Với nghị lực và ý chí của người lính Cụ Hồ, trong thời bình, nhiều đối tượng chính sách, thương binh đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế, đạt nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, góp phần xây dựng quê hương và chăm lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
1. Rời quân ngũ trở về, ông Trần Ngọc Lưu, 72 tuổi, là bệnh binh 61%, thương binh 31%, ở thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) vẫn miệt mài làm kinh tế, chăm lo gia đình và tham gia công tác xã hội tại địa phương.
Ông Trần Ngọc Lưu chăm lo chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình - Ảnh: NGUYÊN HẬU |
Ông Lưu kể: Từ quê hương Nam Định, năm 1964 tôi vào miền Nam tham gia chiến đấu tại Tiểu đoàn 13, Trung đoàn 95, Sư 325. Hòa bình lập lại, với nhiều cơ duyên và gắn bó, tôi chọn mảnh đất Xuân Phước làm nơi lập nghiệp, cần mẫn sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Nhờ chăm lo lao động sản xuất, từ hai bàn tay trắng, đến nay, người cựu binh đã có một đàn bò, trồng hơn 3ha rừng keo lai và một số diện tích cây công nghiệp ngắn ngày, hoa màu khác.
Đặc biệt, từ khi về Xuân Phước, ông được người dân tín nhiệm bầu giữ nhiều chức vụ, từ Bí thư Xã đoàn, Trưởng Công an xã, Chủ nhiệm HTX Phú Xuân và hiện giữ vai trò Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Xuân Phước, hội viên Hội Cựu chiến binh xã. Điểm đáng ghi nhận là ông luôn đi đầu trong các cuộc vận động tại địa phương, tham gia xây dựng nông thôn mới, thu gom rác thải trên đồng ruộng; làm cầu nối giữa các hội viên, thăm hỏi nhau khi ốm đau, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, neo đơn.
Ông Võ Văn Trí, Chủ tịch UBND xã Xuân Phước, cho biết: “Ông Lưu là một thương binh, cựu chiến binh gương mẫu trong các phong trào ở địa phương. Chính bản tính gương mẫu, tận tâm, nói đi đôi với làm nên ông được mọi người nể trọng, quý mến”.
Cũng chính vì những đóng góp trong cả thời chiến lẫn thời bình, ông đã được trao tặng Huân chương Giải phóng hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Kháng chiến hạng nhì… cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, với những nỗ lực, cống hiến của bản thân, ông được tỉnh đề nghị Bộ LĐ-TB-XH tặng bằng khen.
2. Với thương binh Hoàng Tự Điển ở phường 5 (TP Tuy Hòa), dù tỉ lệ thương tật lên đến 95%, nhưng ông vẫn cố gắng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Không chỉ lo cho gia đình, ông còn hết lòng hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội. Hiện tại ông là Chủ tịch Hội Người mù tỉnh.
Ông Hoàng Tự Điển tặng quà cho người mù trong tỉnh - Ảnh: HOÀNG LÊ |
Khi chiến tranh vào giai đoạn ác liệt, năm 1960 khi vừa 17 tuổi, ông đã tham gia cách mạng. Từ năm 1961-1964, ông ở đơn vị 206 Tỉnh đội Phú Yên; sau đó chuyển lên đơn vị T345 phân khu Nam, thuộc Khu V. Đến năm 1966, ông về quản lý đơn vị 59, Đề Thám tỉnh Phú Yên. Qua nhiều trận đánh ở chiến trường miền đông, miền tây của tỉnh, ông đã bị thương, hỏng một mắt và vẫn còn một viên đạn nằm ở chân trái, với tỉ lệ thương tật 95%, hạng 1/4. Năm 1970, ông được đưa ra miền Bắc an điều dưỡng chữa bệnh. Sau những tháng ngày điều trị, vết thương đã lành, ông Điển được đi học và công tác một số nơi. Năm 1989, sau khi tách tỉnh, ông Điển được phân công làm Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên.
Khi mới tách tỉnh năm 1989, bản thân tàn tật cộng thêm cuộc sống khó khăn, có lúc ông Điển tưởng mình không vượt qua nổi nhưng bằng nghị lực của một người lính và nhớ lời Bác Hồ dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông đã dần hòa nhịp với cuộc sống, quyết tâm vượt qua khó khăn, trở ngại.
Năm 2004, sau khi nghỉ hưu, từ kinh nghiệm bản thân mình là người mù, ông tìm hiểu nhu cầu thực tế của tỉnh là chưa có Hội Người mù và ông được tỉnh giao nhiệm vụ thành lập Tỉnh hội, được đại hội tín nhiệm hai nhiệm kỳ (2009-2014 và 2014-2019).
Trong 7 năm hoạt động, Hội Người mù tỉnh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu chăm lo đời sống cho người mù; mở lớp dạy chữ nổi Braille, dạy nghề, cho vay vốn giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống, vận động xóa được 11 nhà tạm cho hội viên, tổng nguồn vốn vận động hơn 900 triệu đồng, tất cả hơn 1.155 hội viên đều hưởng trợ cấp an sinh xã hội.
Không những lo cho công tác Hội, cá nhân ông hàng năm tiết kiệm một phần trợ cấp tiền thương tật và lương hưu, đã hỗ trợ cho Trường tiểu học số 1 Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) thiết bị lọc nước 20 triệu đồng để phục vụ cho hơn 500 học sinh, hỗ trợ cho UBND phường 5 100 bao xi măng để góp phần lót vỉa hè đường phố.
Với những đóng góp của mình, dịp này, ông được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
NGUYÊN HẬU - HOÀNG LÊ