Trong mỗi người Việt Nam từ trẻ tới già ai cũng ít nhất một lần được xem múa lân và múa lân trở thành món ăn tinh thần đặc biệt trong mỗi dịp Tết Trung thu. Ngày trước, đời sống còn khó khăn, nên không dễ có được một đoàn lân đi múa trong dịp rằm tháng tám. Bây giờ, đời sống được phát triển hơn rất nhiều, nên mỗi dịp trung thu, từ phố đến quê đều có đội lân và bắt đầu nảy sinh những vấn đề xã hội.
Những ngày cao điểm (từ khoảng mười một đến rằm tháng tám âm lịch), những thanh niên trong bộ đồ múa lân đi xe máy chở ba chở bốn chạy bạt mạng, lạng lách giữa dòng người khiến người đi đường không khỏi lo ngại. Không ít nhà sợ múa lân. Sự mời mọc, chèo kéo, mặc cả khiến gia chủ miễn cưỡng lắm mới đồng ý. Trong lúc múa lân, những thành viên “làm vui” khác như ông Địa, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới... lục lọi phá phách trong nhà rất phiền toái. Thậm chí vì tranh giành mối để múa phục vụ lấy tiền, giữa các đội lân xảy ra xích mích, mâu thuẫn và cách hành xử của họ không dừng lại ở lời qua tiếng lại mà đã dùng đến hung khí để nói chuyện phải quấy.
Múa lân là một nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt. Để hình ảnh múa lân sống mãi trong ký ức mỗi người, mãi là món ăn tinh thần “tinh khiết” không pha tạp thì các đoàn lân phải tự ý thức, nâng cao cách hành xử văn hóa và trách nhiệm hơn.
Theo tôi, cơ quan quản lý nhà nước hàng năm nên tập hợp tất cả các đoàn lân trên địa bàn để nắm số lượng, cá nhân đơn vị tổ chức. Nên tổ chức thi múa lân và bắt buộc các đoàn lân phải đăng ký thi như một cuộc sát hạch để có những “sản phẩm đủ tiêu chuẩn” để phục vụ nhu cầu xã hội. Qua cuộc thi như vậy, cơ quan quản lý nắm được các đầu mối để cấp phát và quản lý chặt chẽ, còn với các đội lân có cơ hội thể hiện và khẳng định tài năng, thương hiệu. Một khi làm được điều đó, chính những đội lân sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội và hành xử đúng mực hơn.
Mùa Trung thu không còn xa, mong lắm những tiếng trống lân trong trẻo, hình ảnh múa lân luôn đẹp đẽ chứ không phải là nỗi ám ảnh, kinh hoàng!
TRẦN CHÂN
(Phường 9, TP Tuy Hòa)