Thứ Ba, 15/10/2024 07:19 SA
Mấy vấn đề về cải cách hành chính
Thứ Năm, 23/09/2010 10:00 SA

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ rõ tính chất quan trọng và sự cần thiết phải tiến hành cải cách hành chính. Cải cách hành chính là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; góp phần ngăn ngừa tiêu cực, lãng phí. Đối với UBND tỉnh, cải cách hành chính luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và được triển khai khá toàn diện trên tất cả các mặt.

 

tien100923.jpg

Đồng chí Hồ Văn Tiến, Chánh Văn phòng UBND tỉnh trình bày tham luận - Ảnh: M.KÝ

 

Trong thời gian qua, chúng ta đã tiến hành cải cách hành chính từng bước, thận trọng. Việc tổ chức, chỉ đạo công tác cải cách hành chính được thực hiện đồng bộ, bám sát nội dung, chương trình tổng thể, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ, Nghị quyết Trung ương V (khóa X). Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước tỉnh Phú Yên đến năm 2010 được xác định với các nội dung chủ yếu là: Cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước; trong đó xác định cải cách thủ tục hành chính là khâu quan trọng và được đặt ra ngay từ giai đoạn đầu của tiến trình cải cách hành chính theo Nghị quyết 38 ngày 4/5/1994 của Chính phủ về cải cách một bước thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Trên tinh thần đó, những năm qua cải cách hành chính Nhà nước nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng đã được các ngành, các cấp trong tỉnh quán triệt triển khai nghiêm túc và thu được kết quả bước đầu tích cực.

 

- Việc cải cách theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với việc thực hiện cơ chế “một cửa” theo Quyết định số 181 ngày 4/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai nghiêm túc từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, tất cả các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn đều thực hiện cơ chế “một cửa”. Qua triển khai thực hiện cơ chế này, bước đầu cho thấy rằng cơ chế “một cửa” là giải pháp đổi mới hữu hiệu về phương thức làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước ở các ngành, các cấp, bước đầu đã tạo chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan Nhà nước với các tổ chức, doanh nghiệp và công dân, giảm bớt phiền hà, chi phí, thời gian, công sức, đồng thời cũng đã điều chỉnh một bước về tổ chức bộ máy và đổi mới cải tiến chế độ làm việc và quan hệ công tác trong cơ quan hành chính Nhà nước.

 

- Nếu cơ chế “một cửa” đã góp phần đổi mới phương pháp làm việc, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và quan hệ công tác giữa các cơ quan nhà nước với tổ chức, doanh nghiệp và công dân, thì cơ chế “một cửa liên thông” theo Quyết định 93 ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nội dung mới có tính hoàn thiện hơn cơ chế “một cửa”. Thực chất cơ chế này là cơ chế giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của nhiều cơ quan hành chính Nhà nước cùng cấp hoặc giữa các cấp hành chính từ hướng dẫn, tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ, giải quyết, đến trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại một cơ quan Nhà nước.

 

Qua hơn 3 năm thực hiện mô hình này ở Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh, UBND TP Tuy Hòa và UBND huyện Phú Hòa cho thấy cơ quan Nhà nước có trách nhiệm hơn trong quy trình xử lý hồ sơ, công việc, thủ tục hành chính được gọn hơn, thời gian giải quyết công việc nhanh hơn, hạn chế tổ chức, công dân cầm hồ sơ đi từ cơ quan này đến cơ quan khác.

 

- Có thể nhận thấy kết quả bước đầu của cải cách thủ tục hành chính thông qua cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đã góp phần giảm việc đi lại của tổ chức, công dân, doanh nghiệp, giảm thời gian giải quyết công việc từ 3-5 ngày, hồ sơ giải quyết đúng hẹn đạt tỉ lệ cao, tạo thuận lợi hơn cho nhân dân, các nhà đầu tư, tổ chức và doanh nghiệp trên các lĩnh vực như: hộ tịch, hộ khẩu, công chứng, chứng thực, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nộp thuế…

 

- Đi đôi với việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, tỉnh cũng đã tích cực triển khai việc đơn giản hóa thủ tục hành chính Nhà nước theo Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Đã thành lập tổ công tác chuyên trách thực hiện Đề án 30 của tỉnh do Chánh Văn phòng UBND tỉnh làm tổ trưởng. Đã tiến hành rà soát 1.227 thủ tục hành chính, sửa đổi 575 thủ tục, hủy bỏ 132 thủ tục hành chính, đạt tỉ lệ 57,6%, vượt 27,6% tỉ lệ do Thủ tướng Chính phủ giao. Đến nay cơ bản đã hoàn thành, vượt trước thời hạn hơn 2 tháng và lần đầu tiên chính quyền các cấp của tỉnh Phú Yên có bộ thủ tục hành chính tương đối hoàn chỉnh được pháp lý hóa và được công bố công khai trên toàn quốc, làm căn cứ pháp lý cho mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện.

 

Đạt được những kết quả trên, ngoài sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp từ tỉnh đến cơ sở, còn có sự chỉ đạo chặt chẽ, liên tục của Chính phủ, sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND các cấp, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

Kinh nghiệm cho thấy rằng: cùng một chủ trương, cơ chế chính sách, nhưng nơi nào có sự quan tâm lãnh đạo sâu sát, quyết liệt của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan thì kết quả thực hiện cải cách hành chính ở đó đạt kết quả tốt hơn.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được như trên thì việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính còn có những hạn chế chủ yếu như sau:

 

- Nhiều nơi, nhiều chỗ kết quả giải quyết hồ sơ hành chính trên một số lĩnh vực cho tổ chức, công dân vẫn còn thấp so với yêu cầu đề ra. Nhiều hồ sơ giải quyết chưa đúng hẹn, nhất là trên lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng…

 

- Ý thức trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, công vụ, thái độ phục vụ nhân dân của đa số cán bộ, công chức tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm. Một bộ phận cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả còn thiếu trách nhiệm, chưa quan tâm đầy đủ đến thời hạn đã hẹn trả hồ sơ cho tổ chức, công dân nên để hồ sơ tồn đọng, kéo dài, có trường hợp sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức tại bộ phận “một cửa” chưa thạo việc, hạn chế về năng lực, giải thích, tiếp nhận hồ sơ của người dân không được thỏa đáng, đầy đủ dẫn đến việc người dân phải đi lại nhiều lần. Có những công chức phòng chuyên môn khi thẩm định giải quyết hồ sơ còn thiếu linh hoạt, máy móc, còn biểu hiện quan liêu trong xử lý công việc.

 

- Việc triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” còn thiếu đồng bộ, thủ tục giải quyết một số loại hồ sơ hành chính còn bị cắt khúc theo cấp hành chính, chưa tạo thành quy trình giải quyết thống nhất từ tỉnh đến cơ sở nên còn gây phiền hà cho tổ chức, công dân khi thực hiện các giao dịch hành chính. Quan hệ phối hợp trong giải quyết hồ sơ giữa các cấp, các ngành tuy có tiến bộ, nhưng còn tồn tại nhiều thiếu sót, ý thức cộng đồng trách nhiệm giữa các bên chưa cao, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

 

- Công tác tuyên truyền về cải cách thủ tục hành chính tiến hành chưa mạnh và thiếu chiều sâu, chưa tạo ra những chuyển biến căn bản trong nhận thức về trách nhiệm thực hiện công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức và hiểu biết của nhân dân về cải cách thủ tục hành chính.

 

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của bộ phận “một cửa” của cơ quan hành chính các cấp tại một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Công khai thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” ở một số địa phương chưa được tốt theo yêu cầu, như không đầy đủ, thiếu thông tin, không cập nhật kịp thời các quy định mới, nhiều nơi công khai thủ tục nhưng lại thiếu mẫu đơn, mẫu tờ khai.

 

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, cần quan tâm thực hiện những giải pháp sau:

 

- Một là: Thực hiện đồng bộ cải cách thủ tục hành chính với triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Rà soát lại hệ thống thủ tục, đánh giá mức độ phù hợp của các thủ tục và kiểm soát việc định ra các thủ tục mới của các sở, ban, ngành, địa phương. Nhanh chóng đưa vào thực hiện tại bộ phận “một cửa” của cơ quan hành chính các cấp những thủ tục hành chính đã được rà soát, công khai qua thực hiện Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.

 

- Hai là: Tiếp tục quán triệt chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước, nâng cao chất lượng thực hiện cải cách thủ tục hành chính một cách sâu rộng, toàn diện, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước của Chính phủ và Chương trình hành động của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh.

 

- Ba là: Các cấp ủy Đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính; tăng cường trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện, lựa chọn, bố trí cán bộ công chức, kiểm tra chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ cho công dân và tổ chức thông qua bộ phận “một cửa”.

 

- Bốn là: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của cán bộ, công chức và người dân về cải cách thủ tục hành chính. Khen thưởng và khuyến khích những sáng kiến, cách làm hay trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

 

HỒ VĂN TIẾN

Chánh Văn phòng UBND tỉnh

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek