“Công việc này đòi hỏi phải chịu khó, nếu không yêu nghề, không thương bệnh nhân thì không hoàn thành tốt nhiệm vụ. Một câu nói nhẹ nhàng có thể an ủi bệnh nhân, một câu nói không phù hợp sẽ làm họ thêm lo lắng. Cho nên phải nhẹ nhàng với bệnh nhân và không nề hà chuyện đi sớm về muộn”, anh Đàm Ngọc Rồng, Điều dưỡng Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên chia sẻ.
Anh Rồng sinh năm 1973, quê ở Bàn Nham Bắc, xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa), từng học tại Trường trung học Y tế Phú Yên (nay là Trường cao đẳng Y tế Phú Yên). “Đi học rồi, mình nhận ra hoạt động điều dưỡng rất cần cho người bệnh, và sự thành công trong điều trị của các bác sĩ đều có đóng góp của điều dưỡng”, anh nói. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp, anh Rồng bắt đầu làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.
Bước vào nghề, anh Rồng có 2 năm làm việc tại Khoa Phẫu thuật Gây mê - Hồi sức rồi được chuyển sang Khoa Ngoại chấn thương và gắn bó với nơi này trong thời gian khá dài. Bệnh nhân đông, và khi đã bị thương tích, đau đớn thì cách hành xử của nhiều người sẽ không như lúc bình thường. Anh Rồng chuyên chăm sóc bệnh nhân bỏng; công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và rất vất vả. “Mình không nề hà chuyện đi sớm về muộn. Đêm khuya, bệnh nhân cần thì mình có mặt. Công việc này cực nhưng khi đã làm xong, bệnh nhân khỏe lên thì mình vui hẳn lên”, anh chia sẻ.
Sau 9 năm trong nghề, anh Rồng ra Huế học cử nhân điều dưỡng tại Trường đại học Y Dược Huế. Năm 2013, anh tốt nghiệp và tiếp tục công việc mà mình đã đặt vào đó tình yêu. Cũng trong năm 2013, anh được chuyển đến Phòng Cấp cứu lưu (tiền thân của Khoa Cấp cứu hiện nay), làm việc tại nơi “đầu sóng ngọn gió” của bệnh viện. Bệnh nhân thuộc đủ thành phần trong xã hội, nhiều người được đưa vào cấp cứu khi không có người nhà. Những ngày lễ, Tết, số lượng bệnh nhân cấp cứu thường tăng lên do tai nạn giao thông. Công việc ở đây không chỉ vất vả mà còn rất áp lực.
Theo anh Rồng, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, người điều dưỡng phải yêu nghề, chịu khó, thậm chí chịu đựng và thương bệnh nhân. “Từ thực tế công việc trong nhiều năm qua, tôi nhận ra điều đó chứ không phải là nói lý thuyết. Bệnh nhân cần điều dưỡng. Một câu nói nhẹ nhàng có thể an ủi bệnh nhân, một câu nói không phù hợp sẽ làm họ thêm lo lắng. Yêu nghề và vì bệnh viện nên anh chị em điều dưỡng đều cố gắng”, anh Rồng nói.
Năm 2019, anh Rồng được chuyển đến Khoa Khám bệnh với vị trí Điều dưỡng Trưởng khoa. Làm việc tại đây, mỗi ngày điều dưỡng tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân. Có những ngày, Khoa Khám bệnh đón 900-1.000 bệnh nhân đến khám với nhiều bệnh cảnh thuộc các chuyên khoa: Truyền nhiễm, Nội, Ngoại, Ung bướu… Bộ phận tiếp đón phải có mặt từ 6 giờ 30 để tiếp đón, nhập thông tin bệnh nhân và chuyển tới các bàn khám. Đến 7 giờ, bác sĩ có danh sách bệnh nhân và bắt đầu khám bệnh. Khoa có 13 điều dưỡng, anh Rồng là điều dưỡng nam duy nhất.
Chị Đào Mỹ Diễm Kiều, Trưởng Phòng Điều dưỡng, cảm nhận: “Anh Rồng khá chu đáo, chu toàn trong công việc, nhất là trong bối cảnh Khoa Khám bệnh thiếu người. Anh làm lâu năm nên vững vàng về chuyên môn, ôn hòa, mềm mỏng trong giải quyết công việc”. “Được bổ nhiệm Điều dưỡng Trưởng khoa ở một khoa “đầu sóng ngọn gió” của bệnh viện, anh Rồng điều hành tốt công việc của hệ điều dưỡng ở đây, từ khâu đón tiếp bệnh nhân tới phân luồng khám bệnh cho các bàn khám. Anh Rồng nhiệt tình, có trách nhiệm trong công việc. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn, anh đã vượt lên những khó khăn đó để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, bác sĩ Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, nhận xét.
NGỌC LAN