Thời đại của công nghệ thông tin và điện thoại di động đã hình thành cái gọi là “ngôn ngữ chat” trong giới trẻ. Sự biến tướng của hình thức này đã làm méo mó tiếng Việt... “Đọc tin nhắn như đọc mật thư”, đó là lời than vẫn của không ít bậc cha mẹ, người lớn khi đọc được tin nhắn của các con, của các bạn trẻ thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên thời bây giờ. Cách viết này bắt nguồn từ việc các bạn cùng trang lứa đã biến ngôn ngữ chính thống thành ngôn ngữ riêng của mình, do muốn viết nhanh, ngắn gọn.
Ngôn ngữ này dễ dàng thấy qua những đoạn chat trên mạng hay nhắn tin qua điện thoại di động của các em. Khởi đầu là cách viết không dấu, viết tắt đơn giản như: “luk” (lúc), “thik” (thích), “lum” (làm), “j” (gì). Chữ nghĩa đã được đơn giản hóa đến mức tối đa theo cách phát âm, viết tắt. Chẳng hạn “2” có nghĩa là “xin chào”, “yêu” thì được viết thành “iu”, “buồn” thì viết là “bùn” hay “muốn” đều được bỏ chữ “ô”… Việc chấm, phẩy hay viết hoa đầu câu cũng không cần thiết. Những ký hiệu, dấu trong toán học, hóa học cũng được các em sử dụng để viết tin nhắn, khi chat với nhau. Cách sử dụng ngôn ngữ của các em cũng thật “sáng tạo”: Số 0 thay thế cho chữ “o”, số 3 thay thế cho chữ “E”, hay “đồng bằng” thì viết “Cu =” . Các em còn sử dụng nhiều cách để diễn đạt từ ngữ càng ngắn gọn càng tốt mà đôi khi người đọc thuộc lứa tuổi khác không thể hiểu được. Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh ở phường 3 (TP Tuy Hòa) than vãn khi nhận tin nhắn từ cô con gái học lớp 10 gửi về báo tin cho mẹ: “Hum n4j c0n hk zja dj ch0 voj m3 dc 0y, c0n f4j 0 l4j hok th3m” (Hôm nay con không về đi chợ với mẹ được rồi, con phải ở lại học thêm). Không hiểu con viết gì trong tin nhắn, chị Linh phải bấm máy gọi lại cho con gái để hỏi cho rõ.
Em Bùi Thị Thanh Thào - học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Tuy Hòa) cho biết: “Ban đầu, em cũng không có ý định dùng “ngôn ngữ chat”. Nhưng khi nhắn tin cho các bạn, em viết bình thường, thì bị các bạn chê là “quê”, có bạn còn không trả lời. Vì vậy, em đành phải viết tin nhắn lại cho các bạn bằng ngôn ngữ chat, riết rồi thành quen.
Cô giáo Trần Thị Anh Thi (phường 7, TP Tuy Hòa) cho biết, có em học sinh còn dùng ngôn ngữ chat vào bài tập làm văn. Còn chị Lê Thị Mai (phường 5, TP Tuy Hòa) thì phàn nàn rằng chị phải thường xuyên chấn chỉnh cách phát âm sai của cô con gái theo kiểu “mẹ ui”, “trùi ui”…
Việc sử dụng những ngôn ngữ trên đối với lứa tuổi thanh thiếu niên có thể là sự mới lạ, thú vị, hài hước... trong giao tiếp giữa những người bạn cùng độ tuổi. Tuy nhiên, nếu sử dụng ngôn ngữ này thường xuyên có thể khiến các em không ý thức được trách nhiệm giữ gìn, phát triển ngôn ngữ phổ thông, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, về lâu dài sẽ thành thói quen khó sửa.
Ngôn ngữ chat mà các em tuổi thanh thiếu niên sử dụng không vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội nên không thể coi là xấu. Tuy nhiên, dưới góc độ văn hóa, góc độ giáo dục cần ý thức hơn cho thế hệ trẻ trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Do vậy nhà trường, gia đình cần có sự nhắc nhở về vấn đề này một cách nghiêm túc với con em trong độ tuổi này. Dù cách nói, cách viết của các em có mới, có lạ đi chăng nữa thì cũng phải hướng đến mục đích cuối cùng là để người nghe, người đọc hiểu chứ không phải là để mọi người khi nghe phải đoán, người đọc tin nhắn phải ngẫm nghĩ thì quả thật là quá phiền phức.
NGUYỄN TIẾN THÀNH
(phường 9, TP Tuy Hòa)