Thứ Tư, 25/12/2024 00:19 SA
Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 25/06/2014 08:14 SA

- Năm 1836, chuẩn y lời tâu của Bộ Công, vua Minh Mệnh sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền ra Hoàng Sa đo đạc, vẽ bản đồ. Yêu cầu của công việc đo đạc, vẽ bản đồ đã được Đại Nam thực lục chính biên ghi lại rất chi tiết: “Không cứ là đảo nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến cũng xem xét xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào phải tường tận đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại xét ngày khởi hành từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào đường đi tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ biển, đối thẳng là vào tỉnh hạt nào, phương nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm, nhất nhất nói rõ, đem về dâng trình”(1).

 

Trạm khí tượng do người Pháp xây dựng trên đảo Hoàng Sa. Ảnh chụp năm 1938. Tư liệu của UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng

 

Đại Nam thực lục chính biên cũng chép rõ những bài gỗ mà Phạm Hữu Nhật mang theo để làm dấu chủ quyền đối với những nơi đã đến theo lệnh của nhà vua khắc những chữ sau đây: “Năm Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân (1836), thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng lệnh ra Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.

 

Các vua Nguyễn không phải chỉ lo đến chủ quyền và quyền lợi của nước mình ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà còn lo bảo đảm an toàn cho tàu thuyền nước ngoài qua lại vùng biển của hai quần đảo đó. Năm 1833, vua Minh Mệnh bảo Bộ Công rằng: “Trong hải phận Quảng Nghĩa, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây thuyền buôn thường bị nạn. Nay nên dự bị thuyền mành đến sang năm sẽ phái người tới đó… trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết, có thể tránh được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời”(2). Đó chính là ý thức trách nhiệm cao của một nhà nước thật sự làm chủ quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đối với hàng hải quốc tế trong khu vực này.

 

Như vậy, qua các sách lịch sử, địa lý cổ của Việt Nam cũng như chứng cứ của nhiều nhà hàng hải, giáo sĩ phương Tây nói trên, từ lâu và liên tục trong hàng mấy trăm năm từ triều đại này đến triều đại khác, Nhà nước Việt Nam đã làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự có mặt đều đặn của các đội Hoàng Sa do Nhà nước thành lập trên hai quần đảo đó mỗi năm từ 5 đến 6 tháng để hoàn thành một nhiệm vụ do Nhà nước giao tự nó đã là một bằng chứng đanh thép về việc Nhà nước Việt Nam thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo đó. Việc chiếm hữu và khai thác đó của Nhà nước Việt Nam không bao giờ gặp phải sự phản đối của một quốc gia nào khác, kể cả Trung Quốc. Điều đó càng chứng tỏ từ lâu quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã là lãnh thổ của Việt Nam.

 

  1. n đảo Hoàng Sa và qun đảo Trường Sa(3)

 

Từ khi ký với triều đình nhà Nguyễn hiệp ước ngày 6/6/1884, Pháp đại diện quyền lợi của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại và việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trong khuôn khổ sự cam kết chung đó, Pháp đại diện cho Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Sau đây là một số minh chứng cụ thể:

 

Các pháo hạm của Pháp thường tiến hành tuần tiễu trong vùng biển Đông kể cả Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đề nghị với Paris xây tại đảo Hoàng Sa (Pattle) trong quần đảo Hoàng Sa một cây đèn biển để hướng dẫn các tàu biển qua lại vùng này, nhưng kế hoạch không thực hiện được vì thiếu ngân sách.

 

Từ năm 1920, các tàu hải quan Đông Dương tăng cường tuần tiễu ở vùng Hoàng Sa để ngăn chặn buôn lậu.

 

Năm 1925, Viện Hải dương học Nha Trang cử tàu De Lanessan ra khảo sát ở quần đảo Hoàng Sa về hải dương học. Ngoài A.Krempf, giám đốc Viện Hải dương học, còn có các nhà khoa học khác như Delacour, Jabouille… nghiên cứu về địa chất, về sinh vật… Ngày 3/3/1925, Thượng thư Bộ Binh của Triều đình Huế Thân Trọng Huề đã khẳng định Hoàng Sa là lãnh thổ Việt Nam.

 

Năm 1927, tàu De Lanessan ra khảo sát khoa học quần đảo Trường Sa.

 

Năm 1929, phái đoàn Perrier - De Rouville đề nghị đặt 4 cây đèn biển ở 4 góc của quần đảo Hoàng Sa (đảo Tri Tôn, đảo Đá Bắc, đảo Linh Côn, bãi Bom Bay).

 

 Năm 1930, tàu thông báo La Malicieuse tới quần đảo Hoàng Sa.

 

Tháng 3/1931, tàu Inconstant ra quần đảo Hoàng Sa.

 

Tháng 6/1931, tàu De Lanessan ra quần đảo Hoàng Sa.

 

Tháng 5/1932, pháo hạm Alerte ra quần đảo Hoàng Sa.

 

Từ 13/4/1930 đến 12/4/1933, chính phủ Pháp đã cử các đơn vị hải quân lần lượt ra đóng các đảo chính trong quần đảo Trường Sa: Trường Sa (Spratley), An Bang (Caye d’Amboine), Itu Aba, nhóm Song Tử (groupe des deux iles)(4), Loại Ta, Thị Tứ.

 

Ngày 21/12/1933, Thống đốc Nam Kỳ M.j.Krautheimer ký Nghị định sáp nhập các đảo Trường Sa, An Bang, Itu Aba, nhóm Song Tử, Loại Ta và Thị Tứ vào địa phận tỉnh Bà Rịa(5).

 

Năm 1937, nhà đương cục Pháp của kỹ sư công chính Ganthier ra quần đảo Hoàng Sa nghiên cứu chỗ xây dựng đèn biển, lập bãi thủy phi cơ.

 

Tháng 2/1937, tuần dương hạm Lamotle Piquet do Phó đô đốc Istava chỉ huy thăm quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 30/3/1938, vua Bảo Đại ký dụ tách quần đảo Hoàng Sa khỏi địa hạt tỉnh Nam Nghĩa đặt vào tỉnh Thừa Thiên(6).

 

Ngày 15/6/1938, Toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký nghị định thành lập một đơn vị hành chính tại quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên.

 

Năm 1938, chính quyền Pháp dựng bia chủ quyền, xây dựng xong đèn biển, trạm khí tượng, đài vô tuyến điện ở đảo Hoàng Sa trong quần đảo Hoàng Sa, xây dựng trạm khí tượng, đài vô tuyến điện ở đảo Itu Aba trong quần đảo Trường Sa.

 

Ngày 5/5/1939, Toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký nghị định sửa đổi nghị định ngày 15/6/1938 nói trên và thành lập tại quần đảo Hoàng Sa 2 cơ quan đại ký “Croissant và các đảo phụ thuộc”, “Amphitrite và các đảo phụ thuộc”.

 

Suốt trong thời gian đại diện Việt Nam về mặt đối ngoại, Pháp luôn luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và phản kháng những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo đó như:

 

Ngày 4/12/1931 và ngày 24/4/1932, Pháp phản kháng Chính phủ Trung Quốc về việc chính quyền Quảng Đông lúc đó có ý định cho đấu thầu khai thác phân chim trên quần đảo Hoàng Sa. Ngày 24/7/1933, Pháp thông báo cho Nhật việc Pháp đưa quân ra đóng các đảo chính trong quần đảo Trường Sa, Nhật đã phản kháng nhưng Pháp đã bác bỏ sự phản kháng đó của Nhật. Ngày 4/4/1939, Pháp phản kháng Nhật đặt một số đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc quyền tài phán của Nhật.

 

 

Khi Chiến tranh thế giới lần thứ II còn đang tiếp diễn, ngày 27/11/1943 tại Hội nghị Cairo (Ai Cập), 3 cường quốc đồng minh đại diện bởi Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt, Thủ tướng Anh Churchill và Tổng thống Trung Hoa Dân quốc Tưởng Giới Thạch đã ký Tuyên cáo Cairo, theo đó: “Phải tước bỏ quyền của Nhật Bản trên tất cả các hải đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật Bản đã cưỡng đoạt hay chiếm đóng từ đầu Chiến tranh thế giới lần thứ I và trả lại Trung Hoa Dân quốc tất cả các lãnh thổ đã bị Nhật Bản cướp của Trung Hoa, như Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ, và trục xuất Nhật Bản khỏi tất cả các lãnh thổ khác mà Nhật chiếm được bằng vũ lực”(7). Như vậy, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không hề được đề cập đến trong điều ước quốc tế quan trọng này, cũng không thể được giao cho Trung Quốc và do đó càng chứng tỏ 2 quần đảo này là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Điều đáng lưu ý, Trung Quốc là một bên tham gia bản tuyên cáo và đích thân Tổng thống Tưởng Giới Thạch đã có mặt tại các cuộc hội đàm kéo dài nhiều ngày ở Hội nghị Cairo nhưng không hề có sự đề cập đến việc chuyển giao 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.

 

Năm 1931, Nhật Bản xâm chiếm Mãn Châu với ý đồ thành lập nhà nước Mãn Châu. Trước đó, trong Chiến tranh Trung - Nhật (1894-1895), đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ cũng bị Nhật Bản chiếm cứ bằng vũ lực. Vì vậy, trong Tuyên cáo Cairo năm 1943, Tổng thống Roosevelt và Thủ tướng Churchill tán thành đề nghị của Tổng thống Tưởng Giới Thạch về việc Đồng Minh sẽ bàn giao Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ cho Trung Quốc khi chiến tranh kết thúc.

 

Tại biển Đông, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng đã bị Nhật Bản chiếm cứ bằng vũ lực khi bắt đầu Chiến tranh thế giới lần thứ II. Năm 1938, Nhật Bản chiếm 3 đảo tại Hoàng Sa là Phú Lâm, Lincoln và Hữu Nhật (Robert). Năm 1939, Nhật Bản ngang ngược công bố chủ quyền tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đổi tên Hoàng Sa thành Hirata Gunto, Trường Sa thành Shinnan Gunto.

 

Theo pháp luật quốc tế hiện đại, Tuyên cáo Cairo năm 1943 là một điều ước quốc tế không những xác lập quyền mà còn ấn định những nghĩa vụ quốc tế có giá trị ràng buộc các quốc gia hữu quan. Vì vậy, với tư cách là một bên tham gia điều ước quốc tế, Trung Quốc - dù là Trung Hoa Dân quốc hay Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (quốc gia kế thừa chủ quyền) - đều có nghĩa vụ tuân thủ cam kết quốc tế này. Ngay thời gian sau đó, cả hai phía Trung Hoa Dân quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều thừa nhận giá trị pháp lý của bản tuyên cáo này. Ví dụ, ngày 4/12/1950, Chu Ân Lai - lúc này là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - đã tuyên bố tán thành Bản tuyên cáo Cairo năm 1943 là “văn kiện lịch sử quốc tế mà Hoa Kỳ, Anh Quốc và Trung Quốc đã ký kết để làm cơ sở Hiệp ước San Francisco ngày 8/9/1951”.

 

(Còn nữa)

 

(1) Quyển 165, kỷ thứ hai.

(2) Quyển 104, kỷ thứ hai.

(3) Xem thêm: Bộ Ngoại giao Việt Nam, Sách trắng, Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa Bộ phận lãnh thổ của Việt Nam năm 1979, 1981.

(4) Tức là đảo Song Tử Tây và đảo Song Tử Đông.

(5) Các đảo này nay thuộc tỉnh Khánh Hòa.

(6) Tỉnh Thừa Thiên nay là tỉnh Thừa Thiên Huế.

(7) Foreign Relations of the United States, Diplomatic Paper: The Conferences at Cairo and Teheran 1943, Washington D.C, United States, G.P.O, 1961, pp. 448-449; Lazar Focsaneanu: “Các hiệp ước hòa bình của Nhật Bản”, Niên giám luật quốc tế của Pháp, 1960, tr. 256.

 

PGS,TS NGUYỄN BÁ DIẾN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek