Chủ Nhật, 29/09/2024 13:29 CH
Vợ chồng nghèo kiếm tiền đổi chữ cho con
Thứ Sáu, 25/01/2019 07:01 SA

Ông Nguyễn Văn Lâm chăm chỉ làm việc với mong muốn kiếm tiền đổi chữ cho con - Ảnh: THÁI HÀ

Mồ côi cha mẹ, mấy mươi năm trước, chàng thanh niên chuyên nhảy tàu bán thuốc lá mưu sinh gặp cô hàng trà đá trên chuyến tàu Bắc - Nam rồi thành duyên nợ. Cả hai vợ chồng đều mù chữ nên ước mơ cháy bỏng của vợ chồng ông Nguyễn Văn Lâm và bà Bùi Thị Hoa (phường 2, TP Tuy Hòa) là dù khó khăn đến đâu, cũng phải kiếm được cái chữ cho con.

 

1. Ông Lâm người quê gốc Tuy Phước, Bình Định, sau khi bỏ việc nhảy tàu buôn bán, ông lấy vợ ở phường 2, TP Tuy Hòa và hiện mưu sinh bằng nghề bán đồ cổ, sửa mũ bảo hiểm, ép dẻo trên đường Nguyễn Tất Thành, gần Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung. Nơi làm việc của ông là một khoảnh nhỏ trên vỉa hè bên một chiếc xe máy cọc cạch, chắp vá. Tuy vậy, địa chỉ này lúc nào cũng có khách. Người ta đến ủng hộ phần vì ông Lâm làm việc kỹ càng, chỉn chu, giá rẻ; phần vì người ta mến ông vui tánh, hiền lành. Ít ai biết, đằng sau khuôn mặt hiền hậu, vui vẻ ấy là một tuổi thơ cơ cực.

 

Theo lời ông Lâm, ông là đứa trẻ mồ côi nên từ nhỏ đã phải ra đường để kiếm cơm bỏ bụng. Để đổi lấy cái ăn, ông làm tất cả những nghề có thể làm được, từ chăn bò, phụ quán, hàn dép, hàn xoong nồi đến nhảy tàu bán hàng rong. Ngày ngày, ông bươn chải kiếm miếng ăn, chẳng có cơ hội đến trường.

 

Năm 20 tuổi, khi nhảy tàu vào Phú Yên, ông gặp bà Hoa bán trà đá và hai người thành vợ chồng. Vợ là con lớn trong gia đình nên hai vợ chồng phải làm việc để nuôi một đàn em nhỏ. Có gia đình, không thể mãi nhảy tàu nên ông Lâm chuyển sang bán vé số. Cuộc sống thêm khó khăn khi những đứa con ra đời. Đồng tiền từ bán vé số ít ỏi không đủ nuôi gia đình, ông Lâm chuyển sang làm bạn với nghề biển. Sau mỗi chuyến đi cả tháng, ông lại về, nghỉ ngơi vài ngày rồi đi tiếp kiếm tiền trang trải cuộc sống. Khi sức khỏe không còn đủ cho công việc biển giã nặng nhọc, ông Lâm chuyển sang làm công việc sửa nón bảo hiểm, ép dẻo các loại giấy tờ.

 

Hàng ngày, ông dọn hàng từ sáng sớm, đến tối mịt mới về. Bà Hoa phụ chồng bằng công việc mua bán lặt vặt trong xóm. Khi ông làm việc, một chiếc máy catset nhỏ luôn ở bên cạnh để bầu bạn và cũng để có thêm hiểu biết. “Tôi cả đời không biết chữ, không được học cách dạy làm người từ sách vở mà chỉ biết lăn lộn và học từ chính cuộc sống. Vì vậy, ước mơ cháy bỏng của vợ chồng tôi là có thể làm việc để cho con được học hành tử tế, không phải khổ như cha mẹ chúng”.

 

2. Vợ chồng ông Lâm có 3 người con. Điều ông vui nhất là dù cha mẹ không biết chữ nhưng các con được đến trường, học hành và có được việc làm ổn định.

 

Đứa con đầu của ông Lâm sau khi học ngành trắc địa Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, làm việc cho Tập đoàn Hải Thạch. Đứa thứ hai học hệ trung cấp xây dựng Trường đại học Xây dựng Miền Trung được đưa sang Nhật làm việc một thời gian, hiện sinh sống ở TP Hồ Chí Minh. Đứa con út đang vào cấp 3… Những điều đó, đối với nhiều người là bình thường nhưng với vợ chồng ông Lâm là đáng để tự hào.

 

Ông chia sẻ: “Cả tôi và vợ đều không được học hành nên phải bươn chải đủ nghề để kiếm sống. Có những lúc con ham chơi, lười học, tôi rất buồn. Tôi phải đến năn nỉ thầy cô cho con mình thêm cơ hội, tôi khóc với con và khóc hàng đêm khi nghĩ về cuộc đời mình, vì tôi biết, có thể trong phút bốc đồng của tuổi trẻ, con cái không biết được giá trị của sự học hành sẽ hư hỏng. Phước nhà, sau đó, các con hiểu được, trở lại học hành, ra trường kiếm được công việc ổn định. Với tôi, thấm thía cuộc đời một đứa trẻ mồ côi, lớn lên như cỏ cây, có được một gia đình và các con học hành tử tế là điều làm tôi thấy mãn nguyện”.

 

Anh Phạm Đình Tuyên, hàng xóm của ông Lâm, cho biết: “Vợ chồng ông Lâm là những người lao động bình dân nhưng rất quan tâm chuyện học hành của con, có khi cãi nhau to tiếng cũng vì chuyện dạy con. Nhờ vậy mà giờ đây, ba đứa con của ông đều học hành bài bản, ra trường có việc làm. Gia đình ông Lâm bà Hoa sống với xóm làng rất chan hòa”.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek