Biển vốn dĩ hiền hòa, cho con người tôm cá và nhiều nguồn lợi khác. Với bờ biển dài gần 190km, vùng nội thủy 1.100km2, vùng lãnh hải rộng hơn 2.044km2, biển Phú Yên đã góp phần nuôi sống bao thế hệ người dân. Với tiềm năng to lớn của biển, Phú Yên đang đẩy mạnh lợi thế khai thác để Phú Yên thật sự “mạnh từ biển, giàu từ biển”.
Tuy nhiên, cùng với cho, gần như năm nào biển cũng cướp đi mạng sống của con người, nhất là vào mùa mưa bão.
Cả cuộc đời của bà con ngư dân gắn với biển, với đại dương mênh mông thì những rủi ro khi gặp sóng to gió lớn, bão táp bất ngờ hay chẳng may tàu va vào đá ngầm thì đó là những trường hợp bất khả kháng. Nhưng cũng có nhiều trường hợp do chủ quan, ỷ lại, thiếu hiểu biết nên bị biển cướp đi mạng sống.
Còn nhớ, vào trung tuần tháng tư năm nay, một nhóm hơn 10 học sinh cùng học lớp 4 Trường tiểu học Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu) rủ nhau đi tắm tại bãi biển thôn Hòa Lợi. Trong lúc đùa giỡn (nhảy sóng), bất thần một cơn sóng lớn ập vào cuốn 3 em ra xa, các em còn lại chạy vào bờ kêu cứu. Một số ngư dân đang thả chà tôm gần đó chạy đến, nhưng chỉ kịp cứu được hai em - em còn lại do bị chìm lâu dưới nước nên khi đưa được lên bờ thì đã chết. Trước đó, ngày 28/2/2012, em Bùi Tấn H, học sinh lớp 5B Trường tiểu học số 1 Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa) cùng một nhóm bạn rủ nhau xuống tắm và đùa nghịch với sóng biển tại khu vực thôn Phú Thọ 3, xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) cũng đã bị sóng biển cuốn trôi và tử vong. Và nhiều trường hợp thương tâm khác đã xảy ra ở khu vực biển Tuy Hòa, Đông Hòa… cướp đi mạng sống của nhiều học sinh, sinh viên.
Hiện nay đang là mùa biển động. Với đặc điểm hầu hết là biển bãi ngang nên những khu vực tắm biển ở Phú Yên rất nguy hiểm. Khu vực biển Tuy Hòa cũng không ngoại lệ. Do dòng chảy thay đổi liên tục nên các khu vực thường có nhiều người tắm, như Khách sạn Công Đoàn, khách sạn Long Beach, đường Trần Phú, đường Nguyễn Hữu Thọ… không ổn định; chỗ này cạn, chỗ kia sâu rất thất thường; sóng biển có lúc cao 4-5m, dồn dập, nước rút chảy rất mạnh. Tuy nhiên, vào những ngày này, theo thói quen hàng ngày vẫn có nhiều người xuống biển tắm, có cả trẻ em… Có người cậy mình biết bơi (thậm chí bơi giỏi) nên chủ quan, nhảy sóng ra xa bờ nên có lúc không vào được phải nhờ đến lực lượng cứu hộ đưa phao ra trợ giúp, suýt mất mạng. Cũng có những trường hợp, hầu hết là học sinh, sinh viên không xuống biển tắm nhưng lại thích đùa nghịch với sóng biển hoặc đá bóng làm rơi xuống nước rồi theo ra lấy. Điều này cũng thật nguy hiểm và thực tế đã có không ít trường hợp bị sóng cuốn trôi, nhận chìm dẫn đến tử vong.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, mỗi năm, trên địa bàn Phú Yên xảy ra khoảng 20 vụ đuối nước, nạn nhân chủ yếu là học sinh, sinh viên, trong đó có nhiều vụ đuối nước xảy ra ở các bãi tắm ven biển. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ quan, sự bất cẩn của các gia đình để con em đi chơi tự do, thiếu sự theo dõi.
Để hạn chế thấp nhất tình trạng đuối nước xảy ra, biện pháp hàng đầu là mọi người không nên chủ quan, tắm biển trong lúc biển động, tránh bị sóng lớn nhấn chìm, như trường hợp của ông T ở phường 1 (TP Tuy Hòa) vài năm trước. Khi tắm biển phải biết tự lượng sức mình, không nên vượt quá giới hạn an toàn đã được lực lượng cứu hộ bờ biển cảnh báo. Với các em thiếu niên, nhi đồng không nên chơi đùa, đá bóng, đánh cầu lông ở gần mép nước vì rất dễ bị sóng bất thần cuốn trôi. Với các bậc phụ huynh, cần quản lý chặt, không nên để con em mình đi tắm biển một mình hoặc rủ rê bạn bè xuống sát biển chơi đùa, nghịch sóng. Khi phát hiện trường hợp đuối nước, mọi người cần hô hoán để lực lượng cứu hộ ứng cứu kịp thời, tổ chức sơ cứu đúng cách, chỉ bỏ cuộc khi đã hô hấp nhân tạo được 2 giờ mà không thấy người đuối nước phục hồi.
LÊ HOÀNG
(phường 7, TP Tuy Hòa)