Trong 6 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra chín vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến trẻ em, làm bị thương 10 em. Mặc dù việc đội mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ em khi tham gia giao thông sẽ giảm thiểu rất nhiều nguy cơ tai nạn thương tích, chấn thương sọ não khi xảy ra TNGT, thế nhưng vấn đề này vẫn còn bị một số phụ huynh xem nhẹ, thậm chí lơ là.
Điểm i và điểm k thuộc khoản 3, Điều 6, Nghị định 171/CP của Chính phủ quy định:
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “MBH cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “MBH cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ;
- Chở người ngồi trên xe không đội “MBH cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “MBH cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật. |
TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN ĐỘI MBH CHO TRẺ EM
Là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh Phú Yên, TP Tuy Hòa tập trung 19 trường tiểu học, 15 trường THPT và nhiều trung tâm đào tạo dành cho trẻ em. Hàng ngày, lượng trẻ em tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy là khá lớn. Tuy nhiên, việc chấp hành đội MBH cho trẻ em vẫn còn bị một số phụ huynh xem nhẹ. Điều này không chỉ làm cho vấn đề bảo vệ an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông trở nên nan giải mà cha mẹ đã vô tình nêu một tấm gương xấu trong việc chấp hành pháp luật cho con mình.
Thượng tá Ngô Văn Ương, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an Phú Yên, cho biết: “Thực hiện kế hoạch của Ban An toàn giao thông quốc gia, kế hoạch của UBND tỉnh và của Công an tỉnh về mở đợt cao điểm tuyên truyền và kiểm tra, xử lý về việc đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, Phòng CSGT đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương và các trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, vấn đề tuyên truyền về việc đội MBH cho trẻ em đã được tăng cường bằng nhiều nội dung, hình thức, từ tuyên truyền ở các trường học, nơi công cộng, tuyên truyền lưu động và về cơ sở, đến tận các thôn, buôn”.
Cùng với công tác tuyên truyền, lực lượng CSGT cũng đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý những trường hợp điều khiển mô tô, xe gắn máy không đội MBH khi tham gia giao thông. Thiếu tá Phan Ngọc Lâm, Phó đội trưởng Đội CSGT Công an TP Tuy Hòa, cho biết: “Thực hiện kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh về tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm quy định về đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, Công an TP Tuy Hòa đã xây dựng kế hoạch tăng cường công tác tuần tra kiểm soát. Trong tuần lễ cao điểm xử phạt việc vi phạm quy định về đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, lực lượng CSGT thành phố đã xử phạt 24 trường hợp, phạt tiền 3,9 triệu đồng, tước một giấy phép lái xe và nhắc nhở hàng trăm trường hợp vi phạm. Qua công tác tuyên truyền và công tác tuần tra kiểm soát, chúng tôi nhận thấy rằng: nhiều người dân vẫn còn nhận thức đơn giản về việc đội MBH cho trẻ em. Một số người còn cho rằng việc đội MBH là chưa cần thiết vì con họ ở độ tuổi còn nhỏ”.
“ĐỘI MŨ CHO CON, TRỌN TÌNH CHA MẸ”
Hiện nay, hầu như ở các trường học trên địa bàn TP Tuy Hòa đều có treo những tấm bảng thật to, thật đẹp tuyên truyền về việc đội MBH cho trẻ em. Thế nhưng, ở lứa tuổi chưa ý thức đầy đủ về nghĩa vụ và trách nhiệm, thì việc trẻ em có đội MBH khi tham gia giao thông hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của những người làm cha, làm mẹ. Thông điệp đầy ý nghĩa: “Đội mũ cho con, trọn tình cha mẹ” được chọn lựa để tuyên truyền đội MBH cho trẻ em.
Theo thượng tá Ngô Văn Ương, để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa ý thức tự giác chấp hành quy định của pháp luật về đội MBH, hình thành thói quen, đặc biệt là đối với trẻ em khi tham gia giao thông cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Lực lượng CSGT Phú Yên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ban giám hiệu các trường học, các ban ngành, đoàn thể tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, nhất là vấn đề đội MBH; xử lý quyết liệt hơn nữa đối với những hành vi điều khiển mô tô, xe gắn máy không đội MBH khi tham gia giao thông.
Các cơ quan chức năng cần quyết liệt trong kiểm tra, giám sát, quản lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh MBH; thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, buôn bán, lưu hành MBH trên thị trường. Đội MBH cho trẻ khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy - điều đó không chỉ thể hiện tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái, mà đó còn là trách nhiệm đối với xã hội, nhất là trách nhiệm bảo vệ những mầm non tương lai của đất nước.
ĐOÀN THY