Với sự kiên trì, dám nghĩ dám làm, chị Lê Thị Nhân (SN 1978, ở khu phố Phước Thịnh, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa) đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc vào dây chuyền sản xuất bánh tráng và làm bún tươi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chị Lê Thị Nhân đang gói bánh tráng - Ảnh: DƯƠNG TRÍ |
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, sau khi lập gia đình, vợ chồng chị Nhân đã trải qua rất nhiều công việc để mưu sinh, như buôn bán tạp hóa, bán thịt heo ở chợ, sửa chữa đồng hồ dạo... Có được ít vốn từ những gánh hàng rong đầy vất vả và cũng đầy gian nan ấy, sau nhiều đêm trăn trở, với mong muốn cuộc sống gia đình được ổn định cũng như có điều kiện và thời gian để chăm sóc con cái được tốt hơn, chị Nhân bàn bạc với chồng và quyết định đầu tư máy làm bún tươi từ năm 2004. Chị Nhân tâm sự: “Thời gian đầu, mặc dù đã có sách hướng dẫn nhưng vì có nhiều loại gạo khác nhau, nên những mẻ bún đầu thường không ngon, phải làm đi làm lại rất nhiều lần mới đạt chất lượng như mong muốn”.
Xác định hướng đi đúng, sản phẩm làm ra được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng sử dụng, năm 2014, chị Nhân mạnh dạn đầu tư hai dàn máy tráng bánh đặt tại thôn Phước Thành Đông, xã Hòa Phong. Chi phí đầu tư từ mua đất, xây dựng cơ sở và máy móc lên đến hơn 600 triệu đồng. Ngoài ra, để có sản phẩm cung ứng ra thị trường đều đặn trong năm, gia đình chị Nhân còn trang bị hệ thống lò sấy điện, củi, trấu…
Hiện nay, cơ sở sản xuất bánh tráng máy của gia đình chị Nhân mỗi ngày cho ra 15-20 thiên bánh và gần 1.000kg bún tươi, nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu thị trường trên địa bàn huyện. Chị Nguyễn Thị Nga ở xã Hòa Thịnh cho biết: “Chất lượng bánh ở đây hoàn toàn khác với nhiều loại bánh ở các cơ sở khác. Bánh có màu đục như bánh tráng truyền thống, khi nhúng nước để lâu không bị mềm nhão. Còn bún tươi có chất lượng gần như bún làm tay. Tôi rất hài lòng về sản phẩm từ cơ sở này”.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, chị Nhân còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, sẵn sàng giúp đỡ những hộ có hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm, vận động chị em tham gia các phong trào phụ nữ. Cơ sở của gia đình chị giải quyết việc làm cho gần 20 lao động địa phương với thu nhập 120.000-130.000 đồng/người/ngày. Riêng những ngày mưa, làm việc trong môi trường lò sấy và tăng ca, tiền công lao động gấp 4-5 lần. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình chị Nhân thu về khoảng 100 triệu đồng từ cơ sở sản xuất này. Ngoài ra, để phát triển thêm cho kinh tế gia đình cũng như tận dụng nước gạo còn lại, chị Nhân còn nuôi thêm heo, bò, mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình vào mỗi năm.
Chị Huỳnh Thị Tân ở thôn Phước Thịnh, xã Hòa Phong, cho hay: “Từ khi có mô hình sản xuất này, chúng tôi có việc làm gần nhà và có thu nhập đều đặn. Chủ cơ sở cũng rất quan tâm và chia sẻ những khó khăn với chị em”. Còn bà Thiệu Thị Tám, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Phú Thứ, cho biết: “Chị Nhân là một điển hình về phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh đạt hiệu quả, đóng góp tích cực trong giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương. Chị đã được các cấp khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào phụ nữ giai đoạn 2010-2015; điển hình xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước 2016-2018”.
DƯƠNG TRÍ