Những năm gần đây, một số doanh nghiệp trong tỉnh đã sử dụng phương tiện vận tải có trọng tải lớn để khai thác vận tải trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ thuộc địa bàn tỉnh, chủ yếu chuyên chở vật liệu xây dựng, chở đất đá san lấp mặt bằng; hàng nông thổ sản… đã làm đất đá rơi vãi khắp mặt đường, đặc biệt là làm hư hỏng nhanh chóng các công trình cầu đường.
Bên cạnh đó, các phương tiện tham gia giao thông vận chuyển các loại vật liệu xây dựng, hàng hóa thường chạy quá tốc độ, chở quá tải trọng, là tác nhân gây mất trật tự và ô nhiễm môi trường. Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, một tài xế cho biết : “Tải trọng xe ô tô các loại này cho phép từ 10-15 tấn, song cánh tài xế chúng tôi thường yêu cầu chở thêm lên vài ba tấn nữa để có thêm thu nhập”.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay, tình trạng xe chở đá ganit, xi măng, sắt thép, vật liệu, các loại nông sản như sắn, mía… luôn trong tình trạng vượt tải trọng. Chính vì thế, mà các tuyến đường như quốc lộ 29, quốc lộ 25, quốc lộ 1… đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn giao thông.
Vì những lý do trên, các cơ quan chức năng như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông cần tăng cường kiểm tra tải trọng trên các tuyến đường có mật độ phương tiện chở quá tải cao, phát hiện và xử lý nghiêm các phương tiện quá tải, quá khổ ngay tại bến bãi vật liệu; kiên quyết áp dụng biện pháp hạ tải xuống khỏi xe số hàng hóa chở quá tải trọng mà quy định xe cho phép. Bên cạnh đó, ngành Giao thông vận tải cần rà soát, chỉnh sửa, bổ sung kịp thời hệ thống biển báo tải trọng trên các tuyến đường và nhanh chóng khắc phục những đoạn đường bị hư hỏng đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân.
Các ngành chức năng cần xử lý nghiêm các phương tiện tự ý thay đổi kích thước, tính năng, công dụng của xe; không để các xe chở hàng hóa quá khổ, quá tải hoạt động trên những tuyến đường làm hỏng mặt đường và mất trật tự an toàn giao thông.
MAI LINH HUY
(phường 5, TP Tuy Hòa)