Say mê, tận tụy với nghề, cô Trần Thị Trúc Mai (SN 1986), giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên đã giúp nhiều học sinh tự kỷ tiến bộ và hòa nhập với cộng đồng.
Cô Mai hướng dẫn một học trò tự kỷ nhận biết các loài hoa - Ảnh: K.HÀ
Khi chúng tôi đến, cô Mai đang hướng dẫn cho bé Đoàn Lê Phương Thảo mắc chứng tự kỷ nhận biết các loại hoa ở phòng dạy cá nhân. Vì Thảo không thể nói được, khả năng tập trung lại kém nên cô kiên trì, chậm rãi, nhắc đi nhắc lại nhiều lần và trực tiếp cầm tay em chạm vào các loại hoa để cảm nhận rõ hơn. Cô Mai chia sẻ: “Dạy cho trẻ tự kỷ phát âm được một từ mới hay nhận biết được một vật mới là cả một quá trình kéo dài có khi cả mấy tháng. Chỉ có yêu thương trẻ, say mê nghề mới giúp chúng tôi gắn bó lâu với nghề”.
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp ngành Giáo dục đặc biệt Trường đại học Quy Nhơn, Mai về nhận công tác tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên. Ban đầu, cô được phân công dạy trẻ khiếm thính. Mặc dù đã được đào tạo đúng nghiệp vụ, nhưng những ngày đầu đứng trên bục giảng, cô giáo trẻ quê ở xã An Nghiệp (Tuy An) không khỏi bỡ ngỡ. Sau đó, càng gắn bó và chứng kiến niềm khát khao được học tập của học sinh không được may mắn này, Mai như được tiếp thêm nhiệt huyết để theo đuổi nghề đã chọn. Cuối năm 2008, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên mở thêm các lớp dành cho trẻ tự kỷ, cô cùng một số giáo viên khác chuyển sang đảm nhiệm lớp Can thiệp sớm (dành cho trẻ mắc bệnh tự kỷ dưới 6 tuổi). Theo Mai, dạy trẻ tự kỷ khá phức tạp vì không hề có giáo án hay phương pháp cụ thể mà hầu hết là tùy vào tình trạng của từng em để có cách dạy và trị liệu riêng. Vì thế, thời gian đầu, cô gặp không ít khó khăn. Mai bộc bạch: “Khi mới đến trường, các em đều có những biểu hiện bất thường như la hét, khạt
nhổ, chạy nhảy, cào cấu bạn, xé giấy, quăng đồ đạc trong lớp học và thậm chí đánh, cắn và xô đẩy cả cô giáo. Lúc đầu tiếp xúc, tôi cũng sợ lắm. Nhưng khi đã quen rồi, tôi thấy thương các em như con của mình. Mỗi khi thấy các cháu làm được điều gì mới do mình dạy, tôi rất vui”.
Gắn bó với trẻ tự kỷ, Mai dành nhiều tâm huyết để đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao hiệu quả giáo dục các em. Ngoài tham gia các lớp tập huấn, hội giảng cấp trung tâm, Mai còn cùng các giáo viên của Phòng Can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập thường xuyên dự giờ, tổ chức các chuyên đề. Ngoài đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng “Một số thủ thuật nhằm giảm hành vi bất thường của trẻ tự kỷ trong Can thiệp sớm năm 2013” được hội đồng khoa học của trung tâm đánh giá cao, áp dụng rộng rãi trong các giờ học, cô Mai đang hoàn thiện một đề tài mới là “Nâng cao hứng thú cho trẻ tự kỷ trong giờ học cá nhân”. Với đề tài này, Mai hy vọng sẽ giúp các em tăng khả năng chú ý, tập trung, góp phần nâng cao hiệu quả giờ dạy.
Phó hiệu trưởng Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên Võ Thị Thùy Giang nhận xét: Mặc dù là một giáo viên trẻ nhưng cô Mai rất xông xáo, nhiệt huyết và say mê nghề. Với những nỗ lực trong giảng dạy và hoạt động xã hội, năm học 2013-2014, cô được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và bổ nhiệm làm Phó phòng Phòng Can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập của trung tâm. Với năng lực sư phạm cùng tấm lòng yêu thương trẻ, tôi tin rằng Mai sẽ luôn khẳng định giá trị của “cô giáo như mẹ hiền” trong mắt trẻ khuyết tật”.
KHÁNH HÀ