Dù chỉ học phổ thông, nhưng ông Đỗ Văn Trường ở thôn Thạch Chẩm, xã Hòa Xuân Tây đã chịu khó học hỏi, tiên phong đưa cây sen cao sản từ miền Tây Nam Bộ về trồng trên đất lúa huyện Đông Hòa. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trồng và bao tiêu sản phẩm loại cây này cho nhiều nông dân ở Đông Hòa, mang lại thu nhập cao.
Cơ duyên đến với cây sen cao sản của ông Trường rất tình cờ. Cách đây 10 năm, trong một lần đi thăm người thân ở TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ông quen một chủ cơ sở chuyên cung cấp giống sen cao sản và thu mua hạt loại cây này. Vậy là ông lân la hỏi thăm về hiệu quả giống sen này và quyết định mua 700 dây giống về trồng thử nghiệm trên diện tích 1,5ha đất lúa một vụ bấp bênh của gia đình. Mua sen về trồng, nhưng ngặt nỗi là không biết kỹ thuật chăm sóc, vì chủ cơ sở cung cấp giống ở Cam Ranh cũng chỉ là người mua đi bán lại. Muốn nắm vững kỹ thuật trồng giống sen này thì phải vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ để học hỏi. Vậy là ông lại “khăn gói” vào tận tỉnh Đồng Tháp, tìm đến những người nông dân chuyên trồng sen cao sản để học hỏi kinh nghiệm, với hy vọng giúp gia đình ông thoát khỏi cảnh khó khăn.
Theo ông Trường, sen cao sản cũng giống như giống sen địa phương, có thể thu hoạch liên tục từ tháng 3-8 âm lịch. Nhưng giống sen địa phương chỉ đạt năng suất từ 2-3 tấn gương (đài và hạt)/ha, hạt lại nhỏ; còn giống sen cao sản thì cho năng suất từ 8-10 tấn/ha. Với giá bán từ 10-16 triệu đồng/tấn, tùy thời điểm, sau khi trừ chi phí, người trồng có lãi hàng trăm triệu đồng/ha. Sen chỉ trồng một lần nhưng cho thu nhập nhiều năm. Từ tháng 9 năm trước đến tháng 1-2 năm sau, cây sen ra lá và trổ hoa, nhưng gốc thì vẫn còn lưu giữ dưới lớp đất bùn để vụ sau tiếp tục phát triển, trổ hoa và cho hạt. Chỉ ô ruộng nào nước ngập sâu trong nhiều ngày thì gốc sen chết, người trồng phải mua giống mới về trồng dặm.
Để cây sen phát triển tốt, người trồng phải bón phân NPK, khoảng 200kg/ha/năm. Loại cây này cũng thường mắc một số bệnh như: rầy, bọ trĩ, nấm và ốc bươu vàng gây hại. Vì vậy, khi cây mắc bệnh thì phải xả nước khô chân ruộng và phun thuốc để tránh lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất. Ông Trường tính toán: “Nếu trồng đúng kỹ thuật, chi phí 1ha sen chỉ khoảng 22 triệu đồng/năm, nhưng có thể mang về thu nhập trên dưới 100 triệu đồng, mà không tốn nhiều công chăm sóc”.
Thấy được hiệu quả kinh tế, nhiều nông dân ở xã Hòa Xuân Tây và các xã lân cận của huyện Đông Hòa như: Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Nam, Hòa Tân Đông và thị trấn Hòa Vinh cũng thuê đất, đầu tư trồng loại cây này. Nhiều người tìm đến ông Trường học hỏi kinh nghiệm trồng sen cao sản và ông không ngần ngại chia sẻ. Đến nay, riêng tại xã Hòa Xuân Tây, nông dân đã trồng gần 50ha sen cao sản.
Không chỉ nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trồng sen, ông Trường còn làm dịch vụ thu mua gương sen của nông dân trong vùng, chở vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ, với mỗi năm hàng trăm tấn gương sen. Ông Trần Văn Hùng ở thôn Bàn Nham Nam, xã Hòa Xuân Tây, cho biết: Anh Trường rất nhiệt tình truyền đạt kinh nghiệm trồng sen, nhờ vậy mà tôi có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình. Không riêng gì tôi, ở xã này cũng có nhiều người được anh ấy giúp đỡ trồng loại cây này”.
Ông Nguyễn Văn Thư, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Hòa, nhận xét: Ông Đỗ Văn Trường là nông dân tiêu biểu của huyện trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi đánh giá rất cao mô hình của ông và đang khuyến khích nông dân học hỏi, nhân rộng diện tích, góp phần đẩy mạnh phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.
VÂN NGUYÊN