Ở thôn Long Hòa (xã An Định, Tuy An), người dân thường gọi chị Đỗ Thị Trang, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn với cái tên thân mật: chị Trang “thúng chai”. Được biết, người phụ nữ này có nhiều năm gắn bó với nghề làm thúng chai. Và cũng nhờ thúng chai mà cuộc sống của chị và nhiều bà con ở đây có nhiều thay đổi.
Chị Đỗ Thị Trang bên chiếc thúng chai do gia đình làm - Ảnh: H.ANH
TUỔI THƠ GẮN BÓ VỚI RẶNG TRE
Theo lời mẹ kể, do chiến tranh nên gia đình chị đã có một thời gian phải phiêu bạt đất khách quê người. Chị chỉ nhớ khi lên 8 tuổi, cả nhà mới trở về sinh sống ở nơi chôn nhau cắt rốn là thôn Long Hòa hiện nay. Sinh ra trong một gia đình nghèo lại đông con, hàng ngày, cô bé Trang một buổi đi học, còn một buổi giữ em, trông coi nhà cửa cho ba mẹ đi làm đến tối mịt mới về. Có nhiều hôm chị còn phải phụ mẹ chăn trâu, cắt cỏ, hái rau về nuôi một đàn heo... Trong ký ức tuổi thơ của chị, thôn Long Hòa hiền hòa dưới những rặng tre xanh mát, được bao bọc bởi một nhánh của con sông Kỳ Lộ bắt nguồn từ một nơi xa lắm...
Dưới những rặng tre xanh, người dân quê chị ngồi vót những chiếc nan tre để đan thành mê rồi cho ra những chiếc sõng nhỏ dùng để vớt bèo hoặc bắt những con tôm, con cá ven bờ. Lớn thêm vài tuổi, không phải giữ em nữa nhưng chị cũng ngồi tập tành với những chiếc nan tre để làm quen với nghề đan sõng đã có từ lâu đời mà bất cứ ai ở quê chị cũng biết. Nhiều hôm không khéo, chị bị đứt tay chảy máu là chuyện thường... Thế mà thu nhập từ những chiếc sõng tre không đáng là bao, chỉ đủ đắp đổi qua ngày với những bữa cơm đạm bạc.
THOÁT NGHÈO CŨNG NHỜ THÚNG CHAI
Bắt đầu từ năm 2000, vợ chồng chị Trang không đan sõng nữa mà chuyển sang đan thúng chai. “Ban đầu vợ chồng tôi đan thử vài chiếc thúng và mất nhiều thời gian, công sức. Để giảm bớt thời gian, công sức trong quá trình đan thúng, vợ chồng tôi phải tìm tòi học hỏi từ các cụ cao niên có nhiều kinh nghiệm trong nghề đan lát, tự nghiên cứu và làm tất cả các công đoạn để cho ra “lò” những chiếc thúng chai đầu tiên”, chị Trang kể lại.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cuối cùng những chiếc thúng chai do gia đình chị làm ra cũng được thị trường chấp nhận. Thế nhưng, làm được chiếc thúng đã khó, nhưng để bán được càng khó hơn. Thế là, chị một mình một xe máy tự đi khảo sát giá cả tại các vùng biển, rồi thuyết phục người ta đặt hàng. Lâu nay người dân vùng biển đánh bắt xa bờ đã quen mua thúng chai từ những cơ sở sản xuất lâu đời trong nước nên việc thuyết phục làm sao để họ chấp nhận sản phẩm của gia đình là rất khó khăn. Không vì thế mà chị nản chí, đi một lần không được, chị đi nhiều lần; đến vùng biển này, ngư dân chưa chịu thì tới vùng biển khác... Và cuối cùng, thúng chai của gia đình chị được nhiều ngư dân chấp nhận và có chung nhận xét bền, đẹp, ít thấm nước và giá cả phải chăng. Tiếng lành đồn xa, chỉ một thời gian sau, có nhiều cơ sở tìm đến nhà đặt mua thúng chai của gia đình chị…
Thấy làm thúng chai cho thu nhập khá, chị bàn với chồng truyền nghề lại cho con cháu trong dòng họ, xóm giềng. Hai vợ chồng chị hướng dẫn cho họ tỉ mỉ từ cách chọn tre, vót nan, lận thành mê... Người nào không có vốn thì chị cho mượn vốn không tính lãi để mua vật liệu. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường, chị đã thu mua các sản phẩm thô của bà con. Ai làm đến công đoạn nào thì trả công theo công đoạn đó rồi đưa về hoàn chỉnh sản phẩm và bán ra thị trường. Đến nay, tại thôn Long Hòa đã có hẳn một làng nghề thúng chai với gần 50 gia đình sống được với nghề. Bà Đỗ Thị Hương, cùng họ hàng với chị Trang cho biết: “Từ khi làm thúng chai, cuộc sống của gia đình tôi đã thay đổi nhiều. Một ngày tôi có thể kiếm được 170.000 đồng từ việc đan thúng chai. Việc đan thúng chai rất thuận tiện vì có thể tranh thủ được thời gian rảnh rỗi, làm quanh năm lại tiết kiệm được sức lao động, trẻ già lớn bé đều làm được”.
Hiện sản phẩm thúng chai của làng nghề thúng chai Long Hòa đã có mặt hầu hết các thị trường trong tỉnh và các tỉnh bạn như Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Một số khu du lịch đăng ký mua nhưng chị chưa dám trả lời vì phải tính toán sao cho thúng chai làm ra vừa đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ.
Ông Đỗ Ngọc Quang, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã An Định, nhận xét: Không những tự tìm tòi học hỏi để làm thúng chai, chị Trang còn là người tiên phong trong việc truyền nghề lại cho bà con và thu mua các sản phẩm để đưa ra thị trường tiêu thụ. Có thể nói, xã có được làng nghề thúng chai hôm nay là nhờ công lớn của chị Đỗ Thị Trang. Nghề này mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình chị khoảng 200 triệu đồng và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Những việc chị Trang đã làm được thật xứng đáng với danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương liên tục hơn 10 năm nay, xứng đáng là người tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ.
HÀ ANH