Chủ Nhật, 22/12/2024 19:49 CH
Ông Phong làm giàu từ nông nghiệp
Thứ Bảy, 07/09/2019 10:10 SA

Ông Phong (bên phải) hướng dẫn công nhân cách kiểm tra lấy mật ong

Từ bỏ công việc ở một ngân hàng, ông Đàm Ngọc Phong (SN 1972) dấn thân vào sản xuất nông nghiệp để tìm cơ hội làm giàu. Sau gần 10 năm kiên trì theo đuổi, đến nay ông đã đạt được những thành công nhất định.

 

Nghỉ việc ngân hàng về nuôi gà nòi

 

Sinh ra và lớn lên tại TP Tuy Hòa, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Phong làm việc cho một ngân hàng tại tỉnh Bình Định, sau đó được điều chuyển về Phú Yên. Sau nhiều năm làm trong ngành này, ông Phong nhận thấy làm nhân viên ngân hàng có thu nhập ổn định nhưng rất khó giàu.

 

Bình quân mỗi năm, ông Phong có thu nhập khoảng 600 triệu đồng từ trang trại. Với những kết quả đạt được, mới đây ông được tuyên dương Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của TP Tuy Hòa.

Đồng thời, trong nhiều lần theo bạn bè về quê ở xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) chơi, ông thấy đất đai ở đây rộng, đường đi thuận tiện, khí hậu lại trong lành nên nảy sinh ý định làm trang trại. Năm 2009, ông quyết định nghỉ việc, mua 5ha đất ở thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến để trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Trên diện tích đất này, ông trồng keo và xây khu trại chăn nuôi gà nòi.

 

Ông Phong cho biết: Sở dĩ tôi chọn nuôi gà nòi vì giống gà này có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh lại có giá trị kinh tế cao. Toàn bộ giống tôi chọn mua ở địa phương và nhập về từ một số vùng khác. Để chủ động nhân đàn, tôi mua hẳn máy ấp trứng, toàn bộ đàn gà sinh sản được giữ lại làm giống. Sau nhiều năm gầy dựng, đến nay đàn gà đã ổn định từ 1.000-2.000 con/lứa (tùy vào thời điểm). Bình quân mỗi năm tôi xuất bán khoảng 3.000 con. Trong đó, gà mái thì bán thịt với giá từ 100.000-120.000 đồng/kg, còn gà trống thì bán xô với mức giá dao động từ 600.000-700.000 đồng/con, mang lại thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm.

 

Theo ông Phong, để nuôi gà đạt hiệu quả ông đã học hỏi kinh nghiệm từ rất nhiều hộ chuyên nuôi gà nòi ở các địa phương, sau đó tự đúc kết kinh nghiệm cho bản thân. Thuận lợi nhất là ông có đất đai rộng lớn, cách xa khu dân cư, không khí luôn trong lành. Gà lại được nuôi dưới tán rừng mát mẻ quanh năm nên phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh.

 

Mở rộng diện tích trang trại

 

Vài năm sau, ông Phong tiếp tục mua thêm đất mở rộng trang trại lên 9ha. Ngoài 5ha trồng keo, ông còn quy hoạch trồng nhiều loại cây ăn quả như mãng cầu dai, ổi, mít Thái, lê Đài Loan... trên diện tích đất còn lại. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, ông Phong còn đầu tư nuôi ong lấy mật.

 

Ông Phong cho hay: Sở dĩ tôi nảy ra ý định này là vì nhận thấy, nhu cầu tiêu thụ mật ong ngày một tăng cao. Trong khi đó, xã Hòa Kiến lại là vùng chuyên canh nông nghiệp với nhiều diện tích trồng hoa màu, đa dạng loại cây là nguồn thức ăn dồi dào cho đàn ong.

 

Chính vì vậy, tôi ra huyện Đồng Xuân mua về 70 thùng ong lỗ (ong ruồi lai) với giá 1,3 triệu đồng/thùng để nuôi. Tôi chọn vị trí cao ráo, thoáng mát dưới tán cây để đặt các thùng ong đảm bảo không bị kiến, sâu bọ đục phá để bảo vệ tổ. Hàng ngày, đàn ong tự đi tìm thức ăn và chủ động quay về tổ làm mật. Nếu môi trường sống ổn định, thức ăn dồi dào thì đàn ong sẽ không đi mất.

 

Vì vậy vào mùa khô hạn, khi lượng hoa trong vùng giảm, tôi phải mua thêm phấn hoa bắp bổ sung thức ăn cho ong để giữ đàn. Trong năm, từ tháng Chạp đến tháng 4 âm lịch là mùa ong cho mật vì thời gian này cây cối ra hoa kết trái nhiều, lượng thức ăn cho ong dồi dào nên ong no, cho mật đều đặn.

 

Vào mùa này, cứ khoảng 3-4 tuần sẽ thu hoạch mật 1 lần. Đặc biệt, với bán kính di chuyển đi ăn khoảng 3km, đàn ong nhà tôi không chỉ hút mật hoa trong vườn keo mà còn tìm thức ăn từ các rẫy bắp, đu đủ, bầu, bí... trong vùng nên cho chất lượng mật rất tốt, tương tự như mật ong rừng tự nhiên, rất được thị trường ưa chuộng.

 

Cũng theo ông Phong, nếu đàn ong sinh sôi nhiều, tổ ong trở nên chật dễ khiến ong tự tách đàn đi mất nên phải theo dõi thường xuyên để can thiệp kịp thời. Ông Phong đang áp dụng phương pháp tạo ụ chứa để tách, nhân đàn ong. Trong mỗi tổ ong gồm có 3 loại ong chúa, ong đực và ong thợ; khi tách đàn, tạo tổ mới cũng phải tuân thủ nguyên tắc này. Mỗi ụ chứa mới tách phải có đủ ong chúa, ong đực và ong thợ để đảm bảo cho việc sinh sản, nhân giống và tạo mật. “Mỗi năm tôi thu hoạch khoảng 5 lứa mật, mỗi lứa từ 120-150 lít mật, bán với giá 400.000 đồng/lít, đem lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Hiện tôi đang xây dựng thương hiệu và mở đại lý tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh. Chất lượng mật tốt, giá cả hợp lý nên thị trường rất chuộng, không đủ mật để cung cấp”, ông Phong nói.

 

Ngoài ra, với vị thế trang trại cao ráo nên vào các tháng mùa mưa, khi nhiều diện tích của người dân xã Hòa Kiến bị ngập không canh tác được thì ông Phong đầu tư trồng các loại hoa màu như khổ qua, bầu, bí, ớt... để tăng nguồn thu. Bình quân mỗi năm, ông Phong có thu nhập khoảng 600 triệu đồng từ trang trại.

 

Chủ tịch UBND xã Hòa Kiến Tô Văn Toản cho biết: Ông Đàm Ngọc Phong là người đầu tiên đưa mô hình nuôi gà nòi quy mô lớn và nuôi ong lấy mật về địa phương. Hiện mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, có đầu ra ổn định, tạo được việc làm cho một số lao động địa phương. Sắp tới, xã sẽ phối hợp với ông Phong nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật cho bà con trong vùng học tập. Với những kết quả đạt được, mới đây ông được tuyên dương Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của TP Tuy Hòa.

 

THỦY TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek