Thứ Hai, 07/10/2024 23:28 CH
Cùng nhau xoa dịu nỗi đau da cam
Thứ Năm, 29/11/2012 08:30 SA

Chiến tranh đã lùi xa 37 năm nhưng nỗi đau vẫn hiện diện trong nhiều gia đình có người thân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trên khắp đất nước. Giúp những nạn nhân da cam vượt qua nỗi đau, từng bước dựng xây cuộc sống là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sâu sắc lòng nhân ái, sự sẻ chia đùm bọc đáng trân trọng.

 

Trao-da-cam121129.jpg

Đại diện tổ chức Orange Helpers - Hoa Kỳ cùng với ông Trần Trọng Sang, Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam/dioxin huyện Phú Hòa thăm và giúp đỡ anh Nguyễn Văn Lượm (xã Hòa Thắng, Phú Hòa) - Ảnh: K.LIÊN

NỖI ĐAU CÒN ĐÓ

 

Chúng tôi tìm đến nhà cụ Trần Thị Gương (85 tuổi, thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng, Phú Hòa) vào buổi chiều tà, trong căn nhà ẩm thấp, cụ đang đút từng muỗng cơm cho hai người con gái là chị Nguyễn Thị Ngân (SN 1975) và Nguyễn Thị Nhung (SN 1977). Hai chị vẫn như hai đứa trẻ, chỉ biết ngồi một chỗ cười… ngơ ngác.

 

Cụ Gương ngập ngừng kể: “Vợ chồng tôi chỉ làm nông, không tham gia kháng chiến, nhưng những năm chiến tranh cả nhà phải đi sơ tán. Chúng tôi đi hết nơi này đến nơi khác để tránh bom đạn, có lúc ở trong núi, trong rừng, ăn sắn bắp, uống nước suối… Đó là nguyên nhân khiến vợ chồng tôi bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Sau năm 1975, đất nước giải phóng, chúng tôi về lại quê cũ, tôi sinh thêm hai người con gái út, thế nhưng cả hai đều tật nguyền. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, khi chồng tôi qua đời vì bệnh hiểm nghèo; gần 30 năm nay, tôi cùng các anh chị hai đứa chăm lo cho chúng nó”. Ngày nào cũng vậy, cứ 4g sáng là cụ Gương dậy và đi bộ hơn cây số để nhặt rau, nướng bánh tráng thuê cho một quán bán cháo lòng ở chợ Phong Niên. Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Gương vẫn là lao động chính trong gia đình. Hai người con gái của cụ, chị Ngân, chị Nhung vẫn như hai đứa trẻ, bò lết trong nhà, cười hềnh hệch, hay co rúm người khi có tiếng động. Mỗi khi trái gió trở trời cả hai chị bị động kinh, kêu la thảm thiết. Mỗi lần như vậy, cụ Gương cùng các con cháu phải ôm chặt hai chị, rồi xoa bóp để giảm đau đớn. “Tôi lo lắm cô ơi, không biết mai này tôi theo ông bà, hai đứa nó sẽ ra sao?”, cụ Gương nghẹn ngào nói.

 

Cũng như cụ Gương, gia đình ông Trần Văn Đừng (66 tuổi, thôn Phú Phong, xã Hòa Đồng, Tây Hòa) cũng bi đát không kém. Hai người con trai út của ông, thì một người bị tật nguyền, ngơ ngác nhưng còn có thể đi đứng được; còn một người bị liệt toàn thân nằm một chỗ bởi di chứng chất độc da cam/dioxin. Cách đây 8 năm, vợ qua đời, ông phải gánh vác mọi công việc trong nhà. Đã vậy, 5 năm nay, ông lại bị bệnh tai biến, vì không có tiền chữa chạy kịp thời nên ông bị liệt nửa người, chân trái ngày càng teo tóp, đi lại khó khăn… Ông Đừng tâm sự: “Từ ngày tôi bị tai biến, làm không đủ ăn, tôi đành để người ta dắt đứa con lớn vào TP Hồ Chí Minh bán vé số, họ cho được đồng nào hay đồng ấy, phụ giúp hai cha con ở nhà”.

 

Đây là hai trong nhiều gia đình bi đát vì có hai con bị tàn tật do di chứng chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh và họ đang rất cần những bàn tay san sẻ của cộng đồng.

 

LÀM DỊU BỚT NỖI ĐAU

 

Thấu hiểu được sự khó khăn, ngặt nghèo của các gia đình nạn nhân cùng với sự hỗ trợ tích cực của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các Mạnh Thường Quân, kiều bào, bạn bè quốc tế… đã chia sẻ về vật chất lẫn tinh thần giúp gia đình các nạn nhân vơi bớt phần nào nỗi bất hạnh. Nhiều nguồn ủng hộ của các tổ chức, chúng tôi thường hướng về những nạn nhân da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như gia đình cụ Gương, ông Đừng…

 

Ông Nguyễn Ngọc Chiến, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh nói: Có tận mắt chứng kiến cuộc sống của những gia đình này mới thấu hiểu họ là “Những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ”, họ rất cần sự sẻ chia. Vì vậy, chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như xây nhà tình thương, trao tiền, quà, hỗ trợ bò giống, đồ nghề cho các nạn nhân sửa chữa xe máy, hớt tóc… để họ kiếm tiền trang trải cuộc sống.

 

Tiến sĩ Peter Schmuth từ đất nước Thụy Sĩ xa xôi sang Việt Nam để san sẻ với những người khó khổ vì bị phơi nhiễm chất độc da cam. Anh vinh dự được kết nạp hội viên danh dự của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Năm 2000, tình yêu với cô gái Phú Yên thôi thúc anh tìm hiểu về vùng đất này. Cùng người vợ sắp cưới là chị Võ Ngọc Như Uyên (quê ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa), họ và những người trong Hội Nạn nhân da cam/dioxin tỉnh đến từng nhà ở các xã miền núi như xã Cà Lúi, Phước Tân (Sơn Hòa), xã Phú Mỡ, Xuân Quang 1 (Đồng Xuân), rồi ra vùng biển Tuy An, Sông Cầu, về với các ngõ ngách ở TP Tuy Hòa và nhiều nơi trên đất nước Việt Nam để chia sẻ với những gia đình nạn nhân dam cam/dioxin. Không ít lần anh rơi nước mắt khi thấy khát vọng sống cháy bỏng, ước mơ trở thành một người bình thường của những nạn nhân da cam. Hay ông Robert Bob, Giám đốc điều hành tổ chức Orange Helpers - Hành trình CAM (Hoa Kỳ) cùng vợ là Phan Thị Truyền (xã Xuân Bình, TX Sông Cầu) đã cùng hội đi đến các gia đình nạn nhân để tìm hiểu, hỗ trợ.

 

Bà Phạm Thị Tăng (70 tuổi, ở thôn Phú Phong, xã Hòa Đồng, Tây Hòa) có hai người con gái là nạn nhân da cam, nhận được sự hỗ trợ của ông Robert Bob thông qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phú Yên bộc bạch: “Tôi rất hạnh phúc khi có nhiều đơn vị, cá nhân hỗ trợ cho ba mẹ con tôi. Nhưng xúc động nhất vẫn là tấm lòng của ông Tây, ông ấy đã giúp mẹ con tôi có ngôi nhà mới. Khi ông ấy nắm bàn tay co quắp của hai con gái đáng thương với ân tình ấm áp, tôi đã bật khóc. Hình ảnh ấy làm tôi nhớ mãi, cảm ơn ông Tây và các đoàn thể rất nhiều”.

 

Các gia đình nạn nhân chất độc da cam/di­oxin trên địa bàn tỉnh đang sống trong tình trạng nghèo khó, bệnh tật triền miên. Cái vòng luẩn quẩn đói nghèo cứ mãi bám theo gia đình họ, bởi con cái bị dị tật, sức khỏe suy giảm, số tiền trợ cấp còn khiêm tốn. Chứng kiến nỗi đau mà những nạn nhân chất độc da cam đang từng ngày gánh chịu, mới hiểu họ đang khát khao mong chờ và hy vọng nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội như thế nào. Hãy mở lòng mình, sẵn sàng chia sẻ với nạn nhân da cam là nghĩa cử nhân đạo sâu sắc, thiết thực góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

 

KIM LIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek