Cách đây 54 năm, ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố Pháp lệnh Quy định việc quản lý của nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC). Từ năm 1996, Chính phủ quyết định lấy ngày 4/10 là Ngày toàn dân PCCC. Kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa X đã thông qua Luật PCCC có hiệu lực thi hành từ ngày 4/10/2001. Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh vấn đề này, đại tá Nguyễn Trọng, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an Phú Yên cho biết:
- Qua thực hiện Pháp lệnh về PCCC, nhất là thực hiện Luật PCCC và Ngày toàn dân PCCC, công tác PCCC đã đạt những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, theo quy luật kinh tế phát triển, tình hình cháy, nổ luôn diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng về số vụ. 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 200 vụ, làm chết một người, bị thương 11 người, thiệt hại tài sản gần 190 tỉ đồng; cháy hơn 590ha rừng, 100ha cây nông sản. Riêng chín tháng năm 2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra 20 vụ cháy, gây thiệt hai trên 1,5 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là so sự cố về điện, sơ suất trong khi dùng lửa…
* Phòng cháy hơn chữa cháy. Công tác này được lực lượng Cảnh sát PCCC và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện như thế nào trong thời gian qua, thưa đại tá?
- Tuyên truyền, vận động người dân và các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về cháy, nổ; hướng dẫn nghiệp vụ PCCC cho cơ sở cũng như thực tập chữa cháy là việc làm thường xuyên của lực lượng Cảnh sát PCCC- CNCH. Mới đây, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn 4261/2015 về việc tăng cường công tác PCCC hưởng ứng Ngày Toàn dân PCCC (4/10). Trước đó, ngày 25/8, Tỉnh ủy cũng đã ban hành Kế hoạch 17 thực hiện Chỉ thị 47/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC. Theo đó, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện hơn 10 lượt tin, bài về PCCC trên báo và sóng phát thanh- truyền hình. Đồng thời mở bốn lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC-CNCH cho lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở với hơn 350 học viên tham gia; phối hợp tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại các cơ sở có nguy cơ cháy cao, gồm: Cửa hàng Xăng dầu số 5 (Chi nhánh Xăng dầu Phú Yên), Xí nghiệp May An Thịnh (Công ty cổ phần An Hưng) và Chi nhánh Công ty cổ phần Bia Sài Gòn – Phú Yên. Ngoài ra, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH cũng đã tổ chức kiểm tra PCCC chuyên đề các cơ sở kinh doanh, sản xuất, bảo quản khí gas và chuyên đề các cơ sở sản xuất, bảo quản, sử dụng các loại hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp. Qua đó kịp thời phát hiện, nhắc nhở, hướng dẫn các cơ sở kịp thời khắc phục những thiếu sót. Đặc biệt, trong hai ngày 2 và 3/10, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH tổ chức tuyên truyền pháp luật, phổ biến kiến thức PCCC lưu động tại địa bàn TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu và hai huyện Đông Hòa, Tuy An.
* Theo đại tá, để hạn chế các vụ cháy xảy ra và hạn chế thiệt hại do cháy thì cần có những biện pháp, giải pháp gì?
- Trước hết, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC-CNCH. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể phải xác định công tác PCCC-CNCH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên hàng ngày; việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, người lao động. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp… phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình.
Lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an Phú Yên thực tập chữa cháy tại Nhà ga sân bay Tuy Hòa - Ảnh: X.HIẾU |
Tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC. Vận dụng thực hiện tốt nguyên tắc “lấy phòng ngừa là chính”, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC, xây dựng phong trào toàn dân PCCC-CNCH. Duy trì hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ. Nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, cơ sở đối với công tác PCCC; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tiến tới xã hội hóa công tác PCCC-CNCH. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định về PCCC của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người đứng đầu các cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao. Xây dựng và thực tập các phương án chữa cháy, phương án xử lý các tình huống phức tạp có nhiều lực lượng tham gia…
Khi có cháy xảy ra ở bất kỳ cơ sở nào hay hộ gia đình, phải tìm cách báo cháy nhanh nhất. Cụ thể là, hô hoán cho mọi người xung quanh biết và gọi điện thoại báo cho cơ quan Cảnh sát PCCC-CNCH (số 114), đội PCCC cơ sở, đội dân phòng hoặc UBND và công an phường, xã, thị trấn. Trong đám cháy, nếu có người bị nạn phải cứu ngay. Dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập lửa và dùng mọi biện pháp để cứu người, tài sản, chống cháy lan. Khi lực lượng Cảnh sát PCCC đến phải cung cấp tình hình, diễn biến của đám cháy và cùng tham gia chữa cháy.
* Cám ơn đại tá!
XUÂN HIẾU (thực hiện)