, ông cha mình bám biển để mưu sinh bằng thuyền nan, máy nhỏ; bây giờ mình có tàu to, máy lớn thì không lý do gì mà bỏ biển. Biển đã ăn sâu vào máu thịt của tôi và tôi coi biển là “cánh đồng” để “cày cuốc” mỗi ngày.
PHÁ THẾ “ĐỘC CANH”
Thông thường, để chuẩn bị cho mỗi chuyến biển dài ngày, ngư dân phải tốn từ 150 đến 250 triệu đồng để mua nhiên liệu, thực phẩm, tùy tàu công suất lớn hay nhỏ. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc khai thác thủy sản cũng đạt sản lượng cao, đủ bù đắp các khoản chi phí ban đầu và mang lại thu nhập, nuôi sống gia đình. Nhất là thời gian gần đây, nguồn lợi thủy sản trên biển ngày càng giảm sút, tranh chấp ngư trường thường xuyên xảy ra, khiến việc làm ăn của ngư dân gặp nhiều khó khăn, thậm chí có ngư dân thua lỗ nặng phải phá sản. Để giảm thiểu nguy cơ thua lỗ trong mỗi chuyến biển, những năm gần đây, anh Nguyễn Thanh Hiệp (thuyền trưởng tàu PY 92179TS công suất 280CV) - là số ít ngư dân ở TP Tuy Hòa thực hiện phương châm “đa canh” trong mỗi chuyến biển. Có nghĩa là mỗi chuyến biển, ngoài câu cá ngừ đại dương, anh Hiệp và 9 lao động làm việc trên tàu còn “thâm canh” thêm nghề câu cá mập (hay còn gọi là cá nhám).
Anh Hiệp cho biết: Khi việc câu cá ngừ đại dương gặp khó khăn, thông tin từ đất liền gọi ra báo giá cá giảm thì tôi và các anh em thuyền viên chuyển sang câu cá nhám. Vì vậy, trước khi ra khơi, ngoài giàn câu cá ngừ, trên tàu lúc nào cũng có giàn câu cá nhám. Chúng tôi hoạt động rất rộng, từ ngư trường Hoàng Sa đến ngư trường Trường Sa. Giàn câu cá nhám gồm nhiều bọc câu, mỗi bọc có nhiều sợi cước to như đầu đũa buộc chặt những lưỡi câu bằng thép to bằng dây thắng xe đạp. Một giàn câu có cả trăm lưỡi, thả xuống biển. Cá nhám cắn câu có con nặng cả tạ.
“Cái tiện nhất giữa câu cá nhám và câu cá ngừ đại dương là mồi câu. Món “khoái khẩu” chung của hai loại cá này là mực xà, vì vậy không phải cùng lúc tìm mồi câu cho hai loại cá”, anh Hiệp nói và cho biết thêm: Mỗi chuyến biển, ngoài lượng cá ngừ câu được, trên tàu có 1 tấn cá nhám là chuyện bình thường. Cá biệt có chuyến biển, tàu của tôi câu được 10 tấn cá nhám. Cá nhám sau khi câu được sẽ cắt phần vi ra để bán riêng. Vi cá nhám loại 1 có giá từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/kg; loại 2 từ 700.000 đến 900.000 đồng/kg và loại thấp nhất có giá khoảng 150.000 đồng, tùy theo từng thời điểm. Ngoài ra, phần thịt và da cá nhám cũng bán được từ 20.000 đến 35.000 đồng/kg, nên nguồn thu từ việc câu loại cá này không hề nhỏ chút nào.
Nhờ linh hoạt trong làm ăn, mùa biển năm 2012 và 2013, gia đình anh Hiệp có thu nhập hơn 2 tỉ đồng, cao hơn mức thu nhập của nhiều ngư dân khác ở TP Tuy Hòa cùng thời điểm.
QUYẾT GIỮ NGHỀ, GIỮ BIỂN
“Anh em ngư dân chúng tôi không ngại sóng to gió lớn, không sợ va chạm với tàu nước ngoài. Biển của ta, ta làm chứ sợ ai. Chỉ sợ bao nhiêu công sức mình đổ ra, nhưng khi mang cá vào bờ thì tư thương ép giá mà thôi”, anh Hiệp bày tỏ.
Lời anh Hiệp nói không phải là không có cơ sở, bởi lâu nay trước khi xuất bến, để có tiền mua nhiên liệu, thực phẩm phục vụ chuyến biển, ngư dân thường mượn tiền trước của các đầu nậu thu mua cá, sau đó về bán cá lại cho họ để trừ nợ. Cá do ngư dân đánh bắt được, trong khi giá cá lại do các đầu nậu quyết định, nên ngư dân thường chịu thiệt. Ai thắc mắc gì thì chuyến biển sau đừng có mà mượn được tiền của họ lần nữa. Lúc đó chỉ còn cách cho tàu nằm bờ, anh em thuyền viên phải tìm việc khác làm để nuôi sống gia đình.
“Đang câu cá mà gặp sóng lớn thì cho tàu chạy vào các đảo thuộc quần đảo Trường Sa hoặc Hoàng Sa để tránh trú. Còn tàu bị hư thì báo tin cho tàu của ngư dân khác, hoặc tàu cứu hộ đến lai dắt vào bờ, nên không sợ gì cả”, anh Hiệp nói và kể tiếp: Cách đây 4 năm, khi đang câu cá ngừ đại dương ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thì tàu của tôi bị chết máy, phải nhờ tàu của một ngư dân đến lai dắt giùm vào bờ. Tuy nhiên, khi lai dắt được vài hải lý thì tàu của ngư dân kia cũng chết máy. Không còn cách nào khác là tôi liên lạc với Bộ đội Biên phòng nhờ trợ giúp và được tàu của Hải quân Việt Nam tiếp cận, lai dắt vào cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) để sửa chữa.
Trong cuộc đời làm biển, anh Hiệp đã chứng kiến nhiều lần tàu của mình bị chết máy, phải bỏ chuyến biển giữa chừng, hoặc giá cá giảm mạnh khiến chuyến biển lỗ nặng. Tuy nhiên, anh chưa khi nào có ý định bỏ nghề. Thậm chí, để nâng cao hiệu quả khai thác, gia đình anh vừa đóng thêm một chiếc tàu công suất 850CV trị giá 2,7 tỉ đồng. Hiện tàu đã đóng xong, đang cho lắp máy và trang bị ngư cụ để có thể “mở biển” trong thời gian sớm nhất. Anh Hiệp cho biết, để đóng chiếc tàu này, ngoài số vốn tích góp của gia đình trong bao nhiêu năm, anh phải vay mượn thêm bên ngoài mấy trăm triệu đồng. Và anh cũng đã làm thủ tục vay vốn ngân hàng theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Sau khi ngân hàng giải ngân, anh sẽ trả hết phần nợ vay nóng bên ngoài để giảm gánh nặng tiền lãi. “Dù gặp nhiều khó khăn, tôi vẫn quyết vươn khơi bám biển, giữ nghề của cha ông”, anh Hiệp khẳng khái nói.
Ông Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 (TP Tuy Hòa) nhận xét: Nguyễn Thanh Hiệp chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những ngư dân đi trước, linh hoạt trong làm ăn để mang lại nguồn thu nhập cho gia đình. Không chỉ làm giàu cho gia đình, Hiệp còn là Tổ trưởng Tổ tàu thuyền Đại đoàn kết, với 16 chiếc tàu, hơn 150 ngư dân tham gia sinh hoạt, cùng giúp nhau làm ăn trên biển. Với những cố gắng của bản thân, Hiệp được UBND tỉnh, Hội Nông dân Việt Nam và Bộ NN-PTNT tặng bằng khen.
NGUYỄN QUANG