Nhà báo Hữu Bình vừa tròn 60 tuổi đời, với 38 năm công tác, trong đó có hơn 20 năm làm báo. Điều thú vị là trước khi làm nhà báo, Nguyễn Hữu Bình đã có 10 năm làm giáo viên Trường cao đẳng Sư phạm Phú Khánh (nay là Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang). Hiện ông là hội viên các hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Nhà báo Việt Nam, Văn học Nghệ thuật Phú Yên.
Hữu Bình tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Bình, bút danh Ngọc Hữu, sinh ngày 6/6/1957, tại Ninh Bình, quê ở Triệu Phong (Quảng Trị). Do hoàn cảnh chiến tranh nên con đường học vấn của Nguyễn Hữu Bình thời niên thiếu lắm vất vả gian truân. Khi theo cha mẹ sơ tán lên Thái Nguyên, Hữu Bình thi đỗ vào Trường chuyên cấp III Lương Ngọc Quyến (hệ lớp 10). Tốt nghiệp cấp III, Hữu Bình thi vào Trường đại học Sư phạm Vinh (nay là Trường đại học Vinh). Sau cách mạng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, là con em miền Nam, Nguyễn Hữu Bình được chuyển vào Trường đại học Sư phạm Huế để tiếp tục học tập. Hữu Bình tự hào: “Tôi tốt nghiệp năm 1979. Đây là khóa sư phạm đầu tiên sau cách mạng giải phóng - khóa I: 1975-1979”. Sau đó, ông có thời gian 10 năm (1979-1989) “làm người đưa đò” ở Trường cao đẳng Sư phạm Phú Khánh.
Sau ngày tái lập tỉnh, Nguyễn Hữu Bình về công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin Phú Yên (nay là Sở VH-TT-DL). Từ đây, ông bắt đầu mon men đến với nghề báo khi được phân công biên tập đặc san Trung tâm Thông tin Triển lãm tỉnh Phú Yên. Cũng trong thời gian này, ông trở thành cộng tác viên của Báo Phú Yên. Những bài viết của Hữu Bình lúc đó chuyên về văn hóa dân gian và niềm đam mê để ông hăng say viết nhiều hơn, theo Nguyễn Hữu Bình chia sẻ là “nhờ nhà báo Hà Bình. Thời điểm đó, anh Hà Bình (nay nghỉ hưu ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) làm Phó Tổng Biên tập Báo Phú Yên, kiêm Giám đốc Xí nghiệp In tổng hợp Phú Yên, luôn động viên, gợi mở và đặt bài để tôi viết. Từ đó, niềm đam mê viết báo đã ăn sâu trong tôi tự lúc nào không biết”.
Vai trò, nhiệm vụ nhà báo của Hữu Bình được thể hiện đậm nét hơn khi ông công tác ở Phòng Quản lý nghiệp vụ (Sở Văn hóa - Thông tin Phú Yên) từ năm 1990-2008 và làm Trưởng Phòng Thông tin - Xuất bản - Báo chí (Sở TT-TT Phú Yên). Trong thời gian này, Nguyễn Hữu Bình được Báo Văn hóa (Bộ Văn hóa - Thông tin) mời làm phóng viên thường trú tại Phú Yên. Những đồng nghiệp của nhà báo Hữu Bình trong và ngoài tỉnh đều có chung nhận xét: “Tuy công việc quản lý bề bộn, nhưng sau những chuyến công tác ngoài tỉnh, chắc chắn Hữu Bình sẽ trải lòng bằng những bài báo chia sẻ cảm xúc về địa danh, về con người, về văn hóa cuộc sống... nơi mình đặt chân đến”.
Nhà báo Hữu Bình cũng được các trường đại học, cao đẳng ở Phú Yên mời thỉnh giảng các chuyên đề về công tác thông tin đối ngoại của báo chí, vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền biển đảo... Ngoài ra, với uy tín và đạo đức nghề nghiệp, nhà báo Hữu Bình được mời tham gia Ban Biên tập Tạp chí Trí thức Phú Yên hay làm thành viên hội đồng giám khảo của các cuộc thi báo chí do các cơ quan trong tỉnh tổ chức.
Ngoài những bài báo đăng tải ở các báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh, nhà báo Hữu Bình còn xuất bản 3 đầu sách: Tập thơ Thao thức (in chung); công trình nghiên cứu Lễ bỏ mả của người Ê Đê tỉnh Phú Yên và Dọc đường cảm tác. Hiện ông đang hoàn chỉnh bản thảo tập Đường về để chuẩn bị xuất bản vào cuối năm 2017.
PGS-TS Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học, đánh giá: “Nhà báo Hữu Bình là một người chỉn chu trong công việc, đam mê nghiên cứu văn hóa dân gian, tận tâm tận lực với nghề. Đặc biệt, ông luôn có tinh thần chia sẻ và tham mưu về nghiệp vụ báo chí”.
HOÀNG HÀ THẾ