Tăm tre là vật dụng thường ngày của đa số người dân Việt Nam. Trong và sau các bữa ăn, tăm là vật dụng hữu ích giúp loại bỏ các mẩu thức ăn dính ở kẽ răng.
Tăm có thể thay thế nĩa khi ăn một số thức ăn và tăm cũng là vật dụng cần thiết khi các bà nội trợ chế biến một số món ăn. Tăm tre Việt Nam không chỉ dùng trong nước mà còn xuất khẩu, là nguồn thu lớn cho các nhà sản xuất. Tuy nhiên, tăm tre không phải lúc nào cũng có lợi mà trong một số tình huống nó trở thành vật có hại, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng con người. Các trang báo mạng đã đăng tải nhiều trường hợp bị tăm đâm vào mắt gây mù mắt, đâm vào mông gây viêm tấy mông, hóc tăm, đâm thủng ruột gây viêm phúc mạc… Thời gian vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên đã tiếp nhận và điều trị cho 2 bệnh nhân nuốt phải tăm tre.
Anh Đậu Quốc B. (30 tuổi) ở phường 9 (TP Tuy Hòa) nhập viện ngày 7/12/2012 với triệu chứng sốt, đau buốt khi đi cầu, viêm tấy lan tỏa vùng tầng sinh môn trái. Các bác sĩ đã thăm khám trực tràng, lấy ra 1 chiếc tăm tre găm vào thành trực tràng trái. Ngày 8/12, anh B. được phẫu thuật rạch tháo mủ vùng tầng sinh môn trái, dùng kháng sinh liều cao. Anh đã lành bệnh và xuất viện ngày 14/12/2012. Anh B. kể, trước khi nhập viện 2 ngày, anh có dự một cuộc liên hoan với bạn bè; trong buổi liên hoan, anh ăn món mực nhồi thịt và có thể do vô ý, đã nuốt luôn chiếc tăm găm ngang đầu miếng mực. Chiếc tăm, sau quá trình lưu thông trong lòng ruột đã đâm xuyên thành trực tràng trái gây nên biến chứng trên.
Lúc 1g30 ngày 25/12/2012, Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân Huỳnh Thị Tr. (29 tuổi) ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa). Trước đó, chị Tr. hoàn toàn khỏe mạnh; đến 23g ngày 24/12/2012 đột ngột đau dữ dội vùng hạ vị sau đó đau lan khắp bụng. Người nhà đưa chị Tr. vào viện cấp cứu. Sau khi làm các xét nghiệm máu, siêu âm bụng…, chị Tr. được chẩn đoán bị viêm phúc mạc nghi do viêm ruột thừa vỡ, chuyển mổ nội soi cấp cứu lúc 5g40 ngày 25/12/2012. Khi vào ổ bụng, các bác sĩ thấy ruột thừa của chị Tr. chỉ bị viêm thứ phát mà nguyên nhân chính gây nên tình trạng đau dữ dội của chị là do một chiếc tăm tre đâm xuyên thủng ruột non, đầu chiếc tăm xuyên ra ngoài khoảng 1cm. Chiếc tăm được các bác sĩ lấy ra ngoài qua nội soi, khâu chỗ ruột bị thủng. Chị Tr. đã lành bệnh và xuất viện ngày 30/12/2012. Chị Tr. cho biết, trưa 24/12/2012, chị có ăn một tô bánh canh ở một quán ăn vỉa hè và có thể chiếc tăm đã “phục kích” trong tô bánh canh và do vô ý mà chị đã nuốt vào bụng.
Những chiếc tăm tre thật thân thiện và hữu ích. Tuy nhiên, nó sẽ trở nên nguy hiểm nếu chúng ta bất cẩn trong sinh hoạt, ăn uống. Tết cổ truyền sắp đến cũng là dịp mà tần suất các cuộc liên hoan trở nên dày đặc. Mọi người hãy cẩn thận với tăm tre!
Bác sĩ ĐẶNG ANH TOÀN
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên