Thứ Ba, 24/12/2024 03:02 SA
“Hạt giống đỏ” Lê Thị Bích Anh
Thứ Bảy, 26/05/2018 13:00 CH

Bà Lê Thị Bích Anh đang chia sẻ kinh nghiệm về công tác phụ nữ với thế hệ cán bộ trẻ trong khu phố - Ảnh: NGỌC DUNG

Ðã hơn 60 năm trôi qua, nhưng câu nói “Các cháu là những “hạt giống đỏ” của miền Nam trên đất Bắc, phải cố gắng học tập giỏi để còn về miền Nam xây dựng quê hương đất nước” của Bác Hồ mãi vang vọng trong ký ức của bà Lê Thị Bích Anh (khu phố Chu Văn An, phường 5, TP Tuy Hòa). Những ký ức thiêng liêng về Người và câu nói ấy đã trở thành kim chỉ nam cho hành động của bà trên mỗi chặng đường trong suốt cuộc đời. Dù ở đâu, dù làm bất cứ công việc gì, bà cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hết mình, góp sức xây dựng quê hương, đất nước.

 

Hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ

 

Năm nay đã 76 tuổi, nhưng bà Bích Anh vẫn còn linh hoạt, minh mẫn, khỏe mạnh. Bà mỉm cười nói rằng, hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời bà là những lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Với bà Anh, mỗi một ký ức về Bác, lời khuyên của Bác mãi là điều vô giá trong cuộc đời bà.

 

Nhớ lại những lần được gặp Bác, bà kể: “Lần đầu, tôi được gặp Bác là ở khu phố Hàng Cỏ (Hà Nội) trong lần Người xuống tiếp xúc với bà con cử tri nơi này. Hồi đó, tôi còn nhỏ, chỉ mới học đâu chừng lớp 4. Chiều hôm đó, ba dặn tôi ăn cơm xong rồi mặc quần áo tử tế, ba dẫn đi đến nơi này hay lắm! Tối đó, tôi cùng ba và nhiều người đến sân vận động ở Hàng Cỏ thì bất ngờ nhìn thấy Bác xuất hiện trên khán đài cười nói, chào hỏi mọi người. Tôi mừng quá, reo lên: Bác Hồ! Ba ơi! Bác Hồ kìa. Ba tôi nhìn tôi mỉm cười nói, ba đưa con đi theo để được gặp Bác Hồ là vì con học giỏi. Ba không nói trước là để con bất ngờ”. Hình ảnh Bác Hồ với bộ quần áo kaki đơn sơ, ánh mắt trìu mến, nụ cười hiền lành lần ấy mãi in đậm trong tâm trí bà.

 

Lần thứ hai, bà Bích Anh được gặp Bác là vào năm 1960 ở Hải Phòng. Lần ấy, bà là một trong số học sinh xuất sắc của miền Nam trên đất Bắc được nhà trường chọn ra để đứng làm hàng rào danh dự đón kiều bào Thái Lan về nước tại cảng Hải Phòng. Khi ấy, bà Bích Anh cùng các bạn đang mải hướng mắt về phía chiếc tàu chở kiều bào vừa cập bến, bỗng thấy một chiếc ô tô đến đỗ xịch ngay phía trước bà.

 

“Cửa mở, Bác từ trên xe bước xuống. Tôi quá vui sướng bất ngờ chạy ào tới ôm chầm lấy Bác. Hơn 30 học sinh khác cũng chạy đến vây quanh Bác. Bác mỉm cười trìu mến xoa đầu tôi, rồi động viên tôi và các bạn quay trở lại chỗ cũ để Bác đến chào hỏi bà con Việt kiều Thái Lan về nước, rồi quay lại với chúng tôi sau. Lần ấy, nghe bà con kiều bào nói về cuộc sống khó khăn ở Thái Lan, Bác đã xúc động đến rơi nước mắt”.

 

“Hạt giống đỏ”

 

Với bà Bích Anh, Bác Hồ là lãnh tụ vĩ đại luôn giản dị, gần gũi yêu thương nhân dân, hết lòng vì dân vì nước. Điều đó càng làm cho bà không thể quên những kỷ niệm về Người. Quà Bác tặng, hồi ấy những đứa trẻ con chỉ mới hơn 12 tuổi đầu như bà dù rất muốn ăn nhưng lại để dành, để mà nhìn ngắm, vui thích. Khi được nhà trường phát ba chiếc kẹo của Bác Hồ cho, bà Bích Anh gói cẩn thận bằng nhiều lớp giấy, rối cất giữ mãi trong ba lô. Bà Bích Anh cười nói: “Hồi đó, đêm nào tôi cũng mở kẹo ra để nhìn thăm chừng rồi cất vào ngay. Mong đến ngày Tết về Hà Nội để chia cho ba, anh trai và mình mỗi người một chiếc kẹo của Bác. Quý lắm!”.

 

Hình ảnh gần gũi, thân thương của Bác và câu nói: “Các cháu là những “hạt giống đỏ” của miền Nam trên đất Bắc, phải cố gắng học tập giỏi để còn về miền Nam xây dựng quê hương đất nước” của Bác đã trở thành động lực lớn lao cho mọi hành động trong cuộc đời của bà Anh sau này. Trong suốt cuộc đời bà, trên mỗi bước đi, trên mỗi chặng đường, bà luôn lấy tư tưởng, tấm gương của Bác làm kim chỉ nam cho hành động của mình, dù làm bất cứ công việc gì cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, phụng sự, cống hiến hết mình góp phần dựng xây quê hương, đất nước.

 

Khắc ghi lời Bác dặn, cô học trò nhỏ Lê Thị Bích Anh ngày đêm ra sức học tập để thực sự trở thành “hạt giống đỏ” của miền Nam. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, bà Bích Anh được phân về giảng dạy tại Trường cấp 3 Đông Thụy Anh (huyện Diêm Điền, tỉnh Thái Bình) và là một trong hai giáo viên miền Nam duy nhất giảng dạy ở địa phương này. Bà tâm sự: “Hồi đó, nhà trường phân đâu là tôi đi đó, không nề hà khó khổ với tinh thần “Nơi nào cần thanh niên có/ Nơi nào khó có thanh niên”.

 

Năm đầu tiên tuy là giáo viên mới chân ướt chân ráo ra trường, nhưng nhà trường lại phân bà đảm nhận dạy 2 lớp 10 (hệ 10 năm, tương đương với lớp 12 hiện nay - PV). Để hoàn thành tốt công việc giảng dạy, bà ngày đêm ra sức tìm tòi, nghiên cứu kiến thức, nắm bắt tâm tư tình cảm, những ưu khuyết điểm của từng học sinh để giảng dạy phù hợp. Kết quả cuối năm, học sinh hai khối lớp bà phụ trách đỗ tốt nghiệp 100%. Kết quả đó khiến cả huyện Diêm Điền, cả tỉnh Thái Bình lúc ấy ngỡ ngàng. Người ta tín nhiệm đưa bà tham gia vào HĐND, Ủy ban MTTQ huyện. Với những thành tích giảng dạy ấy, UBND tỉnh Thái Bình trao cho bà danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

 

Niềm vui của bà Anh khi xem lại thành tích học tập của cháu gái - Ảnh: NGỌC DUNG

 

Những năm sau này, về lại quê nhà, bà công tác ở Ty Giáo dục, rồi Sở Giáo dục tỉnh Nghĩa Bình hay Hiệu phó Trường PTTH chuyên tỉnh Nghĩa Bình (sau này tách thành 2 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, trường chuyên này sáp nhập vào Trường Quốc học Quy Nhơn - PV)... Dù ở công việc, cương vị nào, bà Bích Anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhiều đồng nghiệp, học sinh tin yêu, kính trọng.

 

Ngày ấy, bà quyết định xin thôi đảm nhiệm chức vụ hiệu phó nhà trường để nhường cơ hội thăng tiến cho người trẻ hơn, rồi quyết định về hưu trước 2 năm của bà Bích Anh khiến cho không ít đồng nghiệp ngỡ ngàng, vì bà là giáo viên có chuyên môn vững, nhiều năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở. Còn bà Bích Anh thì mỉm cười nhẹ nhõm nói rằng, bà muốn nhường cơ hội việc làm cho các giáo viên trẻ trong trường giữa những năm Nhà nước tinh giản biên chế. Những chuyện đó đến giờ các đồng nghiệp trẻ vẫn còn nhắc nhớ về bà với lòng biết ơn, yêu kính.

 

“Tuổi cao gương sáng”

 

Sau khi nghỉ hưu về sinh sống ở quê chồng Phú Yên, bà Lê Thị Bích Anh tích cực tham gia công tác ở địa phương với các vai trò Phó Bí thư chi bộ phụ trách Mặt trận, rồi kiêm Chi hội trưởng Phụ nữ, cán bộ DS-KHHGĐ khu phố Chu Văn An (phường 5, TP Tuy Hòa). Bà được giao phụ trách địa bàn dân cư gồm 2 tổ trong khu phố đến tận Gò Máng, Hưng Phú, giáp địa bàn phường 7 và phường 9 với trên 390 hộ dân.

 

Đảm nhiệm các công việc không lương, không phụ cấp nhưng hơn 12 năm qua, bà Anh luôn nỗ lực, lặng thầm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” chung tay góp sức xây dựng khu phố yên vui. Ngày ngày, bất kể nắng mưa sáng tối bà gò lưng trên xe đạp “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động phụ nữ khu phố trong độ tuổi sinh đẻ đặt vòng, triệt sản; khuyên nhủ các bà mẹ quan tâm đến chuyện học hành của con cái, quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội, vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc...

 

Với những nỗ lực đó, các công tác dân số, mặt trận, phụ nữ mà bà phụ trách đạt nhiều thành tích xuất sắc, nhiều năm được Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Y tế, các cấp Hội Phụ nữ tặng bằng khen, giấy khen.

 

Bây giờ, ở tuổi “thất thập cổ lai hy” bà Bích Anh thôi không đảm nhiệm các công việc của khu phố. Nhưng ở tổ 2 vẫn chưa có người đảm nhiệm tổ trưởng phụ nữ, vậy là bà tiếp tục đảm nhiệm Tổ trưởng phụ nữ tổ 2. “Công việc này không lương, không phụ cấp mà bây giờ tụi trẻ mải lo chuyện làm ăn, thôi thì mình còn khỏe, còn có thể góp sức. Hơn nữa, mình là đảng viên “Đảng viên đi trước, làng nước mới theo sau…” bà Anh mỉm cười phân trần khi thấy đám con cháu lo lắng cho sức khỏe của bà.

 

Gần bước sang tuổi 77, vậy mà bà vẫn ngày ngày cầm chổi ra đường quét rác, vận động chị em trong tổ quét dọn đường phố sạch sẽ, trồng hoa ven đường, xây dựng “gia đình 5 không, 3 sạch”... Bà vẫn tiếp tục đi “xin” tiền, vận động các doanh nghiệp, doanh nhân… xây dựng quỹ khuyến học; đồng hành cùng cán bộ khu phố vận động bà con đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo...

 

Bằng tấm lòng, tình cảm chân thành cùng với sự gần gũi, thấu cảm của mình, những lời nói của bà chạm vào sâu thẳm tình cảm mỗi người. Bởi vậy mà bao năm qua bà đã thắp lên ngọn lửa nhân ái, hướng thiện, bao dung tốt đẹp, giúp mọi người trong khu phố sống với nhau có tình hơn, chan hòa hơn, cùng đoàn kết tương trợ lúc khó khăn, hoạn nạn...

 

Hiện tại, bà Bích Anh sống bình an, hạnh phúc bên chồng con và bà con trong khu phố. Gia đình bà là gia đình văn hóa tiêu biểu ở phường. Chồng bà chính là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh, người thuyền trưởng anh dũng, mưu trí của Tàu Không số mang số hiệu 41 anh hùng, gắn với huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển.

 

Ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, bà Anh cùng chồng luôn nêu cao tinh thần “tuổi cao gương sáng” vận động con cháu, bà con lối xóm thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống thuận hòa yêu thương cùng góp sức xây dựng quê nhà mỗi ngày một phát triển bền vững.

 

Chủ tịch Hội LHPN phường 5 Nguyễn Thị Hồng Duyên nói về bà Lê Thị Bích Anh với tất cả lòng yêu kính: “Bà Anh là một người bà, người mẹ, là một tấm gương sáng mà thế hệ những phụ nữ trẻ như chúng tôi luôn yêu kính, noi theo. Bà luôn hết mình vì công việc, vì mọi người. Tinh thần của bà, tấm lòng của bà thật đáng trân trọng!”.

 

NGỌC QUỲNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả
Thứ Ba, 22/05/2018 09:32 SA
Một điểm sáng phong trào Hội
Thứ Hai, 21/05/2018 08:37 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek