Thứ Tư, 25/12/2024 11:40 SA
Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa
Thứ Tư, 11/06/2014 07:40 SA

Vùng đảo (quần đảo) Hoàng Sa

I- KHÁI QUÁT CHUNG VỀ VÙNG ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA

 

 

Quần đảo Hoàng Sa là một trong hai quần đảo xa bờ thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu đời. Trong nhiều thế kỷ trước đây, quần đảo này thường được gọi dưới tên chung với quần đảo Trường Sa là Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Đại Hoàng Sa, Đại Trường Sa, Vạn Lý Trường Sa… Các nhà hàng hải và truyền giáo phương Tây (Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp) gọi dưới các tên Paracels, Parcels hoặc Pracels.

 

Trên các bản đồ đầu tiên của các nhà hàng hải phương Tây, quần đảo Hoàng Sa cùng Trường Sa thường được vẽ thành một dải liền nhau hình lá cờ đuôi nheo nằm dọc bờ biển nước ta từ khoảng ngang Đà Nẵng tới cuối đồng bằng Nam Bộ. Vào đầu thế kỷ XX, từ kết quả các cuộc khảo sát khoa học của chính quyền thực dân Pháp tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cũng nhờ sự phát triển của ngành Hàng hải và ngành Đo đạc bản đồ biển, người ta mới tách ra hai quần đảo riêng biệt mang tên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Trên các bản đồ nước ngoài, quần đảo Hoàng Sa thường gọi là quần đảo Paracels(1). Quần đảo gồm khoảng 40 đảo, đá, bãi sạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác thuộc huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng. Khu vực quần đảo nằm trên vùng biển rộng khoảng 30.000km2.

 

Về khoảng cách đến đất liền, từ đảo Tri Tôn đến mũi Ba Làng An, tỉnh Quảng Nam là 135 hải lý, đến Cù Lao Ré, tỉnh Quảng Ngãi 123 hải lý. Tổng diện tích phần nổi của quần đảo Hoàng Sa khoảng 10km2, đảo lớn nhất là đảo Phú Lâm với diện tích khoảng 1,5km2. Quần đảo Hoàng Sa nằm ngang bờ biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và một phần tỉnh Quảng Ngãi.

 

Hoàng Sa nằm trong vùng “xích đạo từ” có độ sai lệch từ không thay đổi hoặc thay đổi rất nhỏ, rất thuận lợi cho việc đi biển. Quần đảo này có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều, thường có sương mù và nhiều giông bão, nhất là từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm. Trên một số đảo có nguồn nước ngọt, cây cối um tùm, vô số chim và đặc biệt là có nhiều rùa biển sinh sống.

 

Nằm phía đông của Việt Nam, Hoàng Sa án ngự đường hàng hải quốc tế huyết mạch từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Vùng biển này có tiềm năng lớn về khoáng sản và nguồn hải sản, thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, quan trọng hơn đây là vị trí quân sự chiến lược, khống chế đường giao thông trên biển và trên không trong khu vực phía bắc biển Đông.

 

(Còn nữa)

-----------------

(1) TS. Trần Nam Tiến, “Hoàng Sa - Trường Sa: Hỏi và đáp”, NXB Trẻ, 2011, tr.28

 

PGS, TS NGUYỄN BÁ DIẾN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek