Chủ Nhật, 29/09/2024 13:32 CH
Người “đồng đội” của chiến sĩ biên phòng
Thứ Bảy, 19/01/2019 08:53 SA

Mười Truyền luôn coi việc giữ biển như giữ “nồi cơm” nhà mình - Ảnh: PHƯƠNG OANH

Có một ngư dân, nhiều lần chủ động đề nghị bộ đội Biên phòng (BĐBP) dùng chiếc tàu cá của mình ngụy trang để đi truy đuổi, vây bắt những đối tượng sử dụng chất nổ đánh cá; hay tạm gác việc gia đình, bỏ lại sau lưng mối âu lo hiểm nguy trước sóng to, gió lớn mùa biển động, sẵn sàng lái tàu đi đến nơi có sự cố nguy biến để cứu giúp bạn thuyền bị nạn. Đó là ngư dân Nguyễn Truyền (mọi người thường gọi là Mười Truyền), ở thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa.

 

Trên trận tuyến giữ biển

 

5 năm qua, ngư dân Nguyễn Truyền đã trực tiếp tham gia cùng Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam bắt 8 vụ với 30 đối tượng sử dụng vật liệu nổ để khai thác thủy sản. Ngoài ra, anh còn lái tàu đi ứng cứu 7 tàu cá với 40 ngư dân bị nạn trên biển.

Mười Truyền tự nhận mình là một “đồng đội” của BĐBP, là “lính” từ “lò” huấn luyện của anh Ba Vinh (đại tá Nguyễn Quang Vinh, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Nghiệp vụ BĐBP Phú Yên) ra, nên có phần tinh thông về nghiệp vụ. Anh rành rọt bảo, đi bắt tội phạm thì hạn chế dùng tàu của BĐBP. Bởi, “hễ trong bờ, tàu vừa xuất kích thì ở ngoài biển, tội phạm sẽ nổ máy, cao chạy xa bay. Chưa nói, khi nhắm chạy không kịp, chúng thả tang vật xuống biển tẩu táng. Không có tang vật để buộc tội, coi như chuyện phá án bằng không. Vậy nên, để đảm bảo cho cuộc đấu tranh có kết quả, nên dùng tàu cá ngụy trang”. Anh còn bảo, điều quan trọng, người đi bắt tội phạm thì tâm lý phải vững vàng, khi đã vào cuộc thì phải tự tin, quyết đoán, dũng cảm, ý chí mạnh mẽ.

 

Cho tới bây giờ, Mười Truyền cũng không thể nhớ, mình đã bao nhiêu lần lái tàu chở anh em BĐBP ra biển tuần tra, truy đuổi, vây bắt bọn tội phạm dùng thuốc nổ, hóa chất đánh bắt thủy sản. Song, có những chuyến đi để lại những dấu ấn khó quên mà với anh, nó còn lưu giữ niềm tự hào bởi anh đã được tham gia như một người lính thực thụ, một người đồng đội của anh em BĐBP trong cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường biển.

 

Anh Truyền kể, một ngày cuối năm 2014, sau chuyến biển đêm trở về, vừa bán cá xong, đang neo ghe vào bến để về nhà, anh chợt nghe cuộc điện thoại từ một thuyền đánh cá của anh em Tổ Tàu thuyền an toàn xã Hòa Hiệp Trung cho hay, ngoài Hòn Khô có chiếc vỏ lườn, nghi sử dụng thuốc nổ. Qua điện thoại trao đổi nhanh với Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, anh “điều” ngay cậu em út của mình cùng lên tàu, chở đội công tác của BĐBP ra Hòn Khô.

 

Thực hiện phương án nghi binh theo kế hoạch đã bàn với đại úy Lê Xuân Thắng, chỉ huy tổ công tác, khi tàu chạy đến gần Hòn Khô, Mười Truyền tắt máy, cho tàu thả trôi. Cùng lúc, anh đề nghị, một số anh em chiến sĩ cởi trần, giống ngư dân đi đánh cá. Anh em khác mang súng thì vẫn mặc áo, ẩn nấp trong ca bin. Từ xa dõi tới, anh thấy một chiếc ghe phía trước cứ lượn lờ quanh Hòn Khô. Không lâu, anh lại nghe ầm…ầm, hai tiếng nổ liên tiếp dội lên từ lòng biển.

 

Tiếp tục để mắt dõi về Hòn Khô, anh thấy từ chỗ chiếc ghe đang nghi vấn có ba người nhảy thỏm xuống biển. “Tui thầm nghĩ, nếu chạy thẳng tới sẽ không bao giờ bắt được hắn. Vậy là, tui bảo chú Út đề máy, rút ga lên, cho tàu chạy vòng lại theo chiều nước trôi, vờ như người đi vớt cá bị nổ để ăn”, anh Truyền kể.

Anh lấy hai cây vợt, bảo hai chiến sĩ đứng hai bên mạn tàu, cầm vợt giơ cao như chuẩn bị vớt cá nhằm đánh lạc hướng đối tượng. Canh khi mũi tàu tới chỗ thuận tiện, anh hạ lệnh cho lái tàu ôm cua, vòng tới, đẩy mạnh hết cỡ. Chiếc tàu vừa cập vào mạn thuyền bên kia, Mười Truyền cất tiếng hô to, cùng lúc anh nhảy ngay qua, khống chế thuyền trưởng. “Mình phải khống chế thuyền trưởng trước để yêu cầu hắn giảm ga số, anh em BĐBP mới nhảy qua được bên tàu làm nhiệm vụ. Nếu không nhanh, tay thuyền trưởng sẽ liều lĩnh tăng ga chạy, sẽ không lường được nguy hiểm”, Mười Truyền chia sẻ.

 

Thế nhưng, việc phá án cũng chưa thể nhanh như dự định khi tổ công tác không tìm thấy lượng thuốc nổ trên tàu. Suốt đêm về suy nghĩ, Mười Truyền chợt nhớ, thường, thuốc nổ nếu ngâm dưới nước mặn sẽ nổ mạnh hơn. Vậy, có thể tang vật nằm dưới lớp đá lạnh dày ở hầm tàu. Vừa sáng, anh nêu ý kiến của mình với tổ công tác. Khi những khối đá lạnh vừa được bốc lên khỏi hầm thì tang vật lộ diện với 177 kíp nổ, 53m dây cháy chậm, 75 quả nổ tự tạo, 66kg thuốc nổ các loại, 450 lon kim loại (vật liệu làm thuốc nổ) buộc các đối tượng phạm tội phải nhận tội.

 

Ngư dân Nguyễn Truyền (giữa) nhắc lại câu chuyện những lần lái tàu đưa BĐBP đi truy quét tội phạm đánh thuốc nổ - Ảnh: PHƯƠNG OANH

 

Người con của biển

 

Tôi gặp Mười Truyền tại Hội nghị sơ kết và gặp mặt điển hình tiên tiến thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” giai đoạn 2009-2019 của BĐBP Phú Yên. Trong cung cách của một “ngư dân chính hiệu”, lối nói chuyện bộc trực, chân chất, anh kể cho chúng tôi nghe về nghiệp biển, về mối nhân duyên gắn kết giữa anh với những người lính biên phòng.

 

Mười Truyền tâm sự, ba mẹ anh sinh tới mười người con, anh là kề út. Ngày ấy, cũng như bao gia đình ở vùng gió cát này, chuyện kiếm cái ăn cho hàng chục đứa con thực sự là nỗi khốn khó. May, nhà ở cạnh biển, ba mẹ anh đã lấy nghề thuyền chài để mưu sinh, nuôi con. Mười anh em trong gia đình anh đã nhọc nhằn bám theo bờ chân sóng, hít thở mùi vị mặn mòi, tanh tao của biển mà lớn lên, trưởng thành vững vàng. Hơn ai hết, Mười Truyền yêu biển, trân quý những giá trị to lớn mà biển đã mang về cho gia đình, cho chính bản thân mình.

 

Thế mà, một thời, nạn đánh cá bằng thuốc nổ rộ lên khiến cho ngư dân ở làng biển này lao đao. “Có đêm, trong bờ nghe phía biển nổ hai ba tiếng ùm... ùm. Mờ sáng, tui chạy ra bãi, lấy ghe đi thẳng ra Hòn Khô đã thấy cá chết, nổi dày mặt biển. Nhiều con cá vốn là đặc sản có tiếng một thời ở đây đã dần mất dạng. Những chuyến ghe đi đánh bắt trở về không còn “no” cá”, anh Mười Truyền nhớ lại.

 

Khi anh em BĐBP xuống làng tuyên truyền, vận động bà con tham gia Tổ Tàu thuyền an toàn, kêu gọi ngư dân hợp lực cùng bảo vệ biển, anh hăng hái hưởng ứng ngay.

 

Những anh em Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam vẫn không quên dấu ấn ngày đầu về địa bàn, mời họp dân, phát động phong trào đấu tranh với tội phạm, bảo vệ biển đảo. Nhắc chuyện cũ, thiếu tá Lê Văn Chạy, cán bộ vận động quần chúng Đồn BP Hòa Hiệp Nam kể: “Vào họp, có người dửng dưng, có người rụt rè nói “đấu tranh là chuyện của BĐBP, người dân đâu dám!”. Riêng, Mười Truyền thẳng thắn, bộc trực đứng lên nói ngay, “Bà con mình phải ủng hộ BĐBP. Giữ biển là giữ nồi cơm của mình mà. Nhà tui ở sát biển, hôm nào ngoài Hòn Khô có tiếng nổ là ruột tui xót. Thuốc nổ mà thả xuống biển thì từ cành san hô, cá lớn, cá nhỏ, đến trứng cá nữa, chẳng thứ gì còn, lấy gì đời con, đời cháu mình sinh sống”.

 

Tham gia vào Tổ Tàu thuyền an toàn, anh cũng chính là người hăng hái kết nối anh em làm ăn. Nghe có tàu thuyền bị sự cố, anh không ngần ngại lái tàu, vượt sóng, vượt gió cứu giúp bạn thuyền trong cơn thiên tai, hoạn nạn. Sự nhiệt tình, sẵn sàng hy sinh của anh đã khiến nhiều người cảm kích, quý trọng, lắng nghe và làm theo anh. Điều khiến Mười Truyền hạnh phúc hơn là bây giờ, người dân làng biển quê anh hết sức tích cực trong việc bảo vệ môi trường biển. Khi đi biển, thấy những ghe thuyền làm ăn bất thường, bà con gọi báo tin ngay cho BĐBP.

 

“Hòn Khô bây giờ đã yên bình hơn. Đó là thành quả của sự kiên cường, quyết tâm đấu tranh với nạn đánh bắt hủy diệt biển của người dân làng biển Hòa Hiệp, trong đó không thể thiếu sự góp sức quan trọng của Mười Truyền”, thiếu tá Lê Văn Chạy, cán bộ vận động quần chúng Đồn BP Hòa Hiệp Nam khẳng định.

 

PHƯƠNG OANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek