Theo Quyết định số 1315/QĐ-TTg chính phủ, việc hút thuốc lá bị nghiêm cấm tại các nơi công cộng như: lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, phòng họp, phòng làm việc, bệnh viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng, nhà hát, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất, nơi làm việc trong nhà, trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc ở những nơi có nguy cơ cháy nổ... Tuy nhiên, đến nay, quy định này vẫn còn bỏ ngõ, nhiều người dân thì vẫn vô tư hút thuốc lá nơi công cộng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của nhiều người xung quanh...
Ảnh minh họa: Internet |
Theo điểm a, khoản 1, Điều 16 Nghị định số 45/2005/NĐ-CP (ngày 6/4/2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này), khi có quy định cấm thì bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng. Mặc dù quy định này đã có từ hơn 5 năm trước, nhưng đến nay việc xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng vẫn gặp không ít khó khăn, thậm chí là không xử phạt được. Theo Luật Thanh tra và Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng là lực lượng thanh tra chuyên ngành về y tế và chủ tịch UBND các cấp (chủ yếu là cấp xã, phường, thị trấn, thị xã). Với quy định này, thì lực lượng thực thi nhiệm vụ còn quá mỏng, trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành Y tế còn phải làm rất nhiều việc, nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vấn đề không phải là mức phạt trong lĩnh vực này bao nhiêu, mà là những người vi phạm có bị xử phạt triệt để hay không? Để lực lượng xử phạt được rộng hơn, cơ quan chức năng cần tăng cường nhắc nhở và xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng. Người vi phạm không thực hiện sẽ bị mời ra khỏi nơi công cộng hoặc cần thiết sẽ có sự tham gia của cơ quan công an gần nhất với mức phạt tăng lên nhiều lần. Hay các thủ trưởng cơ quan cũng có thể xử phạt nhân viên của mình nếu vi phạm...
KIM LIÊN