Tôi nghỉ hưu đã lâu và đang là một bệnh nhân gần đây được điều trị dài ngày ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) nên rất quan tâm đến sự nghiệp y tế ở địa phương và cả nước.
Đọc Báo Phú Yên số 1610 ngày 9/8/2012 bài “Xã hội hóa và tự chủ tài chính bệnh viện công: Từ chủ trương đến hiện thực” trong mục “Vấn đề bạn đọc quan tâm”. Bài báo đặt nhiều vấn đề phải suy nghĩ về cụ thể hóa việc thực hiện chủ trương xã hội hóa và tự chủ tài chính bệnh viện công trên địa bàn tỉnh, trước hết là Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Chủ trương của Đảng (Nghị quyết 46 NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị) và chính sách của Nhà nước (Nghị định 69/2008 NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ) đã đi vào hiện thực cuộc sống nhiều năm, cả nước thực hiện rất thành công. Vì sao tỉnh Phú Yên chưa có sự đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương này, mà việc trả lại máy tán sỏi cho đối tác sau hai năm đưa về bệnh viện là một minh chứng cụ thể.
Bác Hồ dạy, cái gì có lợi cho dân, cụ thể trong trường hợp này là đa số bệnh nhân nghèo, thì dù khó đến đâu cũng nên làm. Vấn đề ở đây là không quá khó, chủ trương chính sách đã có, chỉ cần có sự đồng thuận thực hiện thì mọi thiếu sót về phương pháp, thủ tục, quy trình sẽ được nhanh chóng hoàn thiện để máy tán sỏi đưa vào hoạt động phục vụ bệnh nhân. Mỗi năm, hàng ngàn bệnh nhân điều trị bằng phương pháp tán sỏi phải chuyển lên tuyến trên; vừa tốn kém tiền bạc, sức khỏe, thời gian cho bệnh nhân, vừa mang tiếng Bệnh viện Phú Yên kém phải đẩy bệnh nhân lên tuyến trên gây quá tải cho họ, mà lẽ ra nếu lắp được máy tán sỏi thì giải quyết tại chỗ, còn thu được lệ phí để góp phần chăm lo đời sống cho đội ngũ y bác sĩ bệnh viện đang rất khó khăn.
Tôi nghĩ các cơ quan quản lý (UBND tỉnh và cơ quan chuyên môn giúp việc Sở Y tế) căn cứ chính sách chung và cách làm của các tỉnh bạn để trình HĐND tỉnh thông qua mức viện phí, các quy định về xã hội hóa bệnh viện công để tạo hành lang pháp lý giúp lãnh đạo bệnh viện tỉnh đẩy mạnh việc xã hội hóa và tự chủ tài chính. Cả nước họ làm được và rất hiệu quả, tại sao Phú Yên lại có vướng mắc trong việc thực hiện xã hội hóa. Khởi đầu đã vướng mắc thì làm sao tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương này.
Việc kiểm điểm đúng sai Giám đốc bệnh viện là vấn đề nên làm với tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm túc. Cái đúng thì đã rõ vì đây là chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đã tạo hành lang pháp lý bằng một nghị định của Thủ tướng Chính phủ. Còn cái sai thì chỉ có thể là có thiếu sót nào đó về phương pháp, thủ tục, quy trình thực hiện. Cái gì thiếu sót thì rút kinh nghiệm và bổ sung hoàn chỉnh để thực hiện. Máy tán sỏi đưa về đến hai năm mà không hoàn chỉnh được thủ tục, quy trình để lắp đặt, đến mức phải trả lại cho đối tác là điều vô cùng đáng tiếc, vừa gây thất vọng cho bệnh nhân, vừa giảm niềm tin với các đối tác khi có ý định tham gia liên kết xã hội hóa y tế ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.
Một bệnh viện lớn chăm lo sức khỏe cho cán bộ trung cao cả nước như Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) mà có rất nhiều trường hợp họ phải thuê các bệnh viện khác, kể cả tư nhân, để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế chất lượng cao. Phú Yên còn nghèo, dù lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đầu tư nhưng làm sao đầy đủ. Những kỹ thuật y tế chất lượng cao được đầu tư từ huy động nguồn lực xã hội rộng rãi theo chủ trương xã hội hóa là bước đi thích hợp để đem lại lợi ích tối đa cho người bệnh, đặc biệt là bà con bệnh nhân nghèo trong tỉnh.
Tôi mong lãnh đạo tỉnh, ngành Y tế và CBCNV bệnh viện tỉnh có tiếng nói đồng thuận mạnh mẽ trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa và tự chủ tài chính bệnh viện công. Không chỉ có thế, còn có cả việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao... Huy động mọi nguồn lực xã hội để chăm lo cho dân là vấn đề nên làm, mạnh dạn làm... để tạo sức bật phát triển mới trong sự nghiệp chăm lo các nhu cầu thiết yếu của người dân.
NGUYỄN DUY LUÂN
(Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên)