Giám mục J.L.Taberd, trong bài “Ghi chép về địa lý nước Cochinchine” xuất bản năm 1837, cũng mô tả “Pracel hay Paracels” là phần lãnh thổ nước Cochinchine và nói rõ người Cochinchine gọi Pracel hay Paracels là “Cát Vàng” (1). Trong An Nam đại quốc họa đồ xuất bản năm 1838, ông đã vẽ một phần của Paracel và ghi “Paracel hay Cát Vàng” (Paracel seu Cát Vàng) ở ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam, vào khu vực quần đảo Hoàng Sa hiện nay (2).
Trong bài “Địa lý vương quốc Cochinchine(3) của Gutzaff, xuất bản năm 1849 có đoạn nói rõ Paracels thuộc lãnh thổ Việt Nam và chú thích cả tên Việt Nam là “Kát Vàng”.
Với tư cách là người làm chủ, trong nhiều thập kỷ Nhà nước phong kiến Việt Nam đã nhiều lần tiến hành điều tra khảo sát địa hình và tài nguyên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các sách địa lý và lịch sử của Việt Nam từ thế kỷ XVII đã ghi lại kết quả các cuộc khảo sát đó.
Trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (thế kỷ XVII): “Giữa biển có một bãi cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, từ cửa Đại Chiêm(4) đến cửa Sa Vinh(5) mỗi lần có gió Tây Nam thương thuyền các nước đi ở phía ngoài trong trôi dạt ở đó, có gió Đông Bắc thì thương thuyền đi ở phía ngoài cũng trôi dạt ở đó, đều cùng chết đói hết cả, hàng hóa thì đều để lại ở nơi đó” (6).
Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776): “Xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi (7) linh tinh hơn 130 hòn cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng, rộng lớn, nước trong suốt đáy. Trên đảo có vô số tổ yến, các loại chim có hàng ngàn hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh, trên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc hoa thì có tai voi, to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục không như ngọc trai, cái vỏ có thể đẽo làm tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà; có ốc xà cừ để khảm đồ dùng; lại có ốc hương. Các loại ốc đều có thể muối và nấu ăn được… Các thuyền ngoại phiên gặp bão thường bị hư hại (8) ở đảo này…”.
Đại Nam thực lục tiền biên, bộ sử về chúa Nguyễn do Quốc sử quán nhà Nguyễn soạn xong năm 1844, có đoạn viết: “Xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa ở ngoài biển, có hơn 130 bãi cát, cách nhau hoặc một ngày đường hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn Lý Trường Sa. Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích…”.
Trong Đại Nam nhất thống chí (1882): “Đảo Hoàng Sa: ở phía đông Cù Lao Ré huyện Bình Sơn, từ bờ biển Sa Kỳ ra khơi thuận gió, ba bốn ngày đêm có thể đến. Ở đó có đến hơn 130 đảo nhỏ, cách nhau hoặc 1 ngày đường hoặc vài trống canh. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn Lý Trường Sa. Trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập không biết cơ man nào. Sản xuất nhiều hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích… Hóa vật của các tàu thuyền bị nạn bão trôi giạt ở đấy”.
Theo Đại Nam thực lục chính biên, bộ sử về nhà Nguyễn soạn xong năm 1848, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đo đạc vẽ bản đồ Hoàng Sa trở về, đội trưởng giám thành Trương Phúc Sĩ đã tâu với Vua Minh Mệnh rằng Hoàng Sa “là những bãi cát giữa biển, man mác không bờ bến” (9).
Các sách khác thời Nguyễn như Lịch triều hiến chương loại chí (1821), Hoàng Việt địa dư chí (1833), Việt sử cương giám khảo lược (1876) cũng mô tả Hoàng Sa một cách tương tự.
Do đặc điểm của Hoàng Sa và Trường Sa là có nhiều hải sản quý lại có nhiều hóa vật của tàu bị đắm như trên đã nói, Nhà nước phong kiến Việt Nam từ lâu đã tổ chức việc khai thác hai quần đảo đó với tư cách một quốc gia làm chủ. Nhiều sách lịch sử và địa lý cổ của Việt Nam đã nói rõ tổ chức, phương thức hoạt động của các đội Hoàng Sa có nhiệm vụ làm việc khai thác đó.
Trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (thế kỷ XVII): “Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến (Bãi Cát Vàng) lấy hóa vật, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn”.
Trong Phủ biên tạp lục (1776): “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 3 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền tiểu câu(10) ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến các đảo ấy rồi ở lại đó. Tha hồ kiếm lượm, bắt chim, cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì đen, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên cùng là kiếm lượm mai đồi mồi, mai hải ba, hải sâm, hột ốc hoa, rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp. Cân và định dạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc hoa, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về”. “…Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đó, cho đi thuyền tiểu câu ra các xứ Bắc Hải, Cù Lao Côn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm hóa vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản”.
Trong Đại Nam thực lục tiền biên (1844): “Hồi đầu dựng nước, đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm đến tháng 3 đi thuyền ra đảo, độ 3 ngày đêm đi đến, thu lượm hóa vật, đến tháng 8 trở về nộp. Lại có đội Bắc Hải mộ dân ở phường Tứ Chính ở Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, được lệnh đi thuyền ra các vùng Bắc Hải, Côn Lôn thu lượm hóa vật. Đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản”.
Kế tiếp các chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn phải liên tiếp đối phó với sự xâm lược của nhà Thanh và của Xiêm, tuy vậy vẫn luôn luôn quan tâm đến việc duy trì và sử dụng các đội Hoàng Sa. Trong số tư liệu còn tìm thấy ngày nay, có thể kể tờ sai sau đây đề năm 1786 của quan Thượng tướng công: “Sai cai Hội Đức Hầu đội Hoàng Sa dẫn 4 chiếc thuyền vượt câu vượt biển đến thẳng Hoàng Sa và các cù lao trên biển thu lượm đồ vàng bạc, đồ đồng và đại bác, tiểu bác(11), đồi mồi, hải ba cùng cá quý mang về kinh đô dâng nộp theo lệ”. Nghĩa là thời Tây Sơn, Nhà nước vẫn tiếp tục tổ chức việc khai thác Hoàng Sa với ý thức thực hiện chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa.
Từ khi nắm chính quyền năm 1802 đến khi ký với Pháp Hiệp ước 1884, các vua nhà Nguyễn ra sức củng cố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đại Nam thực lục chính biên (1848) chép rõ một số việc làm của các vua nhà Nguyễn củng cố chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo như sau:
- Năm 1815, vua Gia Long “cử Phạm Quang Ảnh dẫn đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để khảo sát và đo đạc đường biển” (12).
- Năm 1816, vua Gia Long “lệnh cho thủy quân cùng đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa để khảo sát và đo đạc đường biển” (13).
- Năm 1833, vua Minh Mệnh chỉ thị cho Bộ Công chuẩn bị thuyền để năm sau sẽ phái tới Hoàng Sa dựng miếu, lập bia, trồng nhiều cây cối (14).
- Năm 1834, vua Minh Mệnh cử đội trưởng giám thành Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người ra Hoàng Sa vẽ bản đồ (15).
- Năm 1835, vua Minh Mệnh sai đội thủy quân Phạm Văn Nguyên đem lính và thợ giám thành cùng phu thuyền 2 tỉnh Quảng Nghĩa, Bình Định chuyên chở vật liệu đến Hoàng Sa dựng miếu. Bên trái miếu dựng bia đá, phía trước miếu xây bình phong (16).
(Còn nữa)
(1) “Ghi chép về địa lý nước Cochinchina” (“Note on Geography of Cochinchina”) của giám mục Jean-Louis Taberd đăng trong “Tạp chí của Hội châu Á Băng-Gan” (The Journal of the Asiatic Society of Bengal) tập VI, 1837, tr.745.
(2) Đính trong cuốn “Từ điển La Tinh - Việt Nam” (Dictionarium Latino-Anamiti-cum), 1838.
(3) Bài “Địa lý vương quốc Cochinchina” (Geograpphy of the Cochinchinese Empire) đăng trong “Tạp chí Hội địa lý Hoàng gia Luân Đôn” (The Jounal of the Royal Geography Sociely of London) tập XIX, 1849, tr.93.
(4) Cửa Đại Chiêm nay là cửa Đại, thuộc tỉnh Quảng Nam.
(5) Cửa Sa Vinh nay là cửa Sa Huỳnh, thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
(6) Bãi Cát Vàng từ lâu là khu vực có nhiều đá ngầm nguy hiểm ở biển Đông.
(7) Về từ “núi” xin xem chú thích phía trên.
(8) Trong Phủ biên tạp lục, vốn là chữ “hoại”, nghĩa là “hư hại” có bản chép lầm là chữ “ỷ”, nghĩa là “dựa vào”, nên trong Lê Quý Đôn toàn tập, Tập I, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 1977 đã dịch là “đậu”.
(9) Kỷ thứ 2, quyển 122.
(10) Loại thuyền của ngư dân Việt Nam để đánh cá ngoài khơi.
(11) Chỉ loại pháo cỡ nhỏ.
(12) Quyển 50, kỷ thứ nhất.
(13) Quyển 52, kỷ thứ nhất.
(14) Quyển 104, kỷ thứ hai.
(15) Quyển 122, kỷ thứ hai.
(16) Quyển 154, kỷ thứ hai.
PGS,TS NGUYỄN BÁ DIẾN