Là thương binh hạng 2/4, đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng với truyền thống, phẩm chất của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Ngô Văn Nhặt (xã Hòa Mỹ Tây, Tây Hòa) vẫn năng nổ trong các hoạt động của Hội Cựu chiến binh xã, tích cực tăng gia sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng. Đặc biệt, ông đã tự bỏ tiền túi và vận động con cháu trong gia đình góp công, góp sức bê tông hóa đoạn đường dài hơn 160m để bà con đi chung…
Ông Ngô Văn Nhặt (trái) được các đồng chí lãnh đạo tỉnh khen ngợi, đánh giá cao việc làm đầy ý nghĩa - Ảnh: X.HIẾU
Cũng như bao thanh niên yêu nước, năm 1962, khi vừa tròn 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Ngô Văn Nhặt vào bộ đội, tham gia kháng chiến tại chiến trường Phú Yên. 4 năm sau, trong một trận đánh lớn ông bị thương nặng, sau đó phải chuyển ngành. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Nhặt trở lại quê nhà cùng gia đình, bà con chung tay, góp sức xây dựng cuộc sống mới.
Là thương binh nặng, tuy sức khỏe không được đảm bảo nhưng với bản chất của người lính Cụ Hồ, ông Nhặt đã làm đầu tàu và vận động vợ con trong gia đình (vợ ông cũng là một cựu chiến binh) tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng và đóng góp công sức xây dựng xã, thôn.
Được sự quan tâm của tỉnh, huyện và sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân, xã Hòa Mỹ Tây từng bước thay da đổi thịt, nhà cửa khang trang, một số nơi đã có đường nhựa, đường bê tông. Tuy nhiên, đoạn đường đi ngang nhà ông dài hơn 160m sau gần 40 năm đất nước được giải phóng vẫn là con đường đất “nắng bụi, mưa bùn”, gồ ghề khó đi. Từ lâu ông dành dụm, tích góp được một khoản tiền, rất muốn nâng cấp đoạn đường này nhưng nguồn lực của bản thân có hạn nên chưa thể thực hiện.
Gần đây, khi xã Hòa Mỹ Tây triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó tỉnh hỗ trợ 100% xi măng. Nắm được thông tin này, không bỏ lỡ cơ hội, ông đã bàn bạc với vợ con và đến Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đăng ký, xin được bê tông hóa đoạn đường đã dự tính. “Sau khi nhờ người đo đạc, tính toán chi tiết, tôi biết dự toán chi phí để bê tông toàn bộ đoạn đường khoảng 50 triệu đồng (chưa kể xi măng). Với kinh phí này, một mình không thể lo nổi, nên tôi định kêu gọi một số hộ khác tham gia. Ngặt nỗi, đoạn đường khá dài nhưng chỉ có 2 hộ hưởng lợi trực tiếp, trong đó hộ thứ hai là đối tượng chính sách, già yếu. Còn những hộ hưởng lợi gián tiếp, chỉ đi lại canh tác, sản xuất hoa màu… nên cũng không ai đóng góp”, ông Nhặt cho biết.
Với quyết tâm làm cho bằng được con đường bê tông, ông Nhặt đã tổ chức họp gia đình, vận động tất cả con cháu cùng đóng góp ngày công. “Thấy ổng quyết tâm quá, ngày đêm đau đáu việc này nên cả gia đình đều ủng hộ”, vợ ông Nhặt thổ lộ.
Được sự đồng thuận, thống nhất cao của cả gia đình, ông Nhặt đứng ra chủ trì việc phát dọn cây cối, giải phóng mặt bằng và thuê xe chở cát, sạn… về tập kết sẵn. Khi được cấp xi măng, ông tiếp tục huy động, chỉ huy con cháu và thuê thợ tiến hành đổ bê tông. Chỉ trong 5 ngày (trong đó có 2 ngày giải phóng mặt bằng), đoạn đường với chiều dài hơn 160m, rộng 2,5m đã hoàn thành trong niềm vui tột bậc của gia đình và hàng xóm láng giềng. Sau đó Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và Hội đồng nghiệm thu của xã đã nghiệm thu, đưa vào sử dụng chung. Ngắm tới ngắm lui con đường phẳng phiu, ông Nhặt phấn khởi cho biết: “Nhờ tận dụng ngày công lao động nên toàn bộ chi phí (chủ yếu là cát, sạn và tiền công thợ đổ bê tông) chỉ xấp xỉ 21 triệu đồng, giảm gần 3/5 so với dự toán ban đầu. Đối với gia đình tôi, số tiền trên là không nhỏ nhưng có con đường thì nhiều người đi lại thuận lợi, nhất là trong mùa mưa, giá trị ấy lớn hơn nhiều. Có tiền, nhưng nếu không có chủ trương của Chương trình xây dựng nông thôn mới thì tôi khó mà thực hiện được ước nguyện của mình là thực hiện đoạn đường bê tông này”.
Theo Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Hòa Mỹ Tây, sau khi tham quan đoạn đường bê tông do gia đình ông Nhặt tự bỏ tiền thi công, nhiều nơi trong xã đã học tập, làm theo, cùng dấy lên phong trào bê tông hóa đường làng, ngõ xóm. Bà con tự giác đóng góp công sức, tiền bạc, hiến đất… để làm đường. Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2013, cả xã Hòa Mỹ Tây đã bê tông hóa hơn 7km đường. Và hiện nay, hầu hết tuyến đường trong các thôn, xóm ở xã miền núi này đều đã xong phần mặt bằng, đăng ký xi măng để thi công trong năm 2014.
XUÂN HIẾU