Thoải mái và yên tâm - đó là cảm giác của nhiều bệnh nhân khi đến Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên khám chữa bệnh. Cùng với việc tiếp tục cải tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh, bệnh viện tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Nhân viên y tế điều khiển máy xông thuốc cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên - Ảnh: YÊN LAN |
Bị đau thần kinh tọa, bà N (nhân vật đề nghị không nêu tên) ở thôn Giai Sơn, xã An Mỹ (huyện Tuy An) đến Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên để được khám và điều trị. Bà được xông thuốc bằng máy phun hơi, mỗi tuần một lần. “Xông xong, thấy nhẹ hai bàn chân. Ở bệnh viện này, bác sĩ nào cũng vui vẻ, chu đáo với bệnh nhân”, bà N nhận xét. “Bác sĩ”, theo cách nói của bà N, bao gồm cả bác sĩ lẫn điều dưỡng. Bệnh nhân ngoài 50 tuổi này cho biết bà được chăm sóc tận tình.
Đến đây khám bệnh, một bệnh nhân U40 được phát hiện có sỏi nhỏ trong thận. Bác sĩ siêu âm căn dặn phải uống nhiều nước và đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày khi biết bệnh nhân làm công việc văn phòng. Không những thế, bác sĩ còn tư vấn về việc tải ứng dụng nhắc nhở hữu ích, giúp bệnh nhân có những khoảng nghỉ ngơi hợp lý sau 30-45 phút làm việc với máy tính, tránh tình trạng làm việc quên giờ giấc dẫn đến hoa mắt, đau đầu, đau mỏi vai gáy, thoái hóa đốt sống cổ... Chị Nguyễn Thị Kim Chi ở xã An Hòa (huyện Tuy An) đánh giá cao việc bác sĩ giải thích, tư vấn cặn kẽ; còn bà Phạm Thị Đã ở cùng xã cũng rất hài lòng với sự tận tình, niềm nở của các thầy thuốc nơi đây.
Theo Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên, kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh nội trú, ngoại trú, nhân viên y tế năm 2018 của bệnh viện rất tích cực. Trong đó, điểm khảo sát hài lòng của người bệnh nội trú: 4,94/5 điểm; điểm khảo sát hài lòng của người bệnh ngoại trú: 5/5 điểm; điểm khảo sát hài lòng của nhân viên y tế: 4,81/5 điểm. |
Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh là nội dung được chú trọng tại các cơ sở y tế, trong đó có Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên. Tuy còn nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn về nhân lực, Ban Giám đốc cũng thay nhau “trực” ở phòng khám, song bệnh viện này luôn cố gắng để bệnh nhân cảm thấy hài lòng. “Bà con đến đây để được khám chữa bệnh, nếu thầy thuốc không giải thích, tư vấn kỹ, người bệnh không hiểu về căn bệnh của mình, sẽ hoang mang lo lắng. Và nếu người bệnh không hài lòng về thái độ của thầy thuốc, họ mang sự lo lắng, bực dọc đó về nhà thì làm sao tinh thần thoải mái được? Thái độ phục vụ không chỉ là niềm nở với bệnh nhân mà bao gồm cả sự nhiệt tình giải thích, tư vấn, chăm sóc người bệnh... Cán bộ, nhân viên y tế có thái độ phục vụ tốt thì người bệnh sẽ tin tưởng, an tâm. Khi bệnh nhân đến đây tìm bác sĩ này, bác sĩ kia để được khám chữa bệnh, tôi cho đó là điều tốt. Anh em càng giỏi, càng được người bệnh tin tưởng thì mình càng mừng”,” BSCKI Trần Hữu Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên, chia sẻ.
Bên cạnh các phương pháp chữa bệnh quen thuộc như chôn chỉ, mãng châm, điện mãng châm, điện châm, thủy châm, laser châm, hào châm, kéo giãn cột sống, điện xung, chiếu hồng ngoại, cắt trĩ bằng sóng cao tầng..., một nét mới là bệnh viện này điều trị mất ngủ, suy nhược mãn tính, đau khớp... bằng cách xông thuốc để tác động vào các huyệt đạo ở lòng bàn chân. Năm qua, bệnh viện thực hiện hơn 4.400 lần xông thuốc. Còn số lần ngâm thuốc tại đây đã tăng gần 10 lần so với năm 2017 (gần 32.000 lần).
Bác sĩ Trần Hữu Tuấn cho biết, các đề tài nghiên cứu khoa học của các thầy thuốc ở đây sau khi nghiệm thu đều được ứng dụng vào thực tiễn, trong đó có những phương pháp mới, bài thuốc hay. Đột phá của Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên trong hai năm qua là đưa những bài thuốc nam hay đến với người bệnh, vừa điều trị có hiệu quả vừa góp phần phát triển nguồn dược liệu phong phú tại địa phương.
“Thời gian tới, bệnh viện tiếp tục cải tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khám chữa bệnh theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam. Chiến lược của bệnh viện là đa dạng hóa trong điều trị, làm sao để trong thời gian ngắn nhất, các bệnh nhân trẻ tuổi trở về với công việc thường ngày, tiếp tục làm việc, đóng góp cho gia đình và xã hội; người bệnh cao tuổi thì trở về sinh hoạt với gia đình, không trở thành gánh nặng cho con cái”, bác sĩ Tuấn nói.
YÊN LAN