Tích lũy kiến thức thông qua việc… đọc ké sách dạy chăn nuôi, chị Nguyễn Thị Kim Loan (48 tuổi, ở thôn Long Phụng, xã Hòa Trị, Phú Hòa) không những giỏi chăn nuôi heo mà còn chia sẻ kinh nghiệm cho các chị em khác. Nhờ chăn nuôi chị đã lo cho các con học hành đến nơi đến chốn…
Chị Loan đang chăm sóc đàn heo nái của gia đình - Ảnh: Q.HÙNG
GIỎI CHĂN NUÔI NHỜ ĐỌC SÁCH… KÉ
Hơn 10 năm trước, kinh tế gia đình chị Loan chỉ phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Con cái ngày càng lớn, tiền chi dùng cho ăn uống, học hành ngày càng nhiều nên gia đình chị Loan lâm vào cảnh túng thiếu. Để kiếm thêm thu nhập, chị bàn với chồng đầu tư nuôi heo. Thời kỳ đó, một con heo nái giống có giá đến nửa chỉ vàng. Vợ chồng chị Loan vét hết tiền để dành, mua được 6 con. Tuy nhiên, vì mới bắt đầu nuôi, chưa có kinh nghiệm nên sau một thời gian ngắn, 3 con trong số này bị chết. Xót của, xót công, chị thức trắng mấy đêm ròng để nghĩ cách… giải quyết vấn đề.
Thời đó, các chương trình khuyến nông còn hạn chế chứ không nhiều như bây giờ, muốn học kỹ thuật trồng cây gì, nuôi con gì đều phải tìm đến sách vở. Ngặt nỗi, nhà khó khăn, tiền ăn hàng ngày còn không đủ nên chị không thể “bớt chén cơm” của con để lấy tiền mua sách. “Tranh thủ mỗi lần xuống TP Tuy Hòa bán gạo, tôi vào hiệu sách, chọn những quyển dạy cách chăn nuôi heo để… đọc ké, ghi nhớ trong đầu rồi về nhà áp dụng liền. Mỗi ngày, tôi học một ít, không chỉ học “chui” cách chăm sóc mà còn xem cả cách điều trị khi heo bệnh, cho heo ăn gì để mau lớn, khỏe mạnh”, chị Loan chia sẻ. “Nhiều lần bị nhân viên nhà sách tỏ thái độ giận dữ vì cứ vào xem sách mà không mua nhưng tôi không ngại”, chị cười hiền khô thổ lộ.
Bà Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Trị, cho biết: Mỗi khi xã, huyện tổ chức các lớp khuyến nông, dạy cách chăn nuôi heo, chị Loan đều hăng hái tham gia. Với chị, kiến thức mình học được không bao giờ thừa cả, lúc này không áp dụng được thì khi khác ắt cần đến. Thế nên, dù công việc bận rộn, chị vẫn cố gắng sắp xếp để theo học các lớp khuyến nông. Không chỉ đến nghe giảng, đi tham quan thực tế, chị còn tranh thủ hỏi thêm cán bộ hướng dẫn về những tình huống thực tế gặp phải trong quá trình chăn nuôi nhưng chưa biết cách xử lý.
Từ những kiến thức đã học, áp dụng vào thực tế, chị Loan tích lũy được kinh nghiệm cho riêng mình. Việc chăn nuôi nhờ vậy cũng thuận lợi hơn. Chị nuôi thêm heo nái để gầy đàn. Những lúc heo thịt có giá, chị giữ lại heo con để nuôi lớn, còn không thì bán hết để chăm lứa mới. Nhờ vậy, gia đình chị khá giả lên, có điều kiện cho các con học hành đến nơi đến chốn.
NẮM CHẮC KỸ THUẬT
Một dạo, thấy heo thường xuyên bị bệnh, chị Loan tìm hiểu nguyên nhân thì biết rằng nếu cho heo ăn trong máng kiểu truyền thống, thức ăn không những dư thừa mà còn mất vệ sinh, dễ lây bệnh từ heo này qua heo khác. Tìm hiểu trên thị trường, chị bắt đầu mua hệ thống máng lắc về lắp đặt ở chuồng nuôi heo con và heo thịt. Với hệ thống này, chị đổ vào máng cám viên tổng hợp có trộn thêm thuốc bổ và thuốc chữa bệnh, heo đói lúc nào sẽ ăn lúc đó. Nhờ vậy, thức ăn ít hao hụt, chuồng nuôi sạch sẽ và heo cũng ít bệnh hơn. Riêng bầy heo nái mẹ, chị vẫn cho ăn thức ăn bình thường để tận dụng rau, môn và thức ăn thừa. Đối với khu vực nuôi này, chị thường xuyên vệ sinh chuồng, kịp thời cách ly khi heo có dấu hiệu bệnh để tránh lây lan.
Để nuôi heo đạt hiệu quả, chị Loan còn học cách chích ngừa rồi mua thuốc tự tiêm phòng cho vật nuôi của gia đình. Nhờ chủng ngừa đầy đủ, kịp thời, đúng theo quy trình nên heo chị Loan nuôi ít bị bệnh. Ngay cả thuốc ngừa bệnh tai xanh, chị cũng gửi mua từ TP Hồ Chí Minh về tiêm cho heo. Ngoài ra, chị còn thiến, bấm đuôi cho heo từ nhỏ nên heo của chị bán ra luôn có giá nhỉnh hơn giá thị trường. “Hiện giá heo thịt đang xuống nên gia đình tôi chỉ tập trung nuôi heo nái và heo con. Tôi vừa xuất bán một đàn heo con, trong chuồng giờ chỉ còn 25 con nái đang vào thời kỳ sinh sản. Với số heo nái này, mỗi năm có thể sinh sản gần 500 heo con” - Chị Loan cho biết.
Theo bà Trần Thị Hòa, chị Loan là một điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi ở địa phương và là một hội viên năng nổ. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp chị em trong xã có thêm kiến thức về chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Nhiều năm liền chị được Hội LHPN xã biểu dương về sản xuất giỏi, hỗ trợ các chị em khó khăn.
QUỐC HÙNG