Trong tháng qua, xăng dầu đã 4 lần tăng giá, giá gas cũng tăng 2 lần. Mỗi lần xăng, gas lên giá, nhiều mặt hàng khác cũng tăng theo; từ các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như: rau củ quả, tôm cá đến các dịch vụ đều tăng. Chị Lê Thị Minh Phương một người buôn bán ở chợ Tuy Hòa giải bày: “Do giá xăng tăng, kéo theo cước vận chuyển tăng nên chúng tôi phải tăng giá bán mới đủ chi phí”.
Các mặt hàng tăng thêm vài ngàn đồng, nhưng nhiều thứ cộng lại cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quỹ chi tiêu của nhiều gia đình, nhất là những hộ nghèo. Bây giờ các gia đình ở TP Tuy Hòa đã quen dùng gas để đun nấu nên dù có tăng cũng phải sử dụng. Chị Nguyễn Thị Hoa (phường 7, TP Tuy Hòa) thổ lộ: “Giá gas lên cao nên tôi cố gắng tiết kiệm bằng cách nhặt củi quanh nhà để đun nước uống buổi sáng cho đỡ tốn”. Còn chị Hồ Thị Xuân Trang (phường 1, TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Trước đây tôi không thích dùng lò vi sóng, nhưng từ khi thấy giá gas tăng, tôi dùng nó để hâm nóng thức ăn. Tôi nấu thức ăn một lần trong ngày, buổi cơm chiều tôi chỉ cần hâm nóng bằng lò vi sóng, vừa tiện lợi vừa không lo tốn gas”. Nhiều “tay hòm chìa khóa” cũng lo đối phó với sự tăng giá theo… xăng, gas bằng cách đi chợ đầu mối ở đường Ngô Quyền vào buổi sáng sớm để mong mua thực phẩm với giá rẻ.
Có thể nói, giá xăng, giá gas tăng đã tác động không nhỏ đến đời sống của người dân, nhất là những người có thu nhập thấp. Anh Quang Tuấn, một người chạy xe ôm ở chợ Tuy Hòa bộc bạch: “giá xăng tăng nên giá mỗi cuốc xe ôm tôi cũng phải tăng thêm vài ngàn, nhưng tăng giá thì khách lại ít đi”.
Liệu rồi đây giá xăng, giá gas có hạ xuống như những lần trước? Vấn đề này đang được nhiều người quan tâm, bởi hầu như giá cả các loại hàng hóa, phương tiện đi lại đều phụ thuộc nhiều vào giá nhiên liệu. Đây là chuyện được người tiêu dùng quan tâm.
ĐOÀN CẢNH QUÂN