Với ưu thế tiện lợi, nhanh chóng, mẫu mã đẹp, mùi thơm quyến rũ, chủng loại đa dạng…, thực phẩm công nghệ đã và đang phát huy tác dụng, song nếu lạm dụng quá mức loại thực phẩm này thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của con người.
Bánh phồng chiên Snack là một trong những món khoái khẩu của trẻ con - Ảnh: M.KÝ
Một trong những thực phẩm công nghệ được người tiêu dùng đặt niềm tin nhiều nhất phải kể đến sữa bột. Với mong muốn cải thiện thể trạng, trí tuệ của con cái, các bậc làm cha, làm mẹ không ngần ngại bỏ ra gần cả tháng lương của mình để đầu tư cho sự phát triển thể lực, trí tuệ, sức khỏe cho con cái. Chị Nguyễn Thị Mai Hiên (khu phố Đông Hòa, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa), tâm sự: “Con tôi 5 tuổi, không chịu ăn cơm chỉ thèm uống sữa. Mỗi ngày cháu uống 4-5 lần. Lúc đầu, thấy con ốm yếu tôi thúc cháu uống sữa, thay đổi món ăn thường xuyên để kích thích cho cháu ăn nhưng vẫn không có kết quả. Từ khi uống sữa, cơ thể cháu săn chắc khỏe mạnh nên tôi quyết định cứ mua sữa cho cháu uống”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, sữa chỉ là thực phẩm bổ sung chứ không thể hoàn toàn thay thế những loại thực phẩm khác. Vì thế, người tiêu dùng cần có sự cân nhắc để vừa đem lại sức khỏe, đồng thời giải quyết tốt bài toán chi tiêu trong gia đình trong thời kỳ bão giá.
Nhiều loại thực phẩm công nghệ có lượng chất béo bão hòa trong các loại thực phẩm ăn liền như mì gói, khoai tây chiên, các loại bánh ngọt... dùng dầu chiên ở nhiệt độ cao, sản sinh ra một loại chất béo có tên khoa học là Trans Fat (chất béo bão hòa). Loại chất béo này làm tăng cholesterol gây rối loạn lipit trong máu sẽ dẫn đến nguy cơ đột quỵ, dẫn đến các bệnh về tim mạch... Tại hội thảo “Hiểm họa Trans Fat - người tiêu dùng cần được bảo vệ” được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bàn bạc đã kết luận: Không nên có thói quen dùng loại thực phẩm công nghệ. Người Việt vốn có thói quen ăn thực phẩm tươi sống, đây là những thực phẩm có hàm lượng Trans Fat thấp đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, với nhịp sống của xã hội hiện đại, nhu cầu sử dụng thực phẩm đóng hộp, mì ăn liền, thực phẩm chế biến công nghiệp... ngày càng phổ biến. Vì vậy, những hiểm họa từ Trans Fat mang lại ngày một lớn. Trong khi ở những nước tiên tiến, các nhà sản xuất buộc phải ghi cụ thể hàm lượng Trans Fat trên bao bì sản phẩm thì nước ta việc ghi hàm lượng Trans Fat trên bao bì rất ít, bởi vấn đề này còn khá mới mẻ và chưa có quy định nào bắt buộc. Sự hiện diện của các loại thực phẩm công nghệ cao trên thị trường là nhu cầu không thể thiếu. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần có sự chọn lọc, cân nhắc giữa việc dùng những sản phẩm công nghệ trong bữa ăn để bảo vệ sức khỏe cho gia đình mình.
ĐOÀN CẢNH QUÂN
(phường 5, TP Tuy Hòa)