Đến Khoa Kỹ thuật - Công nghệ (Trường đại học Phú Yên), hỏi sinh viên năm 4 Trần Thị Phương Trâm thì hầu như ai cũng biết. Phương Trâm và bạn có đề tài nghiên cứu khoa học “Ứng dụng Mind Mapping học các ngôn ngữ lập trình” đạt giải nhất cấp trường và đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp tỉnh.
Vượt khó nghiên cứu khoa học
Trần Thị Phương Trâm - Ảnh: KIỀU ANH |
Sinh ra trong gia đình thuộc hộ cận nghèo, nhưng Phương Trâm rất đam mê nghiên cứu khoa học. Để có kinh phí cho hoạt động này, Trâm phải chủ động tìm kiếm nhiều công việc làm thêm, hết phụ quán cà phê lại làm ở tiệm photocopy, thu nhập 400.000-500.000 đồng/tháng để phần nào hỗ trợ cho việc học tập và nghiên cứu của mình.
Cô sinh viên quê thôn Phước Mỹ, xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) này luôn xác định phải học tập thật tốt để giúp mình và gia đình sớm thoát nghèo. Chính vì vậy, nhiều năm liền Phương Trâm đứng vị trí nhất lớp và được nhận học bổng của trường.
Đầu năm 2016, Trường đại học Phú Yên phát động phong trào sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, Phương Trâm cùng với bạn Mỹ Thương mạnh dạn đăng ký nghiên cứu đề tài “Ứng dụng Mind Mapping học các ngôn ngữ lập trình”, dưới sự hướng dẫn của TS Võ Thị Hồng Loan, Phó Trưởng Khoa Kỹ thuật - Công nghệ. Phương Trâm chia sẻ: “Lý do mình chọn đề tài này đơn giản vì lòng đam mê, muốn học hỏi, tìm tòi những lĩnh vực mới; đồng thời phần nào giúp cho các bạn sinh viên học tốt hơn phần ngôn ngữ lập trình”. Theo Phương Trâm, hiện nhiều sinh viên còn lan man, không có phương pháp ghi nhớ các nội dung trọng tâm khi học các ngôn ngữ lập trình. Một số ngôn ngữ được xây dựng dựa trên các ngôn ngữ khác, trong đó có những phần căn bản và một số câu lệnh điều khiển về cơ bản có nguyên tắc hoạt động gần giống hệt nhau. Qua gần 4 tháng tìm tòi, nghiên cứu, Phương Trâm cùng Mỹ Thương đã nhận thấy những đặc điểm chung và riêng của ngôn ngữ lập trình. Từ đó, hệ thống hóa thành sơ đồ trong việc học ngôn ngữ lập trình C, Pascal.
Phương Trâm tâm sự: Hiện đang là sinh viên năm cuối, áp lực học tập cao nhưng mình vẫn quyết định đăng ký thực hiện tiếp một đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường về “Xây dựng phần mềm quản lý nhân sự tại Trường đại học Phú Yên”, dưới sự hướng dẫn của ThS Lê Thị Thu Oanh, với mong muốn hỗ trợ công tác quản lý nhân sự ứng dụng tại Phòng Tổ chức cán bộ của trường để mang lại hiệu quả tối ưu nhất.
Xứng danh Sinh viên 5 tốt
Phương Trâm chia sẻ: “Để làm một đề tài nghiên cứu khoa học, cần nhất là tính kiên trì và lòng đam mê. Một khi chúng ta cảm thấy yêu thích lĩnh vực nào đó, muốn khám phá tìm hiểu về nó thì mới có thể “say” với nó được. Càng hăng say thì việc nghiên cứu càng hiệu quả”.
Năm học 2015-2016, Phương Trâm và Mỹ Thương đạt giải nhất cấp trường trong cuộc thi “Sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học”, có bài đăng trong kỷ yếu Hội thảo khoa học sinh viên và cán bộ trẻ các trường đại học Sư phạm toàn quốc năm 2016. Song song với việc học, Phương Trâm còn hăng hái tham gia các phong trào đoàn thể, hiện là Bí thư Chi đoàn lớp. Đồng thời, Phương Trâm còn tham gia hiến máu nhân đạo, thành viên Câu lạc bộ ITC, tình nguyện viên của “Đội tình nguyện giữ gìn bãi biển Tuy Hòa xanh, sạch, đẹp”, tích cực tham gia các phong trào, hội thi “Thủ lĩnh sinh viên” tỉnh Phú Yên lần I, thi viết và tìm hiểu các kiến thức thực tế do Tỉnh đoàn, Đoàn trường phát động, tổ chức…
Vừa qua, Phương Trâm là một trong 190 gương mặt được Hội Sinh viên tỉnh khen thưởng trong chương trình “Vinh danh sinh viên Phú Yên tiêu biểu” năm học 2015-2016, hiện đang hoàn thành hồ sơ để trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp tỉnh năm học 2015-2016; có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên của trường. Đặc biệt, Phương Trâm được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong năm học 2015-2016.
Cô Nguyễn Thị Lê Nin, Phó Bí thư Đoàn trường đại học Phú Yên nhận xét: “Trâm rất năng nổ trong mọi hoạt động Đoàn cũng như trong học tập, có thành tích học giỏi nhất lớp và tinh thần trách nhiệm cao. Nghiên cứu khoa học không còn quá mới lạ trong sinh viên, nhưng hiện nay số lượng sinh viên thực hiện hoạt động này còn khá ít. Vì thế, tinh thần vượt khó đam mê khoa học của Phương Trâm sẽ giúp cho các bạn sinh viên hứng thú mà tham gia nhiều hơn trong thời gian tới”.
KIỀU ANH