Đó là ông Bàn Nguyên Thành (SN 1968), người dân tộc Dao, là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Tân Bình, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh). Nhiệt tình trong công tác xã hội và lao động sản xuất giỏi, ông được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc tặng bằng khen tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần 3 năm 2019.
Ông Bàn Nguyên Thành (bìa phải) được Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn trao bằng khen. Ảnh: MINH DUYÊN |
Ông Bàn Nguyên Thành nhớ lại: Năm 1993, tôi cùng gia đình tới xã Ea Ly lập nghiệp. Cuộc sống gia đình tôi lúc đó chủ yếu dựa vào cây lúa, củ sắn và chăn nuôi gia cầm nên túng thiếu triền miên. Tôi nhận thấy, nếu cứ sản xuất manh mún thì mãi nghèo, muốn thay đổi phải đầu tư trồng cây công nghiệp, cây lâu năm.
Theo ông Nguyễn Minh Gia Nho, Chủ tịch UBND xã Ea Ly, việc linh hoạt trong sản xuất, tiếp cận kịp thời với cây trồng mới đáp ứng yêu cầu thị trường và không ngừng áp dụng khoa học kỹ thuật đã giúp ông Bàn Nguyên Thành vươn lên làm giàu. Tấm gương của ông Thành cần được nhân rộng để khuyến khích đồng bào nỗ lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. |
Năm 2002, có dự án cao su tiểu điền, tôi mạnh dạn tham gia. Gia đình tôi dồn toàn bộ vốn có được mua đất, giống trồng 5ha cao su. Làm nông nghiệp nhiều rủi ro, bản thân tôi lúc đó không dám chắc cây cao su có giúp gia đình tôi đổi đời không, nhưng tôi vẫn muốn làm để tìm kiếm cơ hội và kinh nghiệm. Tôi đã tính trong trường hợp thất bại, gia đình vẫn có đủ gạo ăn, có sắn bán và chăn nuôi duy trì sinh hoạt vì tôi thực hiện đa canh lấy ngắn nuôi dài. 5 năm sau, khi cao su bắt đầu cho mủ cũng là lúc giá trên thị trường cao nên gia đình tôi vượt qua khó khăn có thu nhập ổn định. Mô hình của gia đình tôi còn tạo việc làm cho 5 lao động thời vụ với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng.
Làm kinh tế giỏi, ông Bàn Nguyên Thành được bà con trong thôn bầu làm bí thư chi bộ, trưởng thôn. Trên cương vị này, ông tích cực hơn trong việc giúp người nghèo khó cách làm kinh tế sao cho hiệu quả. Tại các buổi họp thôn, ông luôn vận động đồng bào thực hiên tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như chấp hành nội quy, hương ước của thôn. Theo bà Nguyễn Thị Dung ở xã Ea Ly, ông Thành chịu khó tìm tòi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đạt hiệu quả kinh tế cao. Ông cũng gần gũi, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với bà con trong thôn. Mọi người có gì vướng mắc ông đều tận tình giải đáp.
Không dừng lại ở đó, qua tìm hiểu thực tế ông thấy từ năm 2016 đến nay giá cao su có chiều hướng đi xuống. Cây keo lai và cây ăn trái được ưa chuộng nên từ đầu năm 2019 ông trồng thêm 0,5ha sầu riêng và 2,3ha keo lai. Ông Thành cho biết thêm: Nhu cầu trên thị trường quyết định thành công của mô hình kinh tế, nếu chỉ trồng một loại cây thì bấp bênh nên tôi thường xuyên tìm hiểu thị trường, thay đổi kịp thời cây trồng, vật nuôi. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình tôi luôn ở mức ổn định với 150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
HẢI PHONG