Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định sức mạnh vô địch của nhân dân trong bảo vệ an ninh trật tự là yếu tố quyết định sự thắng bại của cuộc đấu tranh. Người tin tưởng sâu sắc, tìm mọi cách để phát huy sức mạnh đó và luôn luôn khuyên công an phải dựa vào sức mạnh to lớn của toàn dân.
Công an và đại diện đoàn thể, nhân dân bàn phương án giữ gìn an ninh - trật tự. - Ảnh: C.T.V
Theo Người, sức mạnh của nhân dân, trước hết được quyết định bởi số lượng tuyệt đối đông. Người từng so sánh: “Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm, bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có năm vạn cặp mắt, năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được”.
Lực lượng đông đảo tuyệt đối đó lại được bố trí một cách tự nhiên ở khắp nơi. Tất cả những nơi mà tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra, nói chung đều có mặt nhân dân. Khi nhân dân được giáo dục đề cao cảnh giác, tích cực và nhiệt tình đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự thì khó có một hành vi phạm tội nào có thể lọt qua được sự giám sát của toàn dân.
Dưới chế độ ta, vượt lên trên số lượng đông tuyệt đối đó, sức mạnh của nhân dân còn thể hiện ở nội dung, chất lượng về tinh thần làm chủ, ý thức cảnh giác cách mạng của những chủ nhân đất nước, chủ thể của nền an ninh trật tự. Chủ tịch Hồ Chí Minh ví yếu tố chất lượng này như một bức tường thành bao quanh Tổ quốc, như lưới trời lồng lộng “thiên la địa võng” không kẻ địch nào có thể trốn thoát. Theo Người, nguồn gốc để tạo nên sức mạnh đó là vì an ninh trật tự không những là vấn đề hệ trọng của đất nước mà còn là vấn đề liên quan trực tiếp, thường xuyên đến đời sống hằng ngày của mọi người dân. Nhân dân bảo vệ an ninh trật tự là bảo vệ cuộc sống của chính mình, có giữ được trật tự an ninh thì nhân dân mới an cư lạc nghiệp, đất nước mới ổn định, phát triển.
Theo Người: Tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp phải vận động, tổ chức và tạo điều kiện cho nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự.
Mục đích của việc tuyên truyền giáo dục là “làm cho mỗi người dân hiểu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thì sẽ có hàng triệu người làm tai, làm mắt giúp công an”, làm sao để “tất cả công nhân và nông dân phải tỉnh táo, phải lấy mình làm bức tường để bảo vệ chính quyền công nông”, “làm cho mọi người hiểu rõ phòng gian là nhiệm vụ chung của công dân, là một việc ái quốc”.
Nội dung tuyên truyền giáo dục bảo vệ an ninh, trật tự bao gồm nhiều vấn đề, nhưng chung quy lại là cốt làm sao cho nhân dân hiểu rằng “công việc giữ gìn an ninh, trật tự là của họ” và do đó, để họ “nhiệt tình tự nguyện giúp đỡ công an”, làm sao cho họ biết cách cùng với cơ quan công an giữ an ninh, trật tự, “nói cho địch là phải nói dối, nói cho ta thì nói thật”, biết cách “giấu địch” và biết cách “bảo vệ ta”. Người từng nhắc nhở chúng ta việc lựa chọn nội dung tuyên truyền giáo dục, việc đề ra nhiệm vụ nhân dân bảo vệ an ninh, trật tự phải phù hợp với trình độ và sức lực thì nhân dân mới hiểu và làm được, mới phát huy được óc sáng kiến, tài sáng tạo.
Công an phải dựa vào nhân dân, nhân dân phải giúp đỡ công an, tạo thành mạng lưới công an - nhân dân.
Đây là một nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh đối với công an nhân dân. Tại sao công an phải dựa vào dân? Người giải thích: Chính quyền ta là chính quyền dân chủ, từ việc to đến việc nhỏ đều phải dựa vào dân, việc giữ gìn an ninh, trật tự là việc của công an, của quân đội, nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ của toàn dân. Vì thế, nhân dân có trách nhiệm phải giúp đỡ công an trong mọi công việc phòng gian, trừ gian. Thực hiện được sự kết hợp hai chiều ấy, tức ta có “mạng lưới công an - nhân dân”. Người viết: Phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn.
Trên tất cả các mặt hoạt động để bảo vệ an ninh, trật tự, công an đều phải dựa vào dân, không dựa được vào dân, không được dân giúp đỡ thì nhất định thất bại. Ngay trong hoạt động tình báo - là một hoạt động nghiệp vụ có tính chất chuyên biệt - cũng phải dựa vào dân. Người tình báo hoạt động đơn độc trong lòng địch, trên đất đối phương, phải sắm những vai khác với con người thật của họ, tiếp xúc với nhiều loại người, càng phải dựa vào dân. Người từng nói: Tình báo cũng như mọi việc khác, phải dựa vào dân. Tai mắt của người tình báo có hạn, nhân dân có hàng chục triệu tai mắt, việc gì họ cũng có thể nghe, có thể thấy, có thể biết. Vì vậy, người tình báo phải cố gắng làm thế nào cho dân giúp sức, thì sẽ thành công to.
Để dựa được vào dân và được dân giúp đỡ, theo Người, cán bộ, chiến sĩ công an “phải được lòng dân”. Người nói: Ta được lòng dân, ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì không thể làm tốt công tác. Làm thế nào để được lòng dân? Người cho rằng, phải thực sự giúp đỡ nhân dân trong mọi công việc; “phải khéo”, khéo đây không phải là cái lối khéo bề ngoài, mà khéo có nghĩa là phải thực sự trung thành, tôn kính, thương yêu dân, làm công an thì phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Người giải thích thêm: Nếu trong công tác, các cô, các chú được dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định các cô, các chú thành công. Muốn được như vậy cũng phải trau dồi đạo đức cách mạng, cũng phải chống chủ nghĩa cá nhân. Không được xa rời dân, quan liêu cách bức dân, xa rời dân thì việc giữ gìn an ninh, trật tự không thể thành công, thậm chí thất bại.
TÔ PHƯƠNG