Chồng công tác ở ngoài đảo xa, một mình đảm đang thay chồng nuôi dạy hai con nên người, chị Đặng Thị Thanh Huyền ở phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) không chỉ là một người vợ, người mẹ giỏi giang, giàu nghị lực mà còn là một giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
“Hậu phương” mạnh mẽ
Kết hôn năm 1997, năm 1998, vợ chồng anh Nguyễn Văn Giáp và chị Đặng Thị Thanh Huyền sinh cô con gái đầu lòng Quỳnh Anh. Con gái được 3 tuổi, thượng tá Nguyễn Văn Giáp chuyển công tác vào Trạm ra đa 68 ở phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa). Thấy Phú Yên đất lành, con người hiền hòa, tháng 4/2011, anh Giáp quyết định đưa vợ con từ Thanh Hóa vào Phú Yên lập nghiệp. Sau khi vợ con làm quen với vùng đất mới một thời gian, năm 2010, anh Giáp quyết định ra Trường Sa công tác. Công tác ở đảo Song Tử Tây 1 năm 3 tháng anh Giáp trở về đất liền. Lần thứ 2, tháng 1/2015, anh Giáp tiếp tục ra đảo, công tác ở đảo Phan Vinh đến nay đã hơn 2 năm. Lần đầu anh ra đảo, khi đó bé Quỳnh Anh học lớp 6, còn bé Ngọc Anh mới học mẫu giáo.
Thường mỗi ngày chị Huyền dậy từ lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị bữa sáng và lo cho các con đến trường, sâu đó chị Huyền đến Trường tiểu học Chu Văn An công tác. Buổi trưa, sau khi đi dạy về, chị đến trường đón con, rồi tranh thủ tạt vào chợ mua thức ăn về làm cơm. 1 giờ chiều, chị lại tiếp tục chở con gái lớn đến trường. Thường mỗi tối cho các con ăn uống, học tập xong, sau 9 giờ chị mới có thể ngồi vào bàn soạn giáo án giảng dạy ngày hôm sau. Mọi việc trong ngày chị đều lên lịch “giờ nào việc ấy” một cách chuẩn xác, rõ ràng.
Chồng ở xa, lại không có người thân bên cạnh, bao năm sống một thân một mình nơi đất khách, đã rèn luyện cho chị Huyền tính cách độc lập, mạnh mẽ, tháo vát. Khi quyết định xây dựng gia đình với một người lính, chị tự dặn lòng phải không ngừng nỗ lực, bởi bản thân người lính luôn đặt nhiệm vụ lên trên hết, không có nhiều thời gian dành cho vợ con. Ngoài những công việc chợ búa bếp núc, chăm sóc dạy bảo con mỗi ngày, chị Huyền có thể tự tay sửa vòi nước bị hỏng, thay bóng điện bị cháy, chằng chống nhà cửa mỗi khi bão đến… thành thạo những việc mà người đàn ông vẫn thường làm. Hai con gái cũng được mẹ rèn tính cách độc lập ngay từ nhỏ. Cô con gái đầu Quỳnh Anh biết nấu cơm, giặt giũ, lau nhà… giúp mẹ, còn con gái út Ngọc Anh biết tự ăn, tự chơi rất ngoan. Nhìn các con mỗi ngày một khôn lớn, hiền ngoan, khỏe mạnh, học giỏi, bao mệt mỏi trong cuộc sống thường nhật của chị Huyền dường như tan biến.
Cây phong ba trên đảo xa
Đó là bài hát mà cô con gái út Ngọc Anh rất yêu thích từ những ngày còn nhỏ. “…Cây phong ba trên đảo Trường Sa như chú hiên ngang đêm ngày giữ đảo/ Mắt vẫn đăm đăm, súng chắc trong tay cho cánh hải âu yên lành bay trong nắng…”. Qua lời bài hát, cô bé thấy hình ảnh của ba và các đồng đội của ba thật gần gũi, thân thương vững vàng như cây phong ba trên đảo xa. Cô bé luôn cảm thấy tự hào mỗi khi nhắc về ba Giáp của mình với các bạn trong lớp, cảm thấy rộn ràng vào mỗi tối nhìn vào những bức ảnh của ba trong album.
Những năm gần đây, sóng điện thoại đã nối được đất liền với đảo. Tối nào, anh Giáp cũng gọi điện về trò chuyện với vợ và hai con hỏi: “Hôm nay con đi học ở trường có gì vui không? Con làm bài được mấy điểm? Hai con có giúp mẹ làm việc nhà không? Con đi học có vui không?”. Anh hỏi vợ những công việc thường ngày, hỏi vợ có khỏe không và động viên vợ công tác tốt. Những lúc như vậy, khoảng cách giữa anh với chị như gần lại. Chị Huyền nghe được giọng nói, tiếng cười thân thương của chồng, nghe được cả tiếng gió, tiếng sóng biển và tiếng nói của những đồng đội của anh ở Trường Sa. Chị Huyền bảo rằng, những khi như vậy, chị càng thấy thương anh hơn. Bởi sống xa gia đình, không nhìn thấy vợ con mỗi ngày, trong lòng anh thể nào cũng tràn ngập nỗi yêu thương, lo lắng. Những lúc như vậy, chị luôn động viên chồng yên tâm công tác, mọi việc gia đình đã có chị đảm đương, lo liệu. Còn với chị cả Quỳnh Anh, niềm tự hào về ba Giáp đã trở thành động lực để Quỳnh Anh học tập, rèn luyện, phấn đấu. Chị Huyền mỉm cười thổ lộ: “Con bé rất giống ba, từ cả dáng đi, tướng ngồi cho đến cả tính tình. Quỳnh Anh rất biết chia sẻ, giúp đỡ mọi người, thương yêu mẹ, chăm lo cho em gái chu đáo, mỗi khi mẹ bận công tác. Con bé học rất giỏi và chăm ngoan. Hiện Quỳnh Anh là sinh viên năm thứ nhất Học viện ngoại giao Việt Nam (ở Hà Nội).
Chị Huyền tâm sự: “Sống xa chồng, dù mạnh mẽ đến đâu cũng khó tránh khỏi cảm giác buồn, cô đơn. Nhìn bạn bè có chồng chăm sóc và những gia đình hàng xóm sớm tối, nắng mưa được sum vầy bên nhau, tôi không khỏi chạnh lòng. Nhất là vào những lúc con bé nhỏ bị bệnh tiêu chảy, ôm con nằm viện hơn cả tuần lễ ở bệnh viện, bé lớn một mình trong ngôi nhà vắng, chị không khỏi chảy nước mắt. Hay vào dịp tết, không có anh, ba mẹ con cũng không tránh khỏi cảm giác trống trải. Tuy nhiên, mẹ con tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của những người xung quanh, của địa phương, đồng đội của chồng ở Trạm ra đa 68 và các đồng nghiệp của tôi ở Trường tiểu học Chu Văn An”. Điều đáng quý là không chỉ thay chồng chăm lo nuôi dạy con nên người, lo chu đáo việc nhà, chị Huyền còn là một giáo viên gương mẫu, có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ, luôn được học trò kính trọng, đồng nghiệp yêu mến. Năm 2012, chị còn đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Thạnh Phạm Thị Mỹ Liên nhận xét: Mặc dù chồng công tác ở Trường Sa, lại không có người thân bên cạnh đỡ đần, nhưng cô Huyền luôn vượt khó, giỏi giang, không chỉ đảm việc nhà mà còn giỏi việc nước. Tấm gương và nghị lực của cô Huyền rất đáng trân trọng.
NGỌC DUNG