Thứ Sáu, 20/09/2024 23:49 CH
Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 26/06/2014 08:51 SA

Ngày 8/2/1955, 12 năm sau khi ký Tuyên cáo Cairo, Tổng thống Trung Hoa Dân quốc Tưởng Giới Thạch cũng đã thừa nhận giá trị của Tuyên cáo Cairo và Tuyên ngôn Potsdam là: “Tôi còn nhớ năm 1943, cố Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt và Thủ tướng Anh Churchill đã cùng tôi họp Hội nghị Cairo để thảo luận về những vấn đề liên quan đến việc tiến hành cuộc chiến tranh chống Nhật. Trong bản tuyên cáo công bố vào ngày bế mạc hội nghị (27/11/1943), chúng tôi loan báo rằng tất cả các lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm của Trung Quốc, kể cả Đông Bắc Tỉnh (Mãn Châu), Đài Loan và Bành Hồ, phải được giao hoàn cho Trung Quốc. Bản tuyên cáo này đã được Bản Tuyên bố Potsdam ngày 26/7/1945 thừa nhận và được Nhật Bản chấp nhận thi hành khi đầu hàng. Như vậy, giá trị Tuyên cáo Cairo đã được xác lập trên cơ sở những thỏa thuận không ai có thể phủ nhận được” (1).

 

Toàn cảnh đảo Lưỡi Liềm. Ảnh chụp năm 1938. Tư liệu của UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng

 

Tuyên cáo Cairo ngày 27/11/1943 cũng đã được đại diện Liên Xô tán thành tại Hội nghị Teheran ngày 30/11/1943 giữa Tổng thống Roosevelt, Thủ tướng Churchill và Nguyên soái Stalin. Trong phiên hội nghị này, Stalin cho biết ông đã đọc Tuyên cáo Cairo với đầy đủ nội dung của nó và cho rằng việc giao hoàn Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ cho Trung Quốc là hợp lý. Tuy nhiên, Stalin cũng không hề đề cập đến việc chuyển giao quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc (2). Theo luật gia người pháp GS.Monique Chemillier-Gedreau: “Việc không nói tới các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Tuyên cáo Cairo năm 1943 thật là đặc biệt. Nó không thể là kết quả của một sự tình cờ. Không có một bảo lưu cũng như một tuyên bố riêng rẽ nào của Trung Quốc về vấn đề các lãnh thổ này” (3).

 

Sau khi Đức Quốc xã đầu hàng Đồng Minh, tháng 7/1945, các nước Mỹ, Anh và Liên Xô tổ chức Hội nghị Potsdam (tại Đức) để thảo luận về những biện pháp chế tài áp dụng cho nước Đức về tương lai chính trị các nước Đông Âu và Trung Âu sau Thế chiến thứ II. Hội nghị diễn ra từ ngày 16/7/1945 đến ngày 2/8/1945. Tại hội nghị này, 2 văn bản pháp lý quốc tế quan trọng đã được ký kết: Hiệp định Potsdam ngày 2/8/1945 được ký bởi đại diện của 3 cường quốc phe Đồng Minh là Liên Xô, Anh, Mỹ, cùng với bản Tuyên bố Potsdam ngày 26/7/1945 được ký bởi Winston Churchill, Harry Truman và Tưởng Giới Thạch. Bản Tuyên bố Potsdam đã yêu cầu Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện và gián tiếp ấn định thể thức giải giáp quân đội Nhật Bản tại Thái Bình Dương. Để giải giáp quân đội Nhật, Đồng Minh quyết định chia Việt Nam thành hai khu vực, lấy vĩ tuyến 16 làm mốc: quân đội Trung Hoa Dân quốc có nghĩa vụ giải giáp và hồi hương quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 ra Bắc, còn quân đội Anh được ủy nhiệm giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 vào Nam. Theo quyết định của Hội nghị Potsdam (4), Trung Quốc có nghĩa vụ giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 ra Bắc bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa (tọa lạc từ vĩ tuyến 16, như nhóm Lưỡi Liềm (Crescent Group) phía tây nam tại vĩ độ 16030 và Nhóm An Vĩnh (Amphitrite Group) phía đông bắc tại vĩ độ 16050); còn quân đội Anh có nghĩa vụ giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 vào Nam, bao gồm cả quần đảo Trường Sa. Cần lưu ý rằng, việc giải giáp quân sự theo pháp luật quốc tế không thể là sự tiếp thu hay chiếm hữu lãnh thổ. Vì vậy, hiển nhiên cả Anh và Trung Quốc đều không thể có chủ quyền lãnh thổ tại Trường Sa và Hoàng Sa thông qua hành vi giải giáp quân sự được các nước Đồng Minh ủy quyền.

 

Sự kiện này càng chứng tỏ rằng, khác với Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ, các nước Đồng Minh không thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc, và như vậy đã gián tiếp khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Ngày 14/10/1950, Chính phủ Pháp chính thức trao lại cho chính quyền Bảo Đại việc quản lý 2 vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Ngày 8/9/1951, 6 năm sau khi thành lập Liên Hợp Quốc (tháng 6/1945), 48 quốc gia Đồng Minh lại nhóm họp tại San Fransisco để ký Hiệp ước San Fransisco nổi tiếng với Nhật Bản, nhằm chấm dứt tình trạng chiến tranh, phục hồi và tái thiết Nhật Bản, vãn hồi hòa bình thế giới trong tinh thần hòa giải, hợp tác và hữu nghị theo mục đích và tôn chỉ của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

 

Theo Điều 2 của Hiệp ước, Nhật Bản khước từ chủ quyền tại đảo Đài Loan, quần đảo Bành Hồ và một số lãnh thổ trong đó có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Khi Nhật Bản tuyên bố khước từ chủ quyền lãnh thổ về Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội nghị San Fransisco năm 1951, các quốc gia tham dự hội nghị đã phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc và mặc nhiên nhìn nhận chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo này. Ngày 5/9/1951, trong phiên họp toàn thể, theo đề nghị của đại diện Liên Xô (Ngoại trưởng Andrei Gromyko), một tu chính án đã được đưa ra yêu cầu hội nghị trao một loạt lãnh thổ, trong đó có các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (Nam Sa và Tây Sa) cho Trung Quốc. Nhưng tu chính án này đã bị hội nghị bác bỏ với 46 phiếu chống, 03 phiếu thuận (Ba Lan, Tiệp Khắc và Liên Xô) và 01 phiếu trắng (5).

 

Ngày 7/9/1951, trong phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Hội nghị San Fransisco, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu, Trưởng phái đoàn Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là bộ phận lãnh thổ Việt Nam: “...để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. Tuyên bố đó không gặp sự chống đối hoặc bảo lưu nào của đại diện 51 quốc gia tham dự hội nghị (kể cả Liên Xô).

 

Như vậy, sự công bố chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa trước 50 quốc gia hội viên thành lập Liên Hợp Quốc tại Hội nghị San Fransisco năm 1951 chứng tỏ rằng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được các quốc gia trên thế giới thừa nhận là thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Việc 92% các quốc gia Đồng Minh hội viên Liên Hợp Quốc thừa nhận chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có giá trị pháp lý quốc tế bắt buộc (6).

 

Một minh chứng nữa là khi ký một điều ước quốc tế với Nhật ngày 28/4/1952, Trung Hoa Dân quốc đã ghi nhận việc từ bỏ mọi quyền của Nhật đối với các đảo, nhưng lại không đưa vào Hiệp ước song phương này bất kỳ điều khoản nào về sự quy thuộc của 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Theo Luật gia người Pháp GS.Monique Chemillier-Gendreau, “chính các điều khoản của các hòa ước với Nhật Bản (tập thể hay riêng rẽ), các tuyên bố nêu trong đó hay làm nguồn gốc cho các hiệp ước đó, cho thấy sau năm 1949, Trung Hoa Dân quốc là nước bảo đảm sự liên tục của Chính phủ Trung Quốc duy nhất trước đó, đã không khẳng định bất kỳ yêu sách nào trên các quần đảo trong dịp có Bản tuyên cáo Cairo và đã thừa nhận song phương từ bỏ của Nhật Bản mà không đưa ra yêu sách của chính mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa... cho phép kết luận là Trung Hoa Dân quốc khi đó đã từ bỏ việc khẳng định các quyền của mình đối với các hòn đảo tranh chấp (7).

 

3 năm sau Hội nghị San Fransisco 1951, Hội nghị Geneva 1954 với sự tham dự của 9 quốc gia, gồm 5 cường quốc: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Liên Xô và Trung Quốc đã minh thị xác nhận chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Hiệp định Genevơ ký ngày 21/7/1954.

 

(Còn nữa)

------------------------------

(1) Review of International Situation, China Publishing Co, Taipei 1956, pp 22-23.

(2) The Conferences at Cairo and Tehran 1943, The Foreign Relations of the United States, Washington D.C, 1961

(3) Monique Chemillier-Gendreau, Chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 1998, tr.136.

(4) Xem: Dương Trung Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919-1945), NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000, tr.424; Lưu Văn Lợi, Cuộc tranh chấp Việt - Trung về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, NXB Công an nhân dân, Hà Nội 1995, tr.80.

(5) Monique Chemillier - Gendreau, Chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội - 1998, tr.137.

(6) Conference for the Conclusion and Signature of the Peace Treaty with Japan, U.N.Treaty Series, Volume 136, p.46.

(7) Monique Chemillier - Gendreau, tldd.

 

PGS,TS NGUYỄN BÁ DIẾN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek