Thứ Hai, 23/12/2024 00:38 SA
Bán bằng tấm lòng, mua bằng nụ cười hạnh phúc
Thứ Bảy, 12/10/2019 10:47 SA

Ông Đính và cháu Quỳnh đợi khách đến “mua” hàng. Ảnh: THU THỦY

Ăn xong bữa cơm trưa tại quán chay miễn phí Tâm An, người phụ nữ tên Thoa bước qua cửa hàng 0 đồng bên cạnh, lựa 2 chiếc áo cho mình, bộ đồ học sinh và ít cuốn sách cho cháu. Nụ cười an vui xuất hiện trên khuôn mặt có phần khắc khổ của chị. Có lẽ chị thấu cảm được những chia sẻ của cộng đồng dành cho mình và những người đồng cảnh ngộ.

 

Chừng 4 tháng qua, TP Tuy Hòa xuất hiện 2 cửa hàng 0 đồng, nơi làm cầu nối giữa cho và nhận không chút tính toán bán buôn. Cửa hàng 0 đồng chính là nơi mà mọi nguồn hảo tâm biết đến, trao gửi tấm lòng, để từ đó lan tỏa niềm vui tới không chỉ người trong thành phố, mà cả những chuyến xe tới vùng sâu, vùng xa.

 

Giá mua, giá bán đều 0 đồng

 

Sáng 6 giờ, cửa hàng 0 đồng 57 Nguyễn Công Trứ tại nhà ông Nguyễn Ngọc Đính (62 tuổi) đã mở cửa đón khách đến lấy hàng và nhận hàng từ người cho. Anh Lê Ngọc Văn, sống tại phường 4, TP Tuy Hòa loay hoay lựa cho mình mấy chiếc quần, vui vẻ nói: “Tôi tranh thủ đến đây sớm rồi còn về đi làm. Tôi hay đến đây chọn quần áo mang về cho mình và con cháu. Tôi làm thuê bữa được bữa mất nên cuộc sống khó khăn, đâu dám nghĩ đến việc mua sắm. Mùa nắng, mùa mưa đến đây tôi đều chọn được những chiếc áo, chiếc quần phù hợp”.

 

Còn cháu Nguyễn Ngọc Long (phường 6) thì tìm trong đống sách vở để chọn quyển mình cần. Cầm 2 quyển sách tham khảo trên tay, Long đưa cho cô bé tên Quỳnh, cô bé trông coi cửa hàng cùng ông ngoại, bỏ vào bì ni lông rồi cảm ơn ra về. Long cho biết, nhà em nghèo, bố mẹ mất, em đang sống cùng ông bà nội già yếu. Thi thoảng em ghé cửa hàng chọn quần áo và các thứ mình cần.

 

Lo cho khách xong, ông Đính cùng cháu ngoại sắp xếp đồ đạc cho gọn và loại những đồ không sử dụng được bỏ ra. Chỉ tay vào dãy móc quần áo có hàng loạt bộ đồng phục học sinh còn rất tốt, ông nói: “Thấy tôi mở cửa hàng 0 đồng, nhiều người biết được đã về nhà lục tìm áo quần cũ đem đến tặng. Trước khai giảng năm học mới, mấy chục người đã đến đây lấy đồng phục học trò về cho con em mặc”.

 

Tầm một tiếng sau đó, có hai người chở đồ tới đưa cho Quỳnh. Họ đi nhanh và hẹn vài ngày nữa sẽ tiếp tục mang quần áo đến. Tôi kịp hỏi họ một câu về việc làm của mình thì nhận được câu trả lời: “Chúng tôi ngoài việc mang quần áo cũ của gia đình mình, còn đi gom từ người thân, bạn bè, quanh xóm… để ai cần thì họ dùng”.

 

Cửa hàng 0 đồng tại 27 Huỳnh Thúc Kháng cạnh quán chay miễn phí Tâm An mở cửa muộn hơn, song cảnh “mua”, “bán” ở đây khá tấp nập do các bạn trẻ quản lý. Tầm 8-9 giờ, cửa hàng nhận rất nhiều đồ từ quần áo, sách vở, các loại đồ chơi cho trẻ con… Tầm 10-11 giờ là thời điểm cửa hàng “bán” đắt đồ nhất khi khách hàng là những người nghèo khổ, làm thuê làm mướn, chạy xe ôm hay những cụ già mất sức lao động… đến dùng cơm chay miễn phí quán bên cạnh, sau đó đến chọn đồ. Chị Lê Thị Thoa ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa, cho rằng: “4 tháng nay, hễ ghé ăn cơm xong là tôi đều qua cửa hàng. Lúc chọn cho mình, cho con cháu, lúc thì chọn giúp mấy chị cùng đi hay các cụ già. Tôi rất biết ơn khi các cháu CLB Đom Đóm Phú Yên đã có việc làm ý nghĩa này”.

 

Hầu như bất cứ nhu yếu phẩm nào, cửa hàng này cũng “bán”, chỉ có điều, chủ sạp bán bằng tấm lòng, người mua trả bằng nụ cười hạnh phúc. Hàng ngày, cửa hàng có từ 4-5 tình nguyện viên túc trực ở đây để hỗ trợ người thiếu thốn. Bởi thế, nơi đây lúc nào cũng nhộn nhịp, tiếng người cho, người nhận, và cả những nụ cười hạnh phúc.

 

Nếu như cửa hàng của ông Đính mở tất cả các ngày trong tuần thì cửa hàng do các bạn trẻ CLB Đom Đóm Phú Yên phụ trách mở từ 8-12 giờ mỗi ngày và mỗi tuần từ thứ hai đến thứ sáu (theo giờ phục vụ của quán chay Tâm An).

 

Khách đến lựa quần áo tại cửa hàng 0 đồng 27 Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: THU THỦY

 

Ý nghĩa nhân sinh

 

Chị Lê Thị Phấn (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) cứ vài ngày là chở quần áo đến cửa hàng 0 đồng 27 Huỳnh Thúc Kháng. Chị luôn cảm thấy vui khi biết cách cho đi từ những việc nhỏ. Còn các bạn trẻ làm cầu nối thì luôn vui vẻ, ân cần với các cô chú đến nhận, để họ không mặc cảm khi nhận.

 

Anh Lê Thoại Kỳ, Chủ nhiệm CLB Đom Đóm Phú Yên (Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên), chia sẻ: “Trong cuộc sống bộn bề, với nhiều khó khăn xung quanh, việc ra đời cửa hàng 0 đồng là một việc làm nhân văn nhiều ý nghĩa. Hơn 4 tháng qua, cửa hàng 0 đồng của chúng tôi đã giúp hàng trăm người nghèo khó có thêm những bộ quần áo lành lặn và một số vật dụng thiết yếu. Đồng thời cũng là nơi nhân lên những tấm lòng nhân ái, thắp lên những niềm tin cho những người không may mắn”.

 

Trở lại câu chuyện ông Đính và cháu ngoại của mình. Ông Đính bảo cháu gái ông cũng rất vui, vì bản thân Quỳnh khuyết tật nhưng đã giúp được ông ngoại nhiều việc ở cửa hàng 0 đồng. Ông cũng muốn qua cửa hàng này để giáo dục cháu mình biết quan tâm giúp đỡ mọi người.

 

Tôi hỏi sao không cho người thuê mặt bằng để kiếm tiền trang trải cuộc sống, người đàn ông tuổi 62 làm thuê nuôi cháu khuyết tật, cười xòa: “Tôi chạy xe ôm và vận chuyển hàng thuê cho các hàng quán gần nhà. Cháu Quỳnh đang hưởng chế độ trợ cấp khuyết tật 600.000 đồng/tháng. Ông cháu có gì ăn nấy. Buổi trưa thì đi ăn cơm chay miễn phí của các quán từ thiện. Các bữa còn lại thì ông cháu ăn đơn giản. Thấy các cháu làm rất nhiều việc tốt cho xã hội nên tôi cũng đóng góp những gì mình có thể”.

 

Ông Đính cho biết, trước đây ông tham gia thanh niên xung phong, sau chuyển sang làm việc tại một số đơn vị nhà nước ở Phú Yên. Năm 1991, ông nghỉ việc theo chế độ trợ cấp một lần. Vợ ông đã mất hơn 10 năm do bệnh ung thư. Tiếp đó, cô con gái duy nhất cũng bỏ đi làm thuê rồi mất liên lạc, để lại ông đứa cháu ngoại khuyết tật Nguyễn Khánh Quỳnh (hay còn gọi là Trâm Quỳnh 13 tuổi) đang mắc bệnh bại não, câm điếc bẩm sinh.

 

Trong lúc chạy xe ôm, ông thấy có người đi quyên góp áo quần, đồ dùng cũ rồi đem tặng lại những người nghèo khó nên ông nghĩ ngay đến việc lấy nhà mình làm cầu nối giữa cho và nhận. Ông rất vui vì nhiều người ủng hộ cửa hàng “ai thiếu đến lấy, ai dư đến cho” này… Việc làm của ông cho thấy, đâu cần phải dư dả mới có thể giúp đỡ những mảnh đời nghèo khó, bất trắc.

  

DƯƠNG THU THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek