Thứ Hai, 30/09/2024 09:24 SA
Suối nguồn yêu thương
Thứ Bảy, 24/06/2017 11:30 SA

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Hồng Nga trao bằng khen cho chị Hiếu về thành tích vượt khó nuôi dạy con tốt - Ảnh: NGỌC DUNG

Hành trình đưa đứa con gái bị khuyết tật câm điếc bẩm sinh trở nên nói được, nghe được sau 5 năm trời ròng rã là câu chuyện về tình mẫu tử khó diễn tả thành lời. Câu chuyện ấy được viết lên từ chị Lê Thị Hồng Hiếu ở khu phố 1 (phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa).

 

Băng qua nỗi đau

 

Khi mới sinh ra, bé Nguyễn Hoàng Lê Na nhìn bình thường như bao đứa trẻ khác. Bé vẫn ăn ngủ, thậm chí là ngủ rất ngon mặc cho những âm thanh ồn ào trong nhà, rất ít khi giật mình thức giấc. Với những kiến thức đã được học ở Trường cao đẳng Mẫu giáo Trung ương trước đây, cộng thêm việc hàng ngày tiếp xúc, chăm sóc khá nhiều em bé tại nhóm trẻ của gia đình, chị Lê Thị Hồng Hiếu cảm thấy có điều gì đó không bình thường ở con gái. Bé Na mỗi ngày một lớn, chị Hiếu để ý hầu như con không quay đầu lại mỗi khi ba mẹ gọi mình; chỉ khi nào chị vỗ tay rất mạnh hay nghe những tiếng động lớn, con bé mới có phản ứng. “Bước vào giai đoạn tập nói, 15 tháng tuổi trong khi con người ta học nói, một số bé còn phát âm được những từ đơn giản thì bé Na không thể. Lúc đó, tôi hoang mang vô cùng…”, chị Hiếu nghẹn ngào kể lại chuyện cũ.

 

Lúc đó, anh Nguyễn Cạnh, chồng chị Hiếu cùng một số bạn bè, người thân nói rằng con bé bình thường, chỉ hơi chậm nói một chút. Hầu như mọi người đều cho rằng chị lo lắng thái quá. Nhưng bằng linh cảm của người mẹ, chị Hiếu cảm thấy có một điều gì đó không hay đang xảy ra. Lòng như lửa đốt, chị gác hết việc nhà, vay mượn tiền của bạn bè, người thân để đưa con vào TP Hồ Chí Minh kiểm tra sức khỏe. Gần 5 tháng ròng rã bất kể mưa nắng, chị ôm con đi khắp các bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và nhiều bệnh viện khác ở đây. Nhưng các bệnh viện đều kết luận bé Na bình thường, trong khi bé vẫn cứ bập bẹ vài tiếng “ba …ba” và không nghe được những âm thanh nhỏ. Vẫn không tin vào các kết luận, chị tiếp tục tìm đến các bệnh viện khác để chữa cho con. Cho đến một ngày, đưa con đi kiểm tra ở Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh, các bác sĩ ở đây đo điện não thính lực và phát hiện con bé bị yếu dây thần kinh thính lực, gây khuyết tật câm điếc bẩm sinh, chị Hiếu chết điếng người. Để cải thiện tình trạng của bé Na, bệnh viện yêu cầu phải tiến hành cấy ốc tai điện tử với số tiền 200 triệu đồng”. Đất trời như đổ sụp dưới chân vợ chồng chị!

 

Thời điểm đó, thu nhập từ việc giữ trẻ tại nhà của chị cùng với sửa chữa xe máy hàng ngày của chồng chỉ tạm đủ để trang trải trong gia đình và trả tiền thuê cô giáo phụ giúp công việc trông coi trẻ. “Hồi ấy là năm 2007, nếu bán hết đất đai nhà cửa vẫn không thể nào đủ 200 triệu đồng để chữa bệnh cho con…”, vợ chồng chị Hiếu khóc ròng khi nghĩ về tương lai mịt mù của con trẻ. Điều mà vợ chồng chị có thể làm được là mua máy trợ thính để đeo cho con với giá 1 triệu đồng. Mặc dù đang phụ trách nhóm mầm non, nuôi dạy các cháu nhỏ tại nhà, nhưng cảm thấy quá lo lắng cho tương lai của con, chị hiểu rằng bé Na cần các thầy cô có chuyên môn, biết giao tiếp với trẻ câm điếc. Vì vậy, con mới 20 tháng tuổi, chị Hiếu quyết định đưa con đến học Trường Niềm Vui (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên) - ngôi trường dành riêng cho trẻ bị khiếm thính, khiếm thị để con gái được thầy cô dạy dỗ theo cách đặc biệt. Chị cũng nhờ các cô ở đây hướng dẫn cho mình cách giao tiếp với con ở nhà để giúp con tiến bộ nhanh hơn. Gần 5 năm học ở đây, bé Na được các cô quan tâm yêu thương, con có bạn bè đồng cảnh ngộ, lòng chị Hiếu nguôi ngoai phần nào.

 

Hàng ngày sau giờ làm việc, chị Hiếu ngồi bên các con hướng dẫn con học tập - Ảnh: NGỌC DUNG

 

Tình mẹ bao la

 

Để giúp con gái nghe được rõ hơn, mỗi năm dành dụm được ít tiền, vợ chồng chị đổi máy trợ thính từ 1 triệu đồng rồi 2 triệu, đến 5 triệu, rồi 10 triệu, 20 triệu đồng. Sau 3 năm kiên trì tập nói, bé Na cất tiếng gọi mẹ, chị Hiếu ôm chặt con vào lòng bật khóc vì vui sướng. Chị thổ lộ: “Vợ chồng tôi vui mừng không sao nói hết. Ngày qua ngày, vợ chồng tôi luôn chờ đợi, mong mỏi điều kỳ diệu xuất hiện. Nhờ trời thương mà điều may mắn đó đã đến với con tôi”. Lên 5 tuổi, bé Na dần tập nói được từng tiếng một, nhưng không rõ lời trong niềm vui sướng vô biên của cha mẹ. Tuy nghe không rõ, nhưng cô bé có thể nhìn khẩu hình của ba mẹ và người thân hiểu được người đối diện đang nói gì với mình. Sau 3 năm dành dụm, tích góp được 40 triệu đồng, vợ chồng chị chạy vạy vay mượn thêm mua một chiếc máy trợ thính trị giá 120 triệu đồng để lọc bớt những tạp âm bên ngoài giúp con gái nghe được rõ hơn.

 

Xin bé Na về phường Phú Thạnh theo học tại Trường tiểu học Trần Nhân Tông để con hòa nhập với các học sinh bình thường khác khi con gái lên 7 tuổi bước vào lớp 1 là quyết định táo bạo của vợ chồng chị Hiếu lúc ấy. Chị nói: “Khi đó, tôi nghĩ nếu tiếp tục học tại Trường Niềm Vui, con không thể nào nhanh nhẹn, lanh lợi. Đã đến lúc con bé cần được mở rộng đối tượng tiếp xúc”. Suy nghĩ mạnh mẽ là vậy, nhưng suốt 1 tháng đầu, ngày nào đến đón bé Na sau giờ tan học, chị Hiếu cũng chảy nước mắt khi thấy con bị bạn bè trêu chọc, trong khi con bé chỉ có thể nói ú ớ rồi khóc nức nở. Trong lòng tràn ngập nỗi xót xa thương con, xen lẫn cảm giác tủi thân, bước chân chị Hiếu đưa con đến trường mỗi ngày một trĩu nặng. Nhất là khi về nhà, bé Na luôn níu tay mẹ, rồi chỉ tay về hướng Trường Niềm Vui và nói tên những người bạn cũ của mình ở đó, đã có lúc chị Hiếu định đưa con quay về trường cũ. Nhờ có sự động viên hỗ trợ kịp thời của các cô giáo Trường Niềm Vui, sự kiên trì nhẫn nại của các cô giáo Trường tiểu học Trần Nhân Tông, chị Hiếu tiếp tục đưa bé Na đến lớp.

 

Tự dặn lòng không được nản chí để con có môi trường phát triển tốt nhất có thể, mỗi chiều sau buổi học chính khóa ở trường, vợ chồng chị thay phiên nhau đưa bé Na đến học với cô Chung - một cô giáo chuyên dạy trẻ khuyết tật để cô hướng dẫn trước bài hôm sau. Từ đó giúp con gái nắm bắt trước nội dung, chương trình học ở lớp, theo kịp bạn bè.

 

Cứ thế, ngày qua ngày, cùng với sự nhẫn nại, hiện nay Lê Na đã học đến lớp 4 ở Trường tiểu học Trần Nhân Tông. Hôm tôi đến, bé Lê Na khoanh tay mỉm cười chào thân thiện. Nhìn gương mặt dễ thương, lanh lợi của Lê Na, tôi cũng như nhiều người khó nhận biết được cháu bị khuyết tật câm điếc bẩm sinh. Chị Hiếu vui sướng: “Đến bây giờ, con bé đã có thể nói được như người bình thường. Chỉ có điều giọng nói hơi bị ngọng. Nhưng với vợ chồng tôi đó là một kỳ tích!”. Từ một cô bé bị câm điếc bẩm sinh mà nghe, nói được đúng là kỳ tích. Kỳ tích này đến từ tình yêu thương bao la của người mẹ không ngôn từ nào có thể tả được.

 

Thắp lửa hạnh phúc

 

38 tuổi, chị Hiếu trông bề ngoài già dặn hơn tuổi thực của mình. Có lẽ, một phần do chị đã trải qua nhiều cảm nghiệm buồn vui của cuộc đời chăng? Nhắc đến gia đình mình, chị Hiếu bảo, chị thật may mắn có một người chồng “hiền như cục đất”, không rượu chè, cà phê thuốc lá, suốt ngày chăm lo cho gia đình, yêu thương vợ con. Ngày quyết định cưới anh Cạnh - một thanh niên làm nghề sửa xe máy cùng khu phố chỉ mới học đến lớp 9, nhiều bạn bè của chị giận không thèm nhìn mặt. Bạn bè chị nói: “Dù sao, mày cũng học hành, có nghề nghiệp đàng hoàng, hết người hay sao lại chọn chồng như vậy?”. Nhưng tình yêu chân thành không có chỗ cho những tính toán thiệt hơn. Mối tình này của chị lại được ba mẹ chị và bà con lối xóm ủng hộ. Bởi mọi người đều thấy anh Cạnh tính tình hiền lành, ít nói, thiệt thà, lo làm ăn. Hơn 14 năm chung sống với anh, đến giờ chị chưa một lần hối tiếc về quyết định của mình: “Nếu như không có anh ấy hỗ trợ, tôi không thể nào chăm sóc cho các con, hoàn thành công việc của mình”.

 

Mặc dù bận rộn với công việc hàng ngày, nhưng chị Hiếu vẫn dành nhiều thời gian chăm sóc, nuôi dạy chu đáo, theo dõi sát sao việc học hành của cô con gái thứ hai Nguyễn Hoàng Lê Vy 8 tuổi. Bé Lê Vy được mẹ rèn ý thức tự giác học hành từ nhỏ. Hàng năm, Lê Vy đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm học lớp 1, Lê Vy còn đạt giải nhất toàn trường rồi đến giải ba cấp tỉnh hội thi “Giữ vở sạch chương trình VNEN tiểu học”. Không dừng lại ở thành tích đó, năm lớp 2, cô bé lại tiếp tục đạt giải ba cả cấp thành phố và cấp tỉnh cũng ở hội thi Giữ vở sạch chữ đẹp.

 

Với những cố gắng và nỗ lực nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình văn hóa, chị Hiếu được Hội LHPN phường Phú Thạnh chọn làm tấm gương phụ nữ tiêu biểu nuôi dạy con giỏi ở địa phương đi tham dự Hội nghị biểu dương gia đình hội viên phụ nữ tiêu biểu nuôi dạy con tốt năm 2017 do Hội LHPN tỉnh tổ chức vào ngày 23/6 mới đây. Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Thạnh Phạm Thị Mỹ Liên nói về chị Hiếu: Ở vào hoàn cảnh có con bị khuyết tật như vậy, nhưng với ý chí nghị lực vượt khó cùng với tình yêu thương bao la chị Hiếu đã giúp con vượt qua sự khắc nghiệt của số phận. Điều chị làm không phải người mẹ nào cũng có thể làm được. Tình thương yêu vô bờ của chị dành cho con gái làm lay động trái tim của bao người ở phường Phú Thạnh này.

 

Chị Hiếu là một trong số 100 hội viên, phụ nữ được tôn vinh tại hội nghị biểu dương gia đình hội viên phụ nữ tiêu biểu nuôi dạy con tốt năm 2017. Chị đã viết nên một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử, về nghị lực vượt khó vươn lên hoàn cảnh, nỗ lực chăm sóc nuôi dạy các con nên người, xây dựng gia đình hạnh phúc. Tấm gương của chị thật đáng trân trọng.

 

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Hồng Nga

 

NGỌC QUỲNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
Thứ Sáu, 23/06/2017 12:40 CH
Bà Quốc giỏi giang
Thứ Bảy, 17/06/2017 09:11 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek