Để phá tan âm mưu của chủ nghĩa đế quốc, các lực lượng phản động là “chia để trị”, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm chăm lo vun đắp tình đoàn kết giữa những người có đạo với người không theo đạo, giữa đồng bào theo các đạo khác nhau; giữa đồng bào các dân tộc, giữa miền ngược với miền xuôi... Theo Người, vấn đề tôn giáo, vấn đề dân tộc, trí thức vì nhiều lý do, là những vấn đề nhạy cảm nhất trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước ta.
Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương để thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Giữa những ngày mới giành được chính quyền, bộn bề công việc, Người đã dành thời gian đến dự bữa cơm chay do cố vấn Vĩnh Thụy tổ chức tại chùa Quán Sứ (17/10/1945), Người về Phát Diệm thăm Giám mục Lê Hữu Từ và hơn 100 linh mục xứ Ninh Bình...
Từ chiến khu Việt Bắc, Người viết thư cho sư cụ chùa Ngũ Xã (Ba Đình, Hà Nội) khuyên cụ tản cư theo kháng chiến; chỉ trong năm 1947 đã 4 lần viết thư cho Giám mục Lê Hữu Từ, trong đó có đoạn: “Tôi kính chúc cụ mọi sự lành để phụng sự Đức Chúa và để lãnh đạo đồng bào công giáo tham gia kháng chiến”.
Để bảo đảm đoàn kết tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phải có chính sách rõ ràng, bảo đảm tự do tín ngưỡng, thực sự tôn trọng việc theo đạo hay không theo đạo của mỗi người dân; Chính phủ tạo điều kiện cho họ, miễn là không ảnh hưởng đến việc chung, không vi phạm pháp luật. Người luôn tìm kiếm và phát huy tối đa sự tương đồng giữa các tôn giáo, khắc phục những khác biệt giữa vô thần và hữu thần, giữa Phật giáo và Công giáo. Nhận rõ vai trò, ảnh hưởng của hàng ngũ giáo sĩ chức sắc tôn giáo với đồng bào theo đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú ý nâng đỡ họ về mọi mặt, ra sức thu phục, thuyết phục, tạo mọi điều kiện để họ cùng với dân tộc tham gia kháng chiến, kiến quốc. Đối với những người do bị địch lợi dụng, hoặc do lầm đường, lạc lối mà có hành động chống lại cách mạng, chống lại nhân dân, thái độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức bao dung, độ lượng, tạo mọi điều kiện cho họ quay trở về trong lòng dân tộc.
Cùng với việc đoàn kết đồng bào theo đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đoàn kết đồng bào các dân tộc. Sau khi tuyên bố độc lập 3 tháng, ngày 3/12/1945, Người chỉ đạo tổ chức long trọng Hội nghị Đại biểu của hơn 20 dân tộc, tại Thủ đô Hà Nội. Người đã đến khai mạc và phát biểu căn dặn các đại biểu. Sau đó, ngày 14/4/1946, Người chủ trì phiên họp Chính phủ bàn việc lập Nha Dân tộc thiểu số - một cơ quan chuyên chăm lo vấn đề đoàn kết, phát triển, bình đẳng đối với các dân tộc thiểu số. Cùng thời gian này, khi biết tin khai mạc Đại hội các dân tộc thiểu số miền
Để đoàn kết với tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện chính sách thu hút nhân tài, thực sự quý trọng nhân tài; đặt họ vào giữa lòng dân tộc, không để địch chia rẽ, lôi kéo họ; tôi luyện họ thành những chiến sĩ cách mạng trung thành. Mọi người đều biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quý trọng, thân thiện như thế nào đối với các nhà khoa học thuộc lớp đầu đàn, những người đầu tiên đặt nền móng cho nền khoa học của nước nhà để phục vụ kháng chiến, kiến quốc. Đó là những người mà tên tuổi họ đã trở nên quen thuộc như: Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Lê Văn Thiêm, Ngụy Như Kon Tum, Phạm Ngọc Thạch... và rất nhiều người khác. Những bậc trí thức đầu đàn này vốn được đào tạo ở nước ngoài, có lòng yêu nước, được Chủ tịch Hồ Chí Minh dìu dắt và trọng dụng, đã trở thành những cán bộ cách mạng xuất sắc, tận tụy, tin cẩn. Họ là những tấm gương về người trí thức của nước Việt Nam mới, trung thành, tận tụy với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, không một âm mưu thủ đoạn nào của bọn đế quốc phản động có thể lôi kéo, chia rẽ khiến họ ly khai.
Trong thực tế, có những cá nhân hoặc nhóm trí thức, văn nghệ sĩ, thậm trí cả trong quan lại cũ chưa hoàn toàn tán thành chủ nghĩa cộng sản, nhưng có nhân cách, có tấm lòng yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẵn sàng bắt tay, hợp tác chân thành với họ vì việc đại nghĩa. Mối quan hệ thân thiết, gần gũi giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cụ Bùi Bằng Đoàn, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Phan Kế Toại, Linh mục Nguyễn Bá Tòng... là những mẫu mực ít có về những quan hệ dựa trên cơ sở chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn.
Trong đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, người trong tầng lớp trên các dân tộc miền núi, những chức sắc tôn giáo, những quan lại cũ... cũng có người, có lúc phạm sai lầm khuyết điểm, có lúc lầm đường. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những trường hợp này là ra sức thu phục nhân tâm: “Làm cho phần thiện trong người họ lớn hơn, phần ác mất dần” để họ trở về với cách mạng, không bao giờ Người có bất kỳ một cử chỉ nào khiến họ xa cách hơn với cách mạng. Năm 1946, thông tư cho Ủy ban Trung bộ về những điều cần chú ý khi giải quyết các trường hợp quan lại cũ đã đàn áp phong trào cách mạng trước đây, Người dặn: “Nếu không thấy dân oán hờn họ thì cứ để họ sống yên ổn, vì Chính phủ muốn để cho họ có cơ hội được giác ngộ, khiến họ tự giác tham gia phong trào kháng chiến, kiến quốc một cách thành thực và mong chuộc lại lỗi lầm”.
Ngay đối với những kẻ ngoan cố dấn thân vào con đường phản dân hại nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thực tâm thu phục đến cùng, lôi cuốn họ đến cùng, với tinh thần: “Thà rằng họ phụ cách mạng, chứ cách mạng không bao giờ phụ ai”. Tha chết cho Ngô Đình Diệm, tranh thủ, thuyết phục đến cùng Lê Hữu Từ, thành tâm hợp tác đến giờ chót với Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam. Bọn họ sau này khi đã đứng bên kia chiến tuyến chống lại cách mạng, chống lại nhân dân... cũng không hề dám có một lời nào xúc phạm đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tấm lòng Bác Hồ đối với tôn giáo, đồng bào các dân tộc và trí thức vô cùng bao la, vĩ đại. Tư tưởng, tình cảm và đạo đức của Người chứa đựng chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn sâu sắc. Dưới ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc của Người, toàn thể dân tộc Việt
TÔ PHƯƠNG